Chuyên gia chỉ mặt những dịch bệnh “ẩn mình” trong mùa mưa bão

Chuyên gia chỉ mặt những dịch bệnh “ẩn mình” trong mùa mưa bão

Ma Thị Kim Thoa

Ma Thị Kim Thoa

Thứ 3, 22/07/2025 00:00

Mưa bão không chỉ tàn phá nhà cửa mà còn làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Các bác sĩ khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe sau thiên tai.

Hồi 18h ngày 21/7, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 Wipha đã áp sát đất liền, cách Quảng Ninh khoảng 100km, Hải Phòng 220km, Hưng Yên 240km và Ninh Bình 270km về phía Đông Đông Bắc. 

Cơn bão mạnh cấp 9–10 (75–102 km/h), giật cấp 12, được dự báo sẽ đổ bộ đúng thời điểm triều cường dâng cao ở ven biển Quảng Ninh – Nghệ An, đe dọa trực tiếp đến an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông.

Không chỉ để lại thiệt hại nặng nề về kinh tế, bão lũ còn tiềm ẩn hiểm họa âm thầm với sức khỏe cộng đồng như dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận, chỉ trong tuần 11–17/7, số ca mắc sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng… đồng loạt tăng mạnh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền – Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo: "Hằng năm, từ tháng 5 đến tháng 12, nhiều địa phương phải đồng thời đối diện với bão lũ, sạt lở đất và các loại dịch bệnh. Mối nguy âm thầm nhưng nghiêm trọng chính là dịch truyền nhiễm phát sinh, lan nhanh trong và sau mưa lũ".

Chuyên gia chỉ mặt những dịch bệnh “ẩn mình” trong mùa mưa bão- Ảnh 1.

BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền – Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám bệnh cho người dân.

Nước lũ mang theo vi khuẩn, virus, rác thải, xác động vật… tràn lan khắp nơi, khiến điều kiện vệ sinh bị xáo trộn nghiêm trọng. Đây là cơ hội để hàng loạt bệnh như tiêu chảy cấp, tả, lỵ, viêm gan A, bệnh hô hấp, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da và sốt xuất huyết bùng phát, đặc biệt tại những khu vực bị chia cắt, thiếu nước sạch, thiếu thực phẩm đảm bảo vệ sinh.

"Nhiều bệnh có triệu chứng ban đầu khá mờ nhạt, dễ bị bỏ qua hoặc tự điều trị tại nhà, dẫn đến biến chứng nặng và lây lan thành ổ dịch", bác sĩ lưu ý.

Theo bác sĩ Huyền, trong mùa mưa lũ, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm như ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu hay gia súc, gia cầm chết. Khi khu vực bị ngập, nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói an toàn như mì ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.

Đặc biệt, cần bảo vệ nguồn nước sinh hoạt như giếng khoan, giếng khơi bị ngập cần thau rửa, khử trùng theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tuyệt đối không dùng nước bẩn để tắm, rửa mặt, giặt quần áo hoặc để trẻ em vui đùa.

Với sốt xuất huyết dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước, mỗi gia đình nên tích cực diệt muỗi, bọ gậy, đậy kín các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật dụng có thể đọng nước, ngủ màn kể cả ban ngày.

Để phòng bệnh ngoài da và đau mắt đỏ, cần tránh tiếp xúc lâu với nước ngập, rửa sạch tay chân ngay sau khi đi qua vùng ngập lũ, lau khô kẽ tay, kẽ chân, không dùng chung khăn mặt, chậu rửa với người khác.

Bác sĩ Huyền nhấn mạnh: "Quan trọng nhất, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như sốt, tiêu chảy, nổi ban, đau mắt, ho sốt kéo dài… người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh diễn tiến nặng và lây lan trong cộng đồng".

Song song với đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương bám sát diễn biến bão Wipha, xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn cho hệ thống y tế. 

Các bệnh viện, trạm y tế bố trí trực cấp cứu 24/24, chuẩn bị sẵn thuốc men, vật tư cần thiết. 

Tại những vùng trũng thấp, nơi có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, các đơn vị y tế phải lên phương án sơ tán, di dời kịp thời để hạn chế rủi ro.

Công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch, an toàn thực phẩm cần được triển khai khẩn trương ngay sau bão. Những địa phương gặp khó khăn vượt quá khả năng ứng phó cần báo cáo kịp thời để được hỗ trợ.

"Khi không thể ngăn cản thiên tai, điều mỗi người có thể làm là chủ động, nâng cao ý thức phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, không để trở thành nạn nhân kép của bão lũ và dịch bệnh", bác sĩ Huyền nói.

Phòng dịch tốt, chuẩn bị sẵn sàng không chỉ giảm gánh nặng cho ngành y tế, mà còn bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của toàn xã hội.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.