Chuyển đổi mô hình công nghiệp cho siêu đô thị Tp.HCM: "3 nhà" phải cùng hành động

Chuyển đổi mô hình công nghiệp cho siêu đô thị Tp.HCM: "3 nhà" phải cùng hành động

Thứ 5, 17/07/2025 14:49

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM khẳng định, Tp.HCM cần chuyển đổi mô hình công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, tăng nội địa hóa và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong đó, "3 nhà" gồm nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp phải cùng hành động.

Đưa ngành công nghiệp Tp.HCM vươn tầm

Sáng 17/7, UBND Tp.HCM tổ chức tọa đàm chuyên đề với chủ đề "Động lực phát triển công nghiệp Tp.HCM - Từ tiềm năng đến hành động" tại Trung tâm Hội nghị triển lãm (BCEC), phường Bình Dương, Tp.HCM.

Báo cáo về tiến độ phát triển ngành công nghiệp trong thời gian qua, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương Tp.HCM cho biết, Tp.HCM mới sau sáp nhập Tp.HCM - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu sẽ trở thành siêu đô thị phát triển với công nghiệp dịch vụ, logistics.

Trong đó, nhiều năm qua, ngành công nghiệp đã và đang khẳng định vai trò trụ cột đối với sự phát triển của Tp.HCM và sẽ tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm kinh tế công nghiệp. Đây cũng là động lực giúp thành phố thực hiện khát vọng tăng trưởng hai con số trong những năm tới.

Nhận định về sự phát triển hiện nay của Tp.HCM nói chung và ngành công nghiệp nói riêng (sau sáp nhập), TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, Tp.HCM mới, trong đó có "hạt nhân" Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu (cũ) đều là những "ngôi sao" đi đầu trong việc phát triển kinh tế ở khu vực phía Nam, trong đó có lĩnh vực công nghiệp gắn liền công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Theo TS.Thiên Anh Tuấn, những mục tiêu và tầm nhìn phát triển công nghiệp của Tp.HCM mới trong tương lai, về mặt quốc gia, Tp.HCM mới sẽ giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt công nghiệp Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển dựa trên chất lượng, năng suất và đổi mới sáng tạo.

Về mặt quốc tế, Tp.HCM mới sẽ là hạt nhân của chuỗi giá trị sản xuất châu Á - Thái Bình Dương, có năng lực thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu, phát triển các cụm ngành mũi nhọn.

Ông cũng nhận định rằng, Tp.HCM hiện nay có vị trí chiến lược, tiềm năng nội lực mạnh mẽ, thu hút được chuỗi cung ứng toàn cầu, hệ sinh thái sản xuất, đô thị, cảng tích hợp và đa chức năng. Với những chính sách phù hợp, sự phát triển đồng bộ không còn ranh giới địa phương thì việc trở thành siêu đô thị tầm cỡ là chuyện sẽ thực hiện được.

Chuyển đổi mô hình công nghiệp cho siêu đô thị Tp.HCM: "3 nhà" phải cùng hành động- Ảnh 1.

Tp.HCM đặt mục tiêu lớn trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sau sáp nhập.

TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn gợi ý Tp.HCM nên tập trung nâng cấp 3 nhóm ngành công nghiệp chiến lược có năng lực cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh mới.

Thứ nhất là công nghiệp nền tảng như cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới, hóa chất cao cấp, tự động hóa công nghiệp. Đây là là cơ sở cho chuyển đổi sản xuất và nội địa hóa linh kiện.

Thứ hai, ông gợi ý công nghiệp mới nổi như chip bán dẫn, pin thể rắn và pin hydro, dược phẩm sinh học, robot công nghiệp, in 3D trong sản xuất. Đây là trụ cột trong các chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Thứ ba là công nghiệp sáng tạo gồm thiết kế công nghiệp, công nghiệp phần mềm, công nghệ mô phỏng, thương hiệu hóa sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam", gắn kết công nghiệp với đổi mới sáng tạo và văn hóa số.

