'Di sản sống' trong lòng phố cổ Hội An

'Di sản sống' trong lòng phố cổ Hội An

Thứ 3, 07/05/2013 | 08:22
0
Đã hơn 50 năm trôi qua, hình ảnh vợ chồng ông Nguyễn Đường đã rất đỗi thân quen với người dân phố cổ Hội An.

Từ sáng tinh mơ, khi mặt trời còn chưa ló rạng, hai vợ chồng ông lại quang đôi gánh trên vai, đôi chân thoăn thoắt luồn lách qua mọi ngõ hẻm của phố cổ, đổ nước cho từng nhà. Ở nơi phố cổ Hội An, cuộc sống, việc làm của hai ông bà như góp một nét khắc hoạ rất riêng trong bức tranh phố cổ của những ngày xưa cũ. Có người đã ví ông bà như những "di sản sống" trong lòng phố cổ Hội An.

Hơn nửa thế kỷ gánh nước mưu sinh

Nghề gánh nước nước giếng cổ ở Hội An không biết đã có từ bao giờ. Nhưng theo một số bậc cao niên ở đây, nghề gánh nước thuê đã có từ thời kỳ chống Pháp. Tương truyền, giếng nước cổ Bá Lễ nước trong như suối, đậm vị ngọt của thiên nhiên, quanh năm không bao giờ cạn. Người dân nếu dùng nước giếng cổ này để nấu ăn, pha trà,.. sẽ đậm đà hơn, ngon miệng hơn. Từ những giá trị ấy, nhiều nhà hàng, khách sạn... đều có nhu cầu lấy nước giếng cổ Bá Liễu để chế biến. Từ đó mà sinh ra nghề gánh nước đi bán.

Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử và tự nhiên, nghề gánh nước thuê ở Hội An trở thành nghề chính của những người nghèo lao động ở đây. Lưng vốn chỉ là đôi quang gánh, với hai thùng nước và có sức khỏe dẻo dai, chịu thương, chịu khó. Họ lập nên một "làng gánh nước thuê", hễ có ai cần là họ gánh nước tới. Cứ thế, từ đời cha truyền sang đời con cho đến tận ngày hôm nay. Cuộc sống ngày càng hiện đại, hệ thống nước được kéo đến tận từng nhà. Nhu cầu có người gánh nước thuê cũng giảm dần khiến nhiều người trong số họ đã bỏ nghề, hoặc chuyển sang nghề khác đỡ vất vả và thu nhập khá hơn.

Song có một đôi vợ chồng thì vẫn "giữ nghề". Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Đường (85 tuổi) và bà Nguyễn Thị Mỹ (80 tuổi)  bởi tình cờ biết chuyện về cuộc đời của hai vợ chồng gánh nước thuê "nổi tiếng" nhất phố cổ Hội An. Trong con đường hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, tổ ấm của hai ông bà Nguyễn Đường (ngụ khối Thái An, phường An Minh) nép mình sau những căn nhà cao tầng cổ kính. Khuôn viên chưa đầy 20 mét vuông, chẳng có gì giá trị ngoài bốn chiếc thùng sáng bóng được cất cận thận nơi "sang trọng" nhất của ngôi nhà. 

Trong con hẻm vắng yên tĩnh, lâu lâu có vài tiếng ve kêu báo hiệu mùa hè. Mà thấy, thanh bình đến lạ. Cánh cửa nhà mở toang, ánh nắng rọi vào, đánh tiếng mãi mà không người đáp lại. Chúng tôi đoán là cả nhà ông Đường đang đi đổ nước chưa về. Khoảng chừng chục phút sau, ông Đường mới về, rảo chân nhanh, trên vai lắc lư đôi thùng nước. Thấy có khách lạ, ông liền nâng hai thùng nước xuống đất, rồi xếp lại gọn gàng. Trên người ông mồ hôi nhễ nhại làm cho chiếc áo sờn vai dính sát tấm thân gầy gò, già nua theo năm tháng.

Ông cất tiếng chào: "Mấy chú đến nhà tôi lâu chưa, hôm nay trời nắng, nhiều khách hàng nên tôi cố đổ nước thêm cho mấy nhà nữa. Mẹ con thằng Quốc đang đổ nốt mấy gánh cho nhà hàng". Ông mời chúng tôi ngồi bệt dưới nền nhà được lát bằng gạch cổ, rồi say sưa kể cho chúng tôi nghe về cái nghề gánh nước thuê đã nuôi sống gia đình ông 50 năm qua. "Tổ tiên tui vốn gốc là người Hội An. Trước năm 1975, gia đình làm chài lưới bên dòng sông Thu Bồn. Nhưng cuộc sống khó, ngày tháng lênh đênh trên sông nước, gia đình tản cư vào Nam. Được vài năm thì lấy vợ, sinh con".

