Xuất phát từ tình yêu với thiên nhiên và khát khao gìn giữ, lan tỏa những nét đẹp văn hóa dân tộc, anh Nguyễn Thành Long đã dành trọn tâm huyết để hiện thực hóa “giấc mơ” - Nhà Duối, tạo nên một điểm đến du lịch, trải nghiệm tuyệt vời.
Là một người con được sinh ra ở Hải Dương nhưng lại chọn gắn bó và phát triển ở Hà Nội. Anh từng có khoảng thời gian dài học tập tại trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam và Đại học Luật Hà Nội. Có lẽ, chính những người anh từng có duyên gặp gỡ, những nơi từng đi qua hay những câu chuyện có cơ hội được chiêm nghiệm đã thôi thúc Nguyễn Thành Long phải làm một điều gì đó thực sự có giá trị cho cộng đồng. Và nhà Duối - Lấp lánh nếp xưa là một đứa con tinh thần được anh nuôi dưỡng và phát triển thành công.
Chào anh, được biết với vai trò là nhà điều hành thương hiệu riêng “Nhà Duối”, anh có thể chia sẻ mối duyên nào đã đưa anh “chạm ngõ” với lĩnh vực du lịch, mà không phải lĩnh vực khác?
Tôi luôn tin rằng mọi việc là do sự thu xếp của nhân duyên và thực tế nhân duyên luôn thu xếp khéo léo đến mức giống như một lựa chọn của mình vậy. Tôi đến với du lịch cũng thế, cũng xuất phát từ niềm đam mê và khi chấp nhận “dấn thân” vào làm thì tôi mới cảm nhận được những sự phù hợp đến bất ngờ.
Hiện nay, trên thị trường rất nhiều khu du lịch, nghĩ dưỡng cạnh tranh, nhờ đâu mà thượng hiệu của mình đã có một chỗ đứng vững vàng trên thị trường như ngày hôm nay?
Về cảnh quan, Nhà Duối cũng giống như những nơi khác, thậm chí họ còn làm đẹp hơn rất nhiều. Nhưng chiều sâu về văn hóa, giáo dục, lịch sử và tâm linh thì ở Nhà Duối lại có những điểm nhấn độc đáo riêng. Ở đây, không có ranh giới giữa khách – chủ, mọi người đến đây đều được chào đón như những người thân trong gia đình, cùng nhau sống trọn trong 24h tròn trịa, cùng nhau chia sẻ những hoạt động thường nhật của một gia đình nhỏ vô ưu – những người cực kì yêu thiên nhiên, thích kể chuyện, thích lịch sử Việt Nam và văn hóa địa phương, đặc biệt là thích nếp xưa.
Nhà Duối chọn phong cách chiết trung không tuân theo những luật lệ trước đó mà pha trộn giữa cái cũ với cái mới, giữa phương Đông và phương Tây, sự khoa trương và khiêm tốn, ồn ào và yên tĩnh… là sự pha trộn và kết hợp hài hòa giữa mọi phong cách. Phong cách này khuyến khích mọi người sử dụng những yếu tố mà họ yêu thích, đề cao tính cá nhân nhưng không quá phóng khoáng, tự do trong mọi chất liệu, hình dáng, kết hợp nhưng không phải tạo ra “một mớ hỗn độn”.
Nhớ lại một lần, tôi có dịp hàn huyên với một vị Giáo Sư, Tiến Sĩ Thầy Thuốc Nhân Dân và bản thân tôi cảm thấy rất tự hào khi ông nói rằng: Nhà Duối là nơi người Việt ai cũng nên đến ít nhất một lần trước khi chết.
Được biết, câu chuyện về 5 chiếc cổng Nhà Duối gây ấn tượng cho du khách khi đến đây, liệu ý nghĩa đằng sau câu chuyện này là gì, thưa anh?