Công nghiệp sinh thái, thu hút đầu tư công nghệ cao

Ông Nguyễn Hoàn Vũ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Becamex cũng cho biết, hiện nay nhiều khu công nghiệp ở Tp.HCM đang phát triển theo mô hình hiện đại, xu hướng xanh, sinh thái nhằm thu hút được lượng khách hàng lớn trong và ngoài nước về những ngành nghề công nghệ bền vững.

Ông Vũ cho biết: "Để hướng tới dự phát triển chung của ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp sinh thái, chúng tôi cam kết đưa các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững vào thực tiễn vận hành khu công nghiệp tại Việt Nam. 

Chuyển đổi mô hình công nghiệp cho siêu đô thị Tp.HCM: "3 nhà" phải cùng hành động- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hoàn Vũ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Becamex.

Với sự chỉ đạo chung của UBND Tp.HCM, Becamex cũng đã hướng tới hợp tác cùng IFC để nâng cao năng lực ESG của hệ sinh thái Becamex – VSIP, nền tảng quan trọng để kết nối với các nguồn tài chính xanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng toàn diện và có trách nhiệm".

"Trong đó, các tiêu chí ESG (môi trường – xã hội – quản trị) không chỉ là yếu tố lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc nếu Việt Nam muốn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút đầu tư có chọn lọc", ông Vũ nhấn mạnh.

TS.Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, gợi ý trong bối cảnh mới, Tp.HCM mới nên phát triển theo trục lõi chuỗi giá trị công nghiệp. Theo đó, nên định vị Tp.HCM cũ là trung tâm R&D, kiểm định, tài chính, logistics và điều phối công nghiệp vùng.

Khu vực Bình Dương (cũ) sẽ là cực sản xuất công nghệ cao, tập trung cơ khí, điện tử, dệt may thông minh, chế biến sâu. Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là đầu mối xuất nhập khẩu, trung tâm năng lượng, cảng biển và logistics chuyên dụng.

Ông Điền cung nhận định rằng việc quy hoạch không gian cho sự phát triển công nghiệp nên đi theo trục lõi chuỗi giá trị công nghiệp theo hướng phân vai. 

Đặc biệt, trong đó, Tp.HCM nên dẫn dắt xây dựng bản đồ chuỗi giá trị vùng và giữ vai trò trung tâm điều phối chuỗi giá trị vùng. Việc này đồng thời sẽ là động lực phát triển lan tỏa ra toàn vùng Đông Nam bộ là Tây Ninh mới, Đồng Nai mới và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.

Phát biểu kết luận tại tọa đàm, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM khẳng định, việc hợp nhất Tp.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành một thực thể hành chính – kinh tế lớn là bước ngoặt quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển bền vững, đột phá.

Đây là thời điểm vàng để phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững, đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.

Ông Lộc Hà cũng cho biết, dù từng chiếm gần 50% doanh nghiệp tư nhân cả nước và là trung tâm công nghiệp – logistics lớn, nhưng hiện nay tỷ trọng công nghiệp đang có dấu hiệu suy giảm, giá trị gia tăng còn thấp.

Do đó, Tp.HCM cần chuyển đổi mô hình công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, tăng nội địa hóa và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong đó, ba nhà gồm nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp phải cùng hành động. 

Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường đầu tư thuận lợi; nhà trường cần cung cấp nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, đào tạo sát thực tiễn và doanh nghiệp đầu tư sản xuất thông minh, nâng cao năng suất, kết nối hệ sinh thái công nghiệp, đổi mới.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành. Trong đó, Sở Công Thương khẩn trương tổng hợp ý kiến, tham mưu UBND Tp.HCM giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp.

Sở Khoa học và Công nghệ cần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Sở Tài chính đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược; Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT chủ trì đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phối hợp doanh nghiệp – trường – viện xây dựng chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu sản xuất mới...

Phùng Sơn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.