Chuyện đời thiền sư lừng danh nước Việt

Chuyện đời thiền sư lừng danh nước Việt

Chủ nhật, 30/06/2013 | 01:06
0
Chuyện thiền sư Từ Đạo Hạnh lặn lội sang Tây Thiên học phép để trả thù cho cha, sau đó thác sinh, trở thành vua Lý Thiền Tông cho tới nay vẫn còn là một huyền thoại mê hoặc và đầy cảm hứng đối với nhiều người.

Tuy nhiên, đằng sau lớp vỏ huyền thoại ấy, người ta vẫn có thể tìm thấy những nét chân thực nhất về câu chuyện đời vị thiền sư lừng danh nước Việt này…

Học phép để trả thù cho cha

Thiền sư Từ Đạo Hạnh sinh năm 1072, vốn tên là Lộ, tự là Đạo Hạnh, sống vào thời vua Lý Nhân Tông, tu ở chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn, thuộc phủ Quốc Oai, Sơn Tây ngày nay. Theo những gì sử sách còn ghi chép lại được thì cha của Từ Đạo Hạnh tên là Từ Vinh, thuở nhỏ xuất gia theo học Phật nhưng về sau thì hoàn tục và làm quan tới chức Tăng Đô Sát trong triều đình nhà Lý.

Vào những lúc rỗi rãi, Từ Vinh thường đến làng An Lãng ở phía Tây kinh thành, tức làng Láng bây giờ, dạo chơi rồi quen biết và lấy một người con gái làng ấy tên là Tăng Thị Loan. Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan sinh được hai người con, một gái và một trai, Từ Đạo Hạnh là con trai thứ hai nhà họ Từ. Hai ông bà làm nhà trên mảnh đất phía Nam của làng ấy, nay chính là chùa Láng.

Nhiều người nói rằng, thế đất mà ông Từ Vinh chọn để dựng nhà là kiểu đất quý nên ông sinh được quý tử là Từ Đạo Hạnh, từ nhỏ đã có khí cốt tiên Phật. Tuy nhiên, khi đến tuổi đi học Từ Đạo Hạnh cũng giống như những đứa trẻ khác, suốt ngày chỉ thích giao du, chơi bời, không mấy chăm chú gì đến việc học hành. Chỉ có một điều khác lạ là mọi hành động và lời nói của Từ không ai có thể lường đoán được.

Ông Từ Vinh vốn quan tâm đến sự học hành và sự nghiệp tương lai của cậu con trai duy nhất, thấy thế thì buồn phiền và nhiều lần trách mắng Đạo Hạnh, tuy nhiên Từ Đạo Hạnh nghe xong thì đâu lại hoàn đấy, dường như chẳng có biến chuyển gì.

Mãi tới một đêm, trời đã rất khuya, ông Từ Vinh tình cờ đi qua buồng học của Từ Đạo Hạnh, thấy sách vở bày la liệt, ngọn đèn dầu lạc đã cháy gần tàn mà Từ Đạo Hạnh vẫn cầm cuốn sách trên tay, vừa đọc sách vừa mệt mỏi mà ngủ gật. Từ Vinh thấy vậy thì hài lòng lắm, biết rằng, Đạo Hạnh ban ngày chỉ thích đá cầu, đàn hát nhưng ban đêm thì lại dành thời gian chuyên tâm đọc sách.

Đến khoa thi tăng đồ, Đạo Hạnh tham dự và đỗ đầu trong khoa thi ấy. Tuy nhiên, trong thời gian Đạo Hạnh đi thi thì chuyện không may xảy đến với gia đình họ Từ. Nguyên nhân là vì ông Từ Vinh có xích mích với nhà Diên Thành Hầu ở mạn cầu An Quyến, cạnh sông Tô Lịch. Trong nhà Diên Thành Hầu có nuôi một pháp sư pháp thuật rất cao cường tên là Đại Điên. Do xích mích với Từ Vinh, Diên Thành Hầu đã sai Đại Điên tới nhà họ Từ dùng phép đánh chết Từ Vinh rồi vứt xác xuống sông Tô Lịch ngay cạnh nhà.

