Chuyện chưa kể về ông vua thổ cẩm nức tiếng Hà thành

Chuyện chưa kể về ông vua thổ cẩm nức tiếng Hà thành

Thứ 3, 19/03/2013 | 22:35
0
Nhắc đến thổ cẩm là người ta nghĩ ngay đến nghệ nhân Đỗ Đình Được. Gắn bó với thổ cẩm hơn 60 năm, ông đã dành hết tâm huyết và niềm say mê của mình để giữ gìn nghề truyền thống đang có nguy cơ bị mai một. Thổ cẩm của ông không xa hoa, rực rỡ sắc màu mà mang nét độc đáo rất riêng, chứa đựng sự tinh tế, thanh lịch của người Tràng An. Có lẽ vì thế mà nhiều người hâm mộ gọi ông là ông vua thổ cẩm đất Hà thành.

Đến với thổ cẩm từ niềm đam mê

Chúng tôi đến con phố Triều Khúc vốn chật chội và đông đúc vào một ngày đầu năm để tìm gặp nghệ nhân Đỗ Đình Được. Không khác với những tưởng tượng mà chúng tôi đã hình dung về ông, nghệ nhân lão làng xuất hiện trong chiếc áo măng tô tối màu giản dị và mái tóc đã bạc trắng như cước. Nhìn ông, người ta sẽ dễ liên tưởng đến một cụ già sống an nhàn, ẩn dật ở miền sơn cước hơn là một nghệ nhân hoài cổ giữa phố phường. Dẫn chúng tôi vào nhà, ông kể ngay rằng dạo này ông hơi bận vì vừa hoàn thành ngôi nhà mới xây. Pha một tách trà nóng để mở đầu câu chuyện, ông kể cho chúng tôi một câu chuyện hấp dẫn từ quãng đời 80 năm đã qua của mình.

Xã hội - Chuyện chưa kể về ông vua thổ cẩm nức tiếng Hà thành

Nghệ nhân tài hoa Đỗ Đình Được.

Triều Khúc từ xưa vốn được biết đến là một làng nghề đa ngành, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến nghề dệt thổ cẩm. Người dân trong làng vẫn luôn tự hào về những sản phẩm mang dấu ấn riêng của mình. Sinh ra và trưởng thành từ môi trường truyền thống, lòng yêu thích với thổ cẩm đã sớm ngấm vào tâm hồn nghệ nhân Đỗ Đình Được. Khi theo học khoa đồ hoạ, trường cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (Nay là đại học Mỹ thuật Hà Nội), niềm đam mê thổ cẩm được nuôi dưỡng từ nhỏ càng có cơ hội nảy nở trong lòng nghệ nhân. Ông kể: "Ngày ấy vì là sinh viên mỹ thuật nên tôi phải đi nhiều nơi tìm hiểu và lấy cảm hứng để sáng tạo. Tôi hay đi đến các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và rất yêu thích con người cùng thiên nhiên nơi đây. Được ngắm những bộ quần áo thổ cẩm họ mặc, tôi càng thấy say mê với nghề truyền thống hơn".

Khi tốt nghiệp đại học, ông được trường giữ lại làm giảng viên. Thực hiện công tác giảng dạy, ông vừa làm hoạ sĩ vừa có thêm cơ hội để hoàn thành thêm hiểu biết về nghệ thuật trên cả hai mặt lý luận và thực tiễn. Những lúc trường chiêu sinh, có cơ hội được đi xa ông cũng thường hay tìm đến các bản để học hỏi cách dệt, cách chiết xuất màu nhuộm và hoa văn trang trí của đồng bào dân tộc. Vì công việc bộn bề nên cứ tối đến, ông lại dành tất cả thời gian vào việc tự tay dệt nên những tấm thổ cẩm. Ông tâm sự: "Sau quãng thời gian mày mò, tôi nhận ra rằng thổ cẩm vốn đã đẹp nhưng nếu được phối màu hợp lý thì sản phẩm sẽ hoàn hảo hơn. Nhưng để thực hiện ý định này rất phức tạp và khó khăn, để hoàn thành một tác phẩm, có khi tôi phải mất cả tháng trời".