Xã hội - 'Di sản sống' trong lòng phố cổ Hội An

Gia đình ông Nguyễn Đường trong ngôi nhà nhỏ.

Lấy nhau được một năm thì đứa con đầu lòng chào đời  trong niềm vui khôn tả. Không muốn sống cảnh tha phương cầu thực nữa, ông cùng vợ con quay về quê hương. "Tui có  ý định nối lại nghề chài lưới nhưng khổ nỗi, khốn khó, hai vợ chồng không có một đồng xu dính túi, ba miệng ăn cứ lo nơm nớp từng ngày, lấy tiền đâu để mua sắm lưới, sắm ghe". Những ngày cả gia đình lang thang trên chính quê hương mà lại không nhà không cửa, không người thân thích. Vợ suốt ngày ôm con, còn ông đi ra chợ Hội An, ai thuê gì làm nấy. May thay, được một người thương tình cho ông một khoanh đất nhỏ, cất lên ngôi chòi lá, cho có chỗ chui ra chui vào. 

Cậu bé Nguyễn Văn Quốc vừa tròn một tuổi thì bị trận ốm "thập tử nhất sinh" đã lấy đi tất cả niềm vui và hạnh phúc của gia đình nhỏ bé. Không một đồng tiền để chữa trị, ông bà chỉ ngồi "cầu trời khấn phật" đừng lấy đi niềm hạnh phúc của họ. Trải qua trận ốm, bé Quốc từ một đứa trẻ  khôi ngô, tuấn tú, lanh lợi, trở thành một đứa trẻ khù khờ, ít nói. Không cầm lòng đứa con bé bỏng đáng thương của mình cứ ngu ngơ suốt đời. Hai vợ chồng làm ngày làm đêm, ai thuê gì cũng làm, bụng chỉ có miếng nước lã để dành tiền cứu chữa đứa con tội nghiệp. Một lần, hai lần, rồi nhiều lần sau đó, ông bà ôm con mình đưa  hết bệnh viện trong Nam ngoài Bắc, nhưng tất cả chỉ nhận được cái lắc đầu.

Ông Đường đang nói chuyện thì bà Mỹ về. Ngồi xuống bên chồng, bà nói trong nghẹn ngào: "Chúng tôi lao vào cuộc kiếm kế sinh nhai từ hai bàn tay trắng, vật lộn cuộc chiến với cơm, áo, gạo, tiền. Hội An xưa, những người lao động nghèo khổ đã "sinh ra" cái nghề gánh nước bán cho những nhà giàu có, các cửa hàng. Điều đặc biệt, nước phải được lấy từ giếng Bá Lễ vì nước giếng nước giếng ngon, vị ngọt và trong mát quanh năm. Nắm bắt được nhu cầu, hai chồng tôi về sắm cho mình bộ đồ nghề, rồi  xin gia nhập “đội quân” gánh nước thuê".

"Di sản sống" của phố cổ Hội An

Nghề gánh nước thuê, tuy vất vả nhưng cũng đủ để cho gia đình ông rau cháo qua ngày. Đứa bé Nguyễn Văn Quốc khù khờ được hơn 10 tuổi cũng tập tành gánh nước. Dù ngày mưa hay nắng, từ lúc gà cất tiếng gáy đầu tiên, ba người trong gia đình ông đã có mặt tại giếng Bá Lễ, đong đầy thùng nước, rồi mỗi người chia ra một nẻo, theo địa chỉ khách hàng. Ông Nguyễn Đường chia sẻ: "Hồi đó mỗi gánh chỉ được 2 hào (đơn vị tiền cũ), một ngày gia đình cũng làm được 30 đến 40 chuyến. Tuy vất vả nhưng cũng có đồng vào đồng ra chú ạ".

Thấm thoắt đã hơn 50 năm trôi qua, ông bà Nguyễn Đường cùng đứa con trai tội nghiệp  cũng không hình dung được mình đã theo cái nghề gánh nước này lâu như thế. "Sức khỏe không như xưa, nhưng tôi vẫn gánh nước mới có thể kiếm tiền nuôi vợ con được. Có lẽ cái nghề gánh nước thuê đã ăn trong máu thịt của tôi rồi, như một cái nghiệp. Trên vai tôi đã quảy không biết bao thùng nước, thay bao nhiêu chiếc đòn gánh, không còn biết ê vai là như thế nào nữa", ông Nguyễn Đường hồn hậu nói.

