Cây kèn Pí lè gia truyền dòng họ Phàn vùng biên

Cây kèn Pí lè gia truyền dòng họ Phàn vùng biên

Thứ 6, 15/02/2013 | 16:54
0
Khi già làng Chìu kết thúc giai điệu từ chiếc kèn Pí lè thì bên kia ngọn núi vọng lại âm thanh, giai điệu tương tự. Băng rừng lội suối, già làng quyết tìm bằng được người thổi khèn kia nhưng không ngờ đó chỉ là cậu bé mới 6 tuổi. Nắm chắc đôi bàn tay nhỏ nhắn của đứa bé, già làng Chìu thốt lên rằng: "Đây là con của núi rừng gửi xuống cho bản mình rồi. Sau này, nó sẽ làm nên chuyện đấy". Quả như lời "tiên đoán", khi mới 13 tuổi cậu bé ấy đã trở thành thầy Tạo, tổ chức việc cưới, việc tang, lễ cấp sắc. Từ năm 19 tuổi..., cậu đã "ẵm" hàng chục giải thưởng trong các cuộc thi văn hoá văn nghệ từ trung ương đến địa phương và trở thành nghệ nhân khi chỉ mới ngoài 30 tuổi...

Chiếc kèn Pí lè gia truyền

Biết tiếng tăm nghệ nhân Phàn Văn Phú, ở thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) từ lâu nhưng hôm nay tôi mới có dịp tiếp kiến. Ban đầu cứ ngỡ, thầy Tạo Phú phải là ông già đầu tóc bạc phơ nhưng thật bất ngờ, người đàn ông đó còn rất trẻ. Gặp chúng tôi, anh  cầm chiếc kèn Pí lè trên tay, khẽ thổi một giai điệu Páo dung, âm thanh da diết, vi vu. Rồi anh bảo, chiếc kèn này là vật báu của gia đình, là linh hồn của dòng họ Phàn đấy. Quê gốc họ Phàn ở mãi huyện vùng cao Xín Mần (Hà Giang). Gia đình đã có 4 đời làm thầy Tạo (thầy tổ chức việc cưới, việc tang và lễ cấp sắc cho người đàn ông đã đến tuổi trưởng thành). Ngay từ năm lên 2 tuổi, cậu bé Phú đã theo chân ông nội đi làm thầy Tạo. Tiếng kèn Pí lè không thể thiếu trong các nghi lễ ấy, cứ thế ngấm vào tâm hồn cậu bé Phàn Văn Phú.

Năm đó, vào ngày đầu xuân, theo tục lệ, ông Chìu đứng trên đỉnh núi cao cất tiếng kèn gọi mùa, gọi ấm no, hạnh phúc về với bản làng. Mọi việc xong xuôi, ông trở về nhà thì nghe vọng sau vách núi âm thanh tiếng kèn Pí lè gọi mùa no ấm. Ông tự hỏi: "Ai! Ai mà biết thổi giống như ta". Rồi ông Chìu cất công đi tìm người thổi kèn nhưng không thấy. Người trong bản bảo, hay là có "con ma" nó trêu đùa và ai cũng thấy hoang mang. Ông Chìu lại lên đỉnh núi một lần nữa thổi kèn thì giai điệu ấy lại được cất lên. Lần này thì ông đã tìm được chủ nhân của tiếng kèn ấy. Đó là thằng bé 6 tuổi, cháu nội của ông Phàn Văn Hin, cũng là một "cây" Pí lè của bản. Ông Chìu rạng rỡ hẳn lên, như bắt được "báu vật" vì đã tìm được người kế nghiệp cha ông.

Cậu bé Phú được ông nội dạy học thổi kèn Pí lè một cách bài bản, từ lấy hơi, nhả hơi hòa với nhịp của từng ngón tay để có thể thổi được những đoạn nhạc dài, khó. Lên 9 tuổi, Phú đã thuộc làu các giai điệu Páo dung, người lớn cũng khó mà theo kịp. Ngày ông nội về với tổ tiên, có dặn lại Phú: "Chiếc kèn là báu vật của dòng tộc, không được bán, không được đánh mất để giữ hồn cốt của dân tộc mình".

Xã hội - Cây kèn Pí lè gia truyền dòng họ Phàn vùng biên

Nghệ nhân Phàn Văn Phú sáng tác những làn điệu Páo dung.