Xã hội - Chuyện đời thiền sư lừng danh nước Việt

Chùa Láng, nơi thờ Từ Đạo Hạnh

Từ Vinh chết oan nên xác vứt xuống dòng Tô Lịch trôi đến cửa nhà Diên Thành Hầu thì dựng đứng dậy không chịu trôi đi nữa. Đại Điên thấy vậy, xuống tận nơi hét to lên rằng: “Người tu hành không được giận mãn kiếp. Sống chỉ là một trò đùa bỡn, chết mới thành đạo Bồ đề!”. Đại Điên dứt lời, xác Từ Vinh trôi đi liền nhưng đến xã Nhân Mục thì lại dừng lại thêm một lần nữa. Người làng này thấy vậy, cho là linh thiêng, bèn vớt lên hậu táng, rồi sau đó dựng lăng miếu và đắp tượng thờ, hàng năm tổ chức tế lễ vào ngày mồng 10 tháng giêng, là ngày giỗ của Từ Vinh.

Từ Đạo Hạnh sau khi biết chuyện cha mình bị Đại Điên hại chết thì nuôi ý định báo thù vì vậy mặc dù đỗ đạt nhưng vẫn không ra làm quan. Một hôm, Đạo Hạnh rình lúc Đại Điên đi ra ngoài đường, cầm gậy xông đến định đánh chết Đại Điên, song đương lúc định ra tay thì bỗng nghe trên không có tiếng hét lớn: “Không được! Thôi ngay đi!”. Từ Đạo Hạnh nghe thấy tiếng hét, sợ hãi đành bỏ gậy ra về.

Biết rằng nếu như mình không có phép thuật thì không thể đánh lại được Đại Điên, trả thù cho cha, Từ Đạo Hạnh quyết tâm sang Ấn Độ để học phép lạ khả dĩ có thể đánh thắng Đại Điên. Đây có lẽ là tình tiết khiến người đời sau tưởng tượng ra chuyến hành trình sang Tây Thiên học phép lạ của Từ Đạo Hạnh và thiền sư Không Lộ, người vốn là học trò của Đạo Hạnh về sau. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu còn lưu lại, khi Đạo Hạnh đi qua xứ người răng vàng thì gặp cản trở nên đành từ bỏ ý định sang Tây Thiên, quay về ở ẩn tại chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn.

Truyền thuyết kể rằng, trong thời gian tu tại chùa Thiên Phúc, Từ Đạo Hạnh chuyên tậm đọc bộ kinh Đại bi đà la. Đây là bộ kinh rất dày, nói về giáo lý của nhà Phật và cũng chứa đựng cả những thuật pháp cao siêu, mà phải là người thông minh, có trí lực, lại kiên trì, mới có thể đọc và hiểu thấu nổi. Từ Đạo Hạnh rất kiên trì, đem cuốn kinh dày đó đọc đủ mười vạn tám nghìn lần.

Ở trước chùa Thiên Phúc có hai cây thông cổ thụ, dân chúng trong vùng vẫn quen gọi đây là hai cây rồng. Thế nhưng, do Từ Đạo Hạnh ngày nào cũng ngồi dưới cây mà đọc thần chú từ bộ kinh Đại bi đà la khiến cho cả hai cây thông cổ thụ cứ rụng dần lá, rồi cuối cùng biến mất. Từ Đạo Hạnh biết rằng Quan Thế Âm đã ứng hộ vào lời chú của mình nên càng ra sức đọc và niệm chú chăm chỉ hơn.

Cho tới một hôm đang ngồi tụng niệm thì Từ Đạo Hạnh thấy một thần nhân cưỡi mây từ không trung đáp xuống trước mặt nói: “Kẻ đệ tử là Trấn Thiên Vương, cảm phục thầy dầy công tu luyện, lại kiên trì tụng kinh niệm Phật nên lại đây để thầy sai khiến”.

Đạo Hạnh vui lắm, biết rằng đạo pháp đã thành, vì vậy đã gật đầu thu nhận đệ tử, rồi hẹn khi nào cần sẽ thỉnh đến sau. Vẫn canh cánh mối thù cha chưa trả, một hôm, Từ Đạo Hạnh xuống núi, cầm gậy ném xuống dòng nước đang chảy xiết, gậy tự nhiên dựng đứng lên rồi đi ngược cả dòng nước. Đạo Hạnh nhủ thầm: “Phép của ta đã thắng được Đại Điên rồi”.