Nói về 5 chiếc cổng Nhà Duối, tôi không thể nào kể hết được trong cuộc trò chuyện hôm nay nên chỉ có thể nêu lên những điểm khái quát nhất mà thôi.
Cổng đầu tiên ở Nhà Duối là “Hiếu Nghi Môn”. Trong quan niệm của dân tộc ta, chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên”, trong trăm hạnh của con người, hạnh hiếu đứng đầu. Vì vậy, cổng đón khách đầu tiên của Nhà Duối có tên là “Hiếu Nghi Môn”.
Cổng thứ hai là Trung Thành Môn. Đã làm người thì phải giữ được cả Hiếu lẫn Trung. Đây chính là nơi chủ nhà thường thỉnh 3 tiếng chuông chào và chúc phúc lành mỗi khi có khách tới thăm.
Cổng thứ 3 ở Nhà Duối là Hòa Viên Môn. Đây chính là cổng bước vào một khu vườn với sáu phòng Bungalow được thiết kế và setup theo sáu phương tiện tu hành để giác ngộ mà nhà Phật gọi đó là Lục độ Ba la mật.
Cổng thứ 4 ở Nhà Duối là Kính Sơn Môn. Cổng “Kính Sơn Môn” được dựng theo lối tam quan tối giản, để tỏ lòng kính ngưỡng sơn môn pháp phái của Nhà Duối.
Cổng thứ 5 ở Nhà Duối là Tín Thủy Môn, được chủ Nhà Duối quán chiếu và lập thành để tỏ lòng kính ngưỡng, thay cho muôn lời sám hối với Thủy Tinh và Long Vương tại thủy giới Đồng Mô - Nơi tọa lạc Nhà Duối.
Anh nhận định đâu là nét đặc sắc riêng biệt của Nhà Duối mà du khách không thể bỏ qua?
Đến với Nhà Duối, du khách sẽ được trải nghiệm rất nhiều hoạt động thú vị như: Hóa thân làm nông dân; Trải nghiệm làm nghệ nhân in tranh dân gian; Làm họa sĩ; Trở thành nhà nghiên cứu thảo dược; Trải nghiệm biến mình thành mọt sách; Tham gia các hoạt động thể thao dưới nước, trên cạn; Được nghe những câu chuyện ly kỳ và hấp dẫn về Nhà Duối; Trải nghiệm ngâm chân thảo dược cổ truyền; Trò chơi đi tìm kho báu với đầy ắp những dữ liệu lịch sử.
Ở đây, chúng tôi trân trọng sự khác biệt, khuyến khích sự kết nối của những gương mặt cũ – mới, phá bỏ mọi định kiến do văn hóa, do những e ngại ban đầu. Nhà Duối khuyến khích những thành viên của gia đình cùng nhau trải nghiệm những hoạt động tại nơi đây. Đó cũng là những giá trị đặc biệt mà tôi xây dựng cho Nhà Duối.
Là một người tâm huyết và gắn bó trong lĩnh vực này nhiều năm, anh đang kỳ vọng có thể đem đến được những điều mới mẻ gì cho Nhà Duối mang đậm dấu ấn điều hành và điều gì anh đang khát khao muốn thực hiện nhất cho nơi đây là gì?
Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là nhìn thấy Nhà Duối được mọi người yêu thương và đón nhận nhiệt tình. Ở thời điểm hiện tại hay 5 năm, 10 năm nữa cũng vậy, tôi vẫn luôn dành trọn tâm huyết của mình cho nơi đây, luôn cố gắng hoàn thiện hơn mỗi ngày và mang đến những tất cả những điều tuyệt vời nhất cho du khách. Để Duối không chỉ là một điểm đến du lịch mà sẽ còn là “chốn bình yên” để bạn tìm về.
Cảm ơn anh đã dành ít thời gian để xem qua câu hỏi phỏng vấn. Chúc anh sức khỏe và thành công!
Hà Trần – Duyên Mỹ