Năm 12 tuổi, cả gia đình Phú về thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) sinh sống. Cả bản người Dao khi ấy chỉ có 30 người, duy nhất Phú biết thổi Pí lè. Chiều chiều, Phú thổi kèn cho mọi người nghe, làm vơi đi nỗi nhớ quê trong họ. Tiếng kèn Pí lè của Phú trở nên thân thuộc với mọi người. Bà con bảo, ngày lễ, ngày tết có thể thiếu thịt, thiếu rượu nhưng không thể thiếu tiếng Pí lè. Phú giỏi thổi kèn và nằm lòng các nghi lễ của người Dao nên mọi người nể lắm. Một điều xưa nay hiếm ở các bản người Dao là một cậu bé mới 13 tuổi đã được tôn lên làm thầy Tạo. Thế mới hiểu, người Dao không nặng nề về chuyện sống lâu mới được lên "lão làng", ai giỏi là được trọng dụng. Ông thầy Tạo mới 13 tuổi nhưng lời ăn tiếng nói có trọng lượng lắm, ai cũng tin Phú.

"Yêu nhau mấy núi cũng trèo"

Phàn Văn Phú còn có giọng hát Páo dung khỏe khoắn, lối đối đáp đầy ý nhị. Anh tâm sự, nhờ cây kèn Pí lè và làn điệu Páo dung mà lấy được vợ con nhà "danh gia vọng tộc", cách nhà anh gần... 100km. Nhớ lại chuyện ấy, vợ chồng anh xúc động lắm. Gặp nhau trong buổi giao lưu văn nghệ ở xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), Phú như bị hút hồn trước vẻ đẹp và giọng hát của cô gái tên Lai. Trái tim Phú thổn thức, tiếng kèn Pí lè cũng... thổn thức, tấu lên giai điệu yêu thương da diết... Lai cũng chưa bao giờ được nghe tiếng kèn hay đến thế. Tiếng kèn trong trẻo như con suối gần nhà em róc rách chảy, tiếng kèn dặt dìu như gió núi quê em trong mỗi buổi sớm mai. Ánh mắt gặp nhau như có lửa cháy, họ cùng hòa vào làn điệu Páo dung, ngây ngất  hương tình:

Nhạc xuân anh gửi tới nàng

Đêm nay trăng tỏ núi rừng quê ta

Kèn vui mời em xuống nhà

Dưới trăng mình hát đôi ta hẹn lời

Nghe tiếng kèn Lai bồi hồi:

Đầu bản em đến đón chàng

Bao đêm tiếng nhạc mơ màng lòng em

Kìa trăng anh thổi đi anh

Ngỏ lời em hát mời anh đến nhà...

Đôi trai gái thức trọn đêm dài cùng tiếng kèn Pí lè và làn điệu Páo dung tha thiết... Xa xôi cách trở, Phú chỉ biết mượn tiếng kèn khỏa lấp nỗi nhớ nhung. Nhưng mối tình đó đã bị gia đình Lai phản đối quyết liệt bởi nhà bên ấy không muốn con mình đi lấy chồng xa. Nhưng "Lòng đã quyết anh giữ lời ước hẹn nhé/Ta yêu nhau nguyện mãi dài lâu". Câu hát như thôi thúc trái tim yêu giữa hai người và họ đã đến với nhau, nghĩa nặng tình sâu đến tận hôm nay. Phú tình nguyện lên Vị Xuyên ở rể ba năm... rồi đưa Lai về Tuyên sinh sống. Nghe mối tình đẹp như mơ của anh chị, tôi nhớ đến câu ca: "Yêu nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua".

"Ban nhạc" gia đình người Dao độc đáo

Tiếng kèn Pí lè còn dẫn dắt anh đến với những lần liên hoan văn hóa văn nghệ dân tộc thiểu số ở huyện, tỉnh và khu vực và "ẵm" không biết bao nhiêu giải thưởng. Ở đâu, tiếng kèn Pí lè của anh Phú cũng làm ngây ngất lòng người. Anh còn mang đến cho người xem vốn văn hóa độc đáo của dân tộc Dao như lễ cấp sắc, đám cưới người Dao, lễ cầu may, gọi mùa. Cả 3 cô con gái của anh đều được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật của bố mẹ. Bọn trẻ vừa hát hay lại thêu thùa giỏi. Chả thế mà năm kia, chuẩn bị về nhà chồng cô con gái Phàn Thị Thảo tự tay may đủ trang phục, khăn gối cho chồng, cho mình, cho con. Những đường nét hoa văn sặc sỡ, xinh xắn được họ nhà trai khen nức nở. Thảo được đánh giá là cô gái giỏi giang nhất bản.