Xã hội - Chuyện đời thiền sư lừng danh nước Việt (Hình 2).

Tượng thờ Từ Đạo Hạnh

Vì vậy, Đạo Hạnh thu lấy gậy rồi đi thẳng tới nhà Diên Thành Hầu tìm gặp Đại Điên. Vừa gặp mặt, Đại Điên đã cười khẩy, nói: “Thằng nhãi kia! Mày không nhớ chuyện lần trước hay sao mà còn dám đến đây?” Đạo Hạnh cả giận, chẳng thèm trả lời, nhưng miệng nhẩm thần chú thỉnh Trấn Thiên Vương tới, rồi cứ thế cầm gậy đánh cho Đại Điên ngã dúi dụi. Đại Điên trở tay không kịp và trên không trung lúc ấy cũng tịnh không có một tiếng gì để ngăn lại như lần trước, vì vậy, chỉ được một lát thì Đại Điên đã lăn ra chết. Đạo Hạnh bèn kéo xác Đại Điên ra bờ sông Tô Lịch, rồi quăng xác xuống, như trước kia Đại Điên đã từng làm như thế với Từ Vinh.

Sau khi đã diệt được Đại Điên, thù cha đã trả, Từ Đạo Hạnh bắt đầu du ngoạn các nơi để tìm lại dấu Phật, đồng thời gặp gỡ, đàm đạo với những cao tăng nổi tiếng đương thời. đây cũng là thời gian diễn ra câu chuyện đẫm chất huyền thoại về việc Từ Đạo Hạnh thác sinh trở thành vua Lý Thần Tông của triều nhà Lý.

Thác sinh làm vua triều Lý

Chuyện kể rằng, lúc bấy giờ vua Lý Nhân Tông không có con, đến tháng ba năm Hội tường Đại khánh thứ 3 (1112), có người ở phủ Thanh Hoa nói rằng: “Ở bãi bể có đứa trẻ kỳ lạ, tuổi mới lên ba, tự xưng là hoàng tử, lấy hiệu Giác Hoàng, phàm vua làm điều gì đứa trẻ ấy cũng biết”.

Vua sai quan trung sứ tới xem, thấy đúng như lời nói, bèn đón về kinh sư, cho ở chùa Báo Thiên. Vua đến chùa thấy đứa trẻ quả thực thông minh, rất lấy làm yêu dấu, muốn nhận làm con nuôi rồi lập làm thái tử nhưng quần thần đều can là không thể được, và nói: "Nếu kẻ kia thực là linh dị, tất phải thác sinh ở nơi cung cấm, sau mới có thể lập được". Vua nghe theo, cho mở đại hội bảy ngày bảy đêm để các thiên thần thiên tướng ở đâu thì về đầu thai nơi cung cấm.

Tuy đang tu ở chùa Thiên Phúc cách khá xa kinh thành nhưng Từ Đạo Hạnh cũng biết được tin. Đồng thời, nhờ vào phép thuật, Từ Đạo Hạnh còn biết rằng, đứa trẻ tự xưng là Hoàng Giác kia chính là pháp sư Đại Điên thác sinh mà thành. Vì vậy, Từ Đạo Hạnh nói với chị gái rằng: “Đứa trẻ kia là yêu tà mê hoặc người ta quá đáng. Ta há chịu ngồi yên mà không cứu, để nó làm mê hoặc lòng người, rối loạn chính pháp sao?”.

Nói rồi sai chị gái giả làm người đi xem hội, mật đem mấy tấm bùa của mình treo ở trên rèm nơi Hoàng Giác ở. Quả nhiên, hội tới ngày thứ ba thì Giác Hoàng bị bệnh nói với mọi người rằng: "Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, tuy muốn thác sinh, sợ không có lối vậy”. Nói xong ngắm mắt ngừng thở ngay.