Đã một thời, nghề dệt đem lại sự thịnh vượng cho người dân sống ở Triều Khúc nhưng đến những năm 90 của thế kỷ XX, khi nền kinh tế của đất nước đổi thay với việc đa dạng hoá ngành, nghề và các loại sản phẩm thì các làng nghề có nguy cơ bị mai một và chết dần. Những sản phẩm tâm huyết ông làm ra chỉ có thể để xếp xó. Cả làng chuyển dần sang nghề đồng nát, chỉ còn mình ông vẫn gắn với nghề truyền thống. Động lực thúc đẩy ông tiếp tục theo đuổi nghề là tác phẩm ông làm ra nhận được sự đánh giá cao của những người thưởng thức. Ông chia sẻ: "Nghề dệt truyền thống đã tồn tại cách đây hàng trăm năm, nên khi thấy khung cửi bị bỏ không tôi tiếc lắm. Thổ cẩm hồi ấy thô sơ, đơn giản, chỉ cách điệu một chút thôi chứ không cầu kỳ như bây giờ. Đời sống phát triển, thị hiếu của người dùng cũng thay đổi nên đòi hỏi kỹ thuật ngày một nâng cao lên".

Xã hội - Chuyện chưa kể về ông vua thổ cẩm nức tiếng Hà thành (Hình 2).

Sản phẩm của làng nghề thổ cẩm Triều Khúc.

Ngày đêm âm thầm giữ lửa truyền thống

Theo nghệ nhân Đỗ Đình Được, thổ cẩm có tính ứng dụng cao vì có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực như thời trang, trang trí mỹ thuật hay ngay trong cuộc sống hàng ngày. Từ khăn quàng cổ, quần áo, túi sách cho đến rèm cửa, khăn trải bàn, đệm ghế. Sản phẩm có bền hay không phụ thuộc vào yêu cầu của mặt hàng và tính chất để chọn chất liệu. Trong đó tính thẩm mỹ vẫn là chính. Sản phẩm làm ra phải đẹp, nhiều khi độ bền không quan trọng bằng tính thời trang.

Ông bảo mỗi người khi học đồ hoạ sẽ theo đuổi những ngành khác nhau. Có người làm tranh sơn mài, sơn dầu, có người làm đồ lụa, nhưng căn bản họ đã có cái gốc mỹ thuật, từ đó có con mắt thẩm mỹ để nhìn ra yêu cầu và tính chất riêng của mỗi sản phẩm. Ông dẫn chứng: "Có một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng muốn tôi chuyển một bức ảnh của ông ấy sang tranh sơn dầu. Tôi phải giải thích là hai loại hình nghệ thuật này tính chất khác nhau nên cùng một khung cảnh khó có thể thực hiện trên hai chất liệu. Cũng như một bức tranh có những nét vẽ thô, mảng miếng thể hiện bằng sơn dầu đẹp nhưng thể hiện sang chất liệu lụa vốn mềm mại lại không đẹp. Nói chung người nghệ sĩ khi vẽ phải rất chú ý tới chất liệu để tác phẩm được truyền tải một cách tốt nhất".