Hiện giờ, anh Phú đang dành thời gian dạy các con học thổi kèn Pí lè và hát Páo dung. Tôi tò mò không biết học trò của thầy giáo Phú thế nào, thì Quý, con rể anh đã nhanh nhẹn cầm cây Pí lè tấu lên giai điệu mùa xuân. Quý bảo, người thổi Pí lè hay là phải biết cách lấy hơi, giữ hơi, đổi hơi thì thanh âm mới du dương, trầm bổng được. Đổi hơi là một kỹ thuật rất khó, phải qua khổ luyện công phu mới thực hiện được. Tiêu chí đánh giá người thổi Pí lè giỏi là phải thuộc nhiều bài. Tùy theo thời gian, hoàn cảnh thì có giai điệu khác nhau.

Gia đình anh Phú là một "ban nhạc" có ca sỹ, có người chơi đàn trong trang phục vẹn nguyên bản sắc dân tộc Dao. Mang theo hương sắc núi rừng, "ban nhạc" đã đi biểu diễn khắp nơi, cả ở tỉnh bạn Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, thành phố Hà Nội và đã đoạt hàng chục huy chương, bằng khen và nhiều giải thưởng khác nhau. Bản người Dao Thuốc Hạ tự hào đã có một ban nhạc như thế. Năm 2008, gia đình anh Phú đoạt giải Nhất tại Liên hoan Câu lạc bộ đàn hát dân ca và gia đình văn nghệ toàn tỉnh; tiết mục độc tấu kèn Pí lè và hát "Giao duyên tìm bạn", "ban nhạc" đã đoạt huy chương Bạc tại hội diễn văn nghệ toàn quốc năm 2009. Tiết mục "Đám cưới người Dao đỏ" được công nhận là tiết mục xuất sắc trong Ngày hội Văn hóa dân tộc tại Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) năm 2011... Trên nền của làn điệu Páo dung, anh đã sáng tác nhiều lời ca ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước trên đường đổi mới. Làn điệu Páo dung hôm nay rộn ràng, tươi tắn hơn. "Hương chè Tân Thành ngào ngạt trong gió/Lúa trĩu bông nuôi lớn mỗi con người/Dù đi xa, tình em còn mãi''. Làn điệu Páo dung hòa  trong nắng chiều dịu mát, khiến lòng ai vấn vương về vùng đất có "ban nhạc" gia đình mà người nhạc trưởng là một ông thầy Tạo. 

Phóng sự của: Thành Nam

Gia đình ba đời chăm sóc thi hài người hiến xác

Thứ 6, 01/02/2013 | 08:26
Đội tiếp nhận thi hài người hiến xác của trường đại học Y dược TP.HCM làm bạn với mỗi thi hài ngay từ lúc họ có ý định hiến xác, cho đến khi đưa thi hài họ từ gia đình vào phòng bảo quản, rồi tiếp tục ở bên họ 3 - 4 năm, tới lúc hết thời gian hiến xác.

Truyền nhân trị rắn độc cắn

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Nói đến Hoàng Văn Châu, ở xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, người dân Nghệ An hầu như ai cũng biết. Đó là người có biệt tài chữa rắn độc cắn, người đời gọi anh là thần y.

Truy tìm “thần dược” vô giá

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
Gần đây, có luồng dư luận đồn rằng cao rùa có công dụng đặc biệt, chữa được đủ thứ bệnh kể cả ung thư. Trong các cửa hiệu thuốc Đông y, cao rùa Trung Quốc được bán rất nhiều. Điều đó, khiến loài rùa đang bị săn lùng xuất lậu và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Chuyện chưa kể về những người canh cho dân ăn Tết

Thứ 4, 06/02/2013 | 08:07
"Mẹ ơi sao bố không về đón giao thừa với nhà mình, Tết nào bố cũng vắng nhà?", những câu hỏi của con trẻ với nhiều người vợ của cảnh sát giao thông (CSGT) có lẽ đã trở nên quá quen thuộc.

Chuyện chưa kể về ni sư “tài xế” cừ khôi một thuở

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Trong làn khói hương nghi ngút của chốn thiền môn, những âm thanh hỗn tạp của đời thường chợt lắng lại. Vị ni sư hồn hậu đón tôi bằng nụ cười tươi.