Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ lâu, không phải là bệnh mới nổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây nó đang bùng phát rất mạnh, từ đầu năm đến nay riêng Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus, rất nhiều trẻ mắc nặng phải nhập viện thở oxy, thở máy, lọc máu. Đến nay đã có 9 ca tử vong.
Tại Hà Nội trong những ngày qua, một số cơ sở xét nghiệm quá tải vì các cuộc gọi của phụ huynh xét nghiệm Adenovirus tại nhà liên tục. Theo báo Công an Nhân dân, nhiều phụ huynh con sốt cao, có hiện tượng đau mắt, tiêu chảy nhẹ, mệt mỏi, nghi mắc Adenovirus đã gọi đơn vị xét nghiệm đến nhà lấy mẫu. Một số phụ huynh phản ánh, họ gọi điện cho tổng đài máy bận suốt, có nơi gọi buổi tối nhưng đơn vị xét nghiệm trả lời phải đợi đến hôm sau mới tới lấy được mẫu.
Trước tình trạng người dân đổ xô đi xét nghiệm cho trẻ vì lo ngại mắc Adenovirus. Tại cuộc họp về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc Adenovirus vừa diễn ra, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, phải phân luồng từ khu vực phòng khám. Khi chẩn đoán khẳng định trẻ mắc Adenovirus phải có buồng điều trị riêng. Sắp tới sẽ có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Adenovirus cho trẻ em, trong đó sẽ có tiêu chuẩn nhập viện và những hướng dẫn về xét nghiệm để tránh xét nghiệm không cần thiết.
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, trên cơ sở khám và điều trị cho nhiều ca mắc Adenovirus , PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng cần cá thể hóa từng bệnh nhân, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, lãng phí. Đồng thời, ông đề xuất cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ việc xét nghiệm.
“Việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này phải tuỳ theo từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi thì mới nên làm”, PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.
Quốc Tiệp (theo dangcongsan.vn, cand.com.vn)