Khi tin Hoàng Giác được báo về cung, Lý Nhân Tông vô cùng tức giận, lập tức ra lệnh cho quan quân tìm bắt cho bằng được kẻ lập bùa chú, giết chết Hoàng Giác. Quan quân theo lời đồn đại, tìm bắt được Từ Đạo Hạnh ở Hưng Thánh lâu, đem về giam ở hoàng cung chờ xét xử. Trong gian ấy, Sùng Hiền Hầu, một người em của Lý Nhân Tông, cũng đã cao tuổi mà vẫn chưa có con trai, biết chuyện Từ Đạo Hạnh, nghĩ rằng, họ Từ có phép thần thông giết được hóa thân của Đại Điên, ắt có cách giúp mình sinh con trai. Vì vậy, Sùng Hiền Hầu tìm cách xin Lý Nhân Tông tha cho Từ Đạo Hạnh rồi mời Từ Đạo Hạnh về nhà để giúp mình cầu tự.

Để đáp lại ơn cứu mạng của Sùng Hiền Hầu, Từ Đạo Hạnh bất đắc dĩ nhận lời giúp ông ta. Trước khi ra về, Từ Đạo Hạnh có dặn Sùng Hiền Hầu rằng: “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì phải cho người đến báo để tôi biết trước”. Đến khi phu nhân Sùng Hiền Hầu lâm bồn, Từ Đạo Hạnh được người báo tin, bèn tắm rửa thay quần áo, bảo học trò rằng: “Mối nhân duyên của ta chưa hết, phải thác sinh lần nữa ở đời, tạm làm đế vương, đến khi già chết làm nhị thập thiên tử. Nếu thấy thân thể tan ra đất, đó là ta đã thâm nhập vào bùn đất không còn ở trong cõi sống chết nữa. Vì vậy, các con chớ nên khóc làm gì”.

Học trò của Từ Đạo Hạnh nghe nói, ai cũng cảm động sụt sùi. Từ Đạo Hạnh đọc kệ rằng: “Thu tới, không cho chim nhạn báo trước. Cười nhạt mà nhìn nhân gian đau xót. Khẽ bảo bọn môn người chớ nên luyến tiếc. Thày xưa mấy độ hóa thày nay”.

Từ Đạo Hạnh đọc xong rồi bỗng nhiên mà hóa. Ngay sau đó, hầu phu nhân bèn sinh con trai, đặt tên là Dương Hoán. Khi lên ba, vua Nhân Tông nhận vào nuôi ở trong cung, lập làm hoàng thái tử. Nhân Tông băng hà, thái tử tức vị tức vua Lý Thần Tông, cũng tức là do Từ Đạo Hạnh thác sinh. Đó là chuyện xảy ra năm 1118.

Bằng Hư

* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.


Hành trình chinh phục 'đường lên trời' của Thiền sư VN đầu tiên

Thứ 6, 28/06/2013 | 16:18
Khi biết phía trước còn Tây Tạng, nơi Phật giáo đứng đầu so với những tôn giáo khác, ông lại tiếp bước. Một lần nữa, thiền sư dù đã bạc tóc vẫn gắng vượt qua cái lạnh trên dãy Hymalaya như đường lên trời đến Tây Tạng để có được vinh dự: Thiền sư Việt Nam đầu tiên được Quốc vương nước này ban pháp danh.

Thiền sư Việt Nam đầu tiên khuất phục Hymalaya thỉnh Xá lợi

Thứ 6, 28/06/2013 | 07:24
Ở tuổi 50, thiền sư Minh Tịnh vẫn một lần nữa khiến thế giới Phật giáo ngỡ ngàng, kính phục khi quyết tâm bộ hành vượt dãy Hymalaya viếng Nepal. Tại đây, ông vinh dự trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên vượt Hymalaya và cũng là thiền sư Việt Nam đầu tiên thỉnh được Xá lợi Phật, bảo vật vô giá của Phật giáo nói riêng và khoa học nói chung.

Những lời tiên tri chính xác 99,99% của các thiền sư Việt

Thứ 6, 14/06/2013 | 16:56
Thông qua những câu sấm truyền, nhiều thiền sư Việt Nam đã tiên đoán chính xác những sự kiện diễn ra sau hàng thế kỷ.