Nhiều người thấy lạ khi giữa thủ đô lại xuất hiện một người làm thổ cẩm, lý giải thắc mắc này nghệ nhân Đỗ Đình Được không cho đó là điều lạ. Ông bảo không như trên các vùng cao, ông làm thổ cẩm theo hướng nghệ thuật. Điều khác biệt nhất là sản phẩm của ông chú trọng đến bố cục trình bày và sự đa dạng trong cách thể hiện. Sản phẩm thủ công đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng chi tiết mà có nhiều điểm máy may không làm được. Phần thô có thể cho phép làm máy nhưng những hoạ tiết phức tạp vẫn phải cần đến dấu tay của người thợ dệt. Mỗi tác phẩm của ông mang lại những nét độc đáo khác nhau, nhưng đều thể hiện nét đặc trưng riêng của người Hà Nội. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa màu sắc và lối trang trí trên từng sản phẩm. Năm 1975, bộ tranh tứ bình ông làm được đánh giá cao hay những bộ tranh liên hoàn ông thực hiện trong dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long cũng giành được nhiều sự khen ngợi. Những tấm thổ cẩm nổi tiếng của ông mang chủ đề: Cảnh làng quê, Tre già măng mọc, Tình hữu nghị Việt Nam - Cu Ba được nhiều người biết đến và được mang đi triển lãm ở nhiều quốc gia như Đức, Ba Lan, Nhật Bản...

Khi so sánh với thổ cẩm của ta với hàng Trung Quốc, ông nhận xét: "Đồ Tàu rất tinh xảo nhưng có những thứ họ không làm được vì nhiều đặc tính chỉ Việt Nam mới có. Văn hoá vùng biên giới hay bị pha trộn nên những sản phẩm của ta để được công nhận phải có dấu ấn riêng". Ông kể về một kỷ niệm đáng nhớ khi làm trang trí tại nhà khách Chính phủ cách đây hơn chục năm. Khi đó ông đảm nhiệm toàn bộ khu nhà khách Bắc Bộ phủ. Khi nhà khách chuẩn bị xây xong có rất nhiều các nước gửi catalo đến để mời. Có rất nhiều mẫu trang trí đẹp, nhất là với mắt nhìn của những người ngoài nghề. Ban tổ chức mời ông tham gia vẽ bối cảnh. Lúc đó, ông phát biểu để bảo vệ và tuyên truyền văn hoá của mình đến các nước thì khâu trang trí phải thể hiện được bản sắc riêng của Việt Nam. Ông đã trình bày ba tiếng đồng hồ để nói về nền văn hoá lâu đời hàng ngàn năm của đất nước, nhân đó phân tích về hoa văn, màu sắc đến chất liệu của những sản phẩm nước ngoài. Ông bảo: "Các nước là chất liệu tổng hợp chứ nó không có một chút nào là nguyên liệu quý. Tôi sẽ làm với chất liệu quý nhất của đất nước và đồng thời cũng rất ít nước có, đó là tơ tằm để khách đến thăm nhà hiểu được một phần văn hoá Việt Nam. Bài thuyết trình của ông đã xuất sắc chinh phục được người nghe. Ông chia sẻ đó cũng là một cách tuyên truyền để giúp cho mọi người hiểu hơn về sự độc đáo của nghề truyền thống.

Truyền lửa đến các thế hệ sau

Nói về thế hệ truyền nhân, ông tâm sự mình có một cậu con trai cũng học mỹ thuật, hiện tại theo ngành quảng cáo nhưng khi cần vẫn có thể chuyển sang theo nghề cha. Trước đây khi còn làm công tác giảng dạy, ông đi nhiều nơi như Tuyên Quang, Hải Dương, Hà Tây, Thái Bình để giảng dạy nhằm giữ nghề nhưng giờ tuổi đã cao sức yếu nên ông dành thời gian để nghỉ ngơi. Ông không nhận mình là nghệ nhân mà chỉ đơn giản là một người say mê và góp sức mình để lưu giữ nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm của cha ông.

Thanh Loan - Bảo Hằng

Câu chuyện về “ông vua không ngai” độc nhất Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Đầu thập kỉ 80, 90 nhắc tới cái tên Vũ Tá Hùng, những người sành sỏi trong các thú chơi văn hóa ở Hà thành không ai là không biết. Chơi đồ cổ, chơi xe cổ, âm thanh, cây cảnh..., ông còn được gọi với cái tên thân mật "vua cá"

Chuyện chưa kể về “ông vua đồ chơi” của Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Ông là một trong số những người đầu tiên mang ý tưởng về Việt Nam sản xuất đồ chơi trẻ em và biến nó thành hiện thực.