Pháo tự hành khai hỏa trong xung đột ở Ukraine.
Điều 5 của liên minh quân sự NATO quy định các thành viên trong khối sẽ phản ứng bằng biện pháp quân sự nếu một nước thành viên bị tấn công. Nhưng quy định này không áp dụng trong trường hợp binh sĩ NATO chính thức được huy động tới Ukraine, báo cáo do các chuyên gia của quốc hội Đức soạn thảo cho biết.
“Nếu quân đội của một hoặc nhiều nước thành viên NATO tham gia nhiệm vụ phòng thủ theo hướng có lợi cho Ukraine trong xung đột Nga – Ukraine và bị tấn công bởi các thế lực như Nga ở các khu vực chiến sự thì Điều 5 không được áp dụng”, các chuyên gia kết luận, theo thông tin do DPA thu thập hôm 29/3.
Báo cáo chưa được công bố chính thức cho biết, Điều 5 chỉ được áp dụng trong trường hợp lãnh thổ của một nước thành viên NATO bị tấn công. Đây là nguyên tắc được NATO xây dựng trên cơ sở phòng vệ từ những ngày đầu thành lập vào năm 1949.
Báo cáo cũng cho biết, Pháp có quyền đưa quân tới Ukraine theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để hỗ trợ Kiev phòng vệ. Điều 51 quy định việc tự vệ bằng vũ lực được một hay nhiều quốc gia thực hiện trong khi Hội đồng Bảo an chưa có quyết định áp dụng biện pháp cần thiết.
Các chuyên gia Đức lưu ý, một hoặc nhiều nước thành viên NATO nào đưa quân đến Ukraine không đồng nghĩa tất cả các thành viên còn lại trong liên minh đều can dự vào xung đột.
“Đó sẽ là nhiệm vụ quân sự của riêng một hoặc nhiều quốc gia và không liên quan đến NATO”, báo cáo nhấn mạnh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng trước lần đầu nêu ý tưởng “phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine”.
Nga đã cảnh báo bất kì binh sĩ Pháp nào được triển khai ở Ukraine sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Nga.
Hôm 28/3, Bộ Quốc phòng Pháp nói thông tin Paris chiêu mộ tình nguyện viên tham gia cuộc chiến ở Ukraine là “giả mạo”. Thông tin do một trang web giả mạo trang của chính phủ Pháp đăng tải. Trang này sau đó đã bị nhà chức trách Pháp đình chỉ hoạt động.
Đăng Nguyễn - RT