Hiện nay, nhiều cha mẹ cứ thấy con ho, sốt liền đưa đi xét nghiệm để phát hiện Adenovirus.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai nói: “Tôi thấy họ quá dại. Trong thực hành khám chữa bệnh, quy tắc chung toàn thế giới mà tất cả bác sĩ phải làm, thì khi bệnh nhân đến cần hỏi lịch sử bệnh (con anh ốm khi nào, có triệu chứng nào) sau đó mới hỏi yếu tố dịch tễ, sau đó mới hỏi bệnh nền, hỏi rất nhiều mới khám lâm sàng.
Hỏi thế để người ta xem anh bị bệnh ở đâu để tập trung khám vào phần đấy kỹ, còn những khu vực khác người ta khám ít.
Sau khi khám xong người ta ra chẩn đoán lâm sàng bệnh. Có những bệnh dù xét nghiệm cũng không giúp ích được gì cho bệnh đó cả.
Tuy nhiên, khi người ta vẫn lăn tăn không biết có phải bệnh đó không thì người ta mới nghĩ đến hiện có các xét nghiệm gì hỗ trợ chẩn đoán, chứ không ai đi làm xét nghiệm từ đầu đến chân cả. Vậy bạn tự động đi làm xét nghiệm là bạn làm ngược quy trình”.
Trẻ nhập viện vì mắc Adenovirus.
Theo PGS. Nguyễn Tiến Dũng, rất nhiều người không hiểu cách đọc xét nghiệm. Để đọc xét nghiệm người ta phải dựa trên người bệnh thật sự để chuẩn hóa kết quả xét nghiệm, kể cả xét nghiệm hiện đại nhất như PCR.
Với trường hợp dương tính Adenovirus, có trường hợp dương tính giả và âm tính giả. Dương tính giả nghĩa là không mắc Adenovirus nhưng xét nghiệm đó vẫn dương. Ngược lại có trường hợp mắc nhưng xét nghiệm âm tính.
Đặc biệt những xét nghiệm nhanh thì độ đặc hiệu và độ nhạy rất thấp. Lúc này phải quay lại để được bác sĩ khám và chẩn đoán, chứ bác sĩ không dựa hoàn toàn vào xét nghiệm. Việc khám lâm sàng cực kỳ quan trọng.
Bệnh nào cũng có nhẹ nặng, khi xảy ra trên bệnh nền thì nhiễm trùng nào cũng nặng. Các bệnh nền có thể kể đến như hen, phế quản mãn, bệnh tim mạch, huyết áp, đặc biệt là ung thư, bệnh suy giảm miễn dịch như HIV… Với những người này, không chỉ mắc Adeno mà mắc virus gì cũng có thể diễn biến nặng.
“Trẻ con bình thường khỏe mạnh thì chả vấn đề gì nếu nhiễm Adenovirus”, PGS Dũng nhấn mạnh.
DIỆU THU