Ở Hội An, nhắc đến giếng Bá Lễ, là người dân cũng như những du khách ưa tìm hiểu những nét riêng đều biết tới vợ chồng ông Nguyễn Đường. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề gánh nước thuê, vợ chồng ông Nguyễn Đường đã trở thành một mảnh ghép nhỏ,  không thể thiếu trong vẻ đẹp di sản văn hóa phố cổ Hội An. Nhiều hãng thông tin lớn trên thế giới đã đến thăm và quay những thước phim phóng sự về đôi vợ chồng với nghề gánh nước thuê xuyên thế kỷ này. Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Đường thường xuyên được các khách Tây ghé  thăm và chụp nhiều bức ảnh kỷ niệm cùng với chủ nhân. Nhắc đến đây, miệng ông cười tươi, rồi khoe: "Tôi và vợ con đóng phim quốc tế nhiều lắm".

Hình ảnh hai vợ chồng ông Đường rất đỗi thân quen với người dân  và cuốn hút với những người khách Tây. Nó giản dị, mộc mạc thân quen như là một nét xưa còn sót lại giữa lòng phố cổ Hội An. Hai vợ chồng mái tóc bạc phơ cùng đứa con trai tội nghiệp, họ vẫn lặng lẽ gánh nước qua từng con phố nhỏ đổ nước cho từng nhà. Ông xem giếng Bá Lễ như một báu vật liêng thiêng với cả gia đình hơn 50 năm qua. Cứ tới ngày rằm hay mồng một, vợ chồng ông cùng đứa con trai đến giếng Bá Lễ  thắp hương vái tạ ơn thần giếng đã giúp cho vợ chồng ông rời chốn bĩ cực, sống cuộc sống yên ấm, hạnh phúc...         

Nỗi day dứt cuối đời

Ông Nguyễn Đường chia sẻ: "Cuộc đời tôi vẫn đau đáu một điều là thằng Quốc đã 50 tuổi rồi mà như đứa trẻ. Trước đây, Quốc mê cô bé gánh hàng rong, hai đưa thân thiết, nhưng cô bé bạo bệnh mất đi. Từ đó Quốc cứ thẫn thờ, nói lấy vợ, nó ghét lắm. Nhìn nó rứa chứ thủy chung lắm đấy". Vừa xoa đầu đứa con tội nghiệp, dòng nước mắt lăn rơi trên gò mà gầy hao, bà Mỹ cho biết thêm: "Rồi đây khi vợ chồng chúng tôi không còn, Quốc không biết lấy ai mà nương tựa...". 

Hồng Sơn

Ly kỳ chuyện “rừng ma” giữ cây di sản

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Khu rừng Đông Rân ở xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, Cao Bằng lâu nay nhiều người đồn thổi với nhiều điều bí ẩn và gắn cho nó cái tên: Rừng ma. Chuyện rằng, rừng ma đã trừng phạt một người vào chặt trộm một cây gỗ bằng cách giam giữ anh ta nửa ngày trong rừng đến khi có người dân địa phương đến cứu.

Một ngày 'sống chậm' với phố cổ nơi địa đầu Tổ quốc

Chủ nhật, 17/03/2013 | 16:28
Giữa chót vót những núi đá tai mèo dựng đứng, một khu phố với niên đại hàng trăm năm tuổi còn nguyên kiến trúc xưa, không cơi nới, không sửa sang.

Những “ký ức sắt vụn” nơi phố cổ phồn hoa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Nói đến khu phố cổ Hà Nội, ai cũng nghĩ đây là nơi dành cho những hàng quán bán hàng xa xỉ hay những quán café sang trọng. Thế nhưng, khác biệt hẳn với cả dãy phố cổ sôi động Bát Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, là cửa hàng bán đồ cũ của vợ chồng cụ Nguyễn Viết Đỗ với những mặt hàng như cái may ơ, chiếc chốt cửa đã hoen gỉ...

Khi người nghèo 'bắc thang' vay tiền mua nhà

Chủ nhật, 05/05/2013 | 17:04
Theo phản ánh của nhiều người dân, dù nhiều cơ quan chức năng tuyên bố đã nới lỏng lãi suất và tạo điều kiện cho vay mua nhà nhưng dường như còn khó hơn "bắc thang lên giời"...