Chuyên gia kinh tế 'hiến kế' bảo vệ doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế 'hiến kế' bảo vệ doanh nghiệp

Thứ 4, 04/09/2013 16:33

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh việc doanh nghiệp nội địa sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để chống lại sự cạnh tranh của doanh nghiệp ngoại.

Bảo vệ lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp

Theo bà, khả năng phòng vệ thương mại của các ngành sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu gây thiệt hại như thế nào?

Những biện pháp mang tính tự vệ rất cần thiết với mọi nền kinh tế. Việt Nam từ khi hội nhập WTO, có nhiều trường hợp bị các thị trường khác khiếu kiện về chống bán phá giá hay chống trợ cấp. Việc mà Việt Nam có thể khiếu kiện lại các nước gần như là rất ít khi xảy ra. Điều đó cũng bất cập và bất hợp lý bởi có nhiều trường hợp các doanh nghiệp trong nước ở chính thị trường Việt Nam đang bị thua thiệt vì hàng của các nước tràn vào là những hàng chất lượng thấp, giá quá thấp có thể gây phương hại tới sản xuất trong nước. Thậm chí, gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp ngoại cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước mà Việt Nam không có những công cụ thật sự hữu hiệu, kể cả việc áp dụng Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh về quyền tự vệ (Việt Nam đã ban hành khi tham gia WTO- PV) cũng không mấy khi áp dụng để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp.

Bất động sản - Chuyên gia kinh tế 'hiến kế' bảo vệ doanh nghiệp

TS. Pham Chi Lan.

Bà có thể cho biết rõ hơn về các công cụ phòng vệ thương mại?

Việc áp dụng thuế chống bán phá giá với hàng xuất khẩu là cần thiết và căn cứ trên những quy định đầy đủ của pháp luật Việt Nam. Chúng ta đừng nên hiểu theo cách đơn giản là biện pháp bảo vệ cho thị trường trong nước hoặc doanh nghiệp. Mà nguyên tắc cao nhất của nó là bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh, chứ không đơn thuần là Việt Nam muốn bảo vệ cho doanh nghiệp nội địa mà gây ra khiếu kiện hoặc cản trở đối với hàng của nước ngoài.

Thực tế, có những lĩnh vực mà chúng ta chưa đủ căn cứ để chứng minh được biện pháp mà các nước áp dụng với hàng Việt Nam là không lành mạnh thì chúng ta cũng không đưa ra khiếu kiện. Lần này, chúng ta có tương đối cơ sở để đưa ra, tôi cho rằng đó là việc làm cần thiết và đúng đắn.

Làm sao để doanh nghiệp có thể chứng minh có thiệt hại hay không đến lợi ích kinh tế - xã hội và kiện phá giá thành công, thưa bà?

Điều này chắc chắn doanh nghiệp làm được và họ làm thì mới có cơ sở để các cơ quan Nhà nước đồng ý kiện phá giá. Ở đây, chúng ta có thể dễ dàng so sánh được, hàng nhập khẩu trong điều kiện bình thường sẽ gây ra cạnh tranh như thế nào trên thị trường? Còn những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh thì mặt hàng của nước ngoài nhập vào Việt Nam có giá quá thấp và với giá thấp đó nó gây ra cạnh tranh không lành mạnh, làm sụt giảm thị phần của các doanh nghiệp. Chỉ khi nào mức ảnh hưởng lớn (theo quy định của pháp luật) thì chúng ta mới đưa ra kiện chống bán phá giá.

Theo tôi, không chỉ mặt hàng dầu ăn, thép chống rỉ, mà Nhà nước cần quan tâm tới việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là nông sản. Tuy nhiên, nói về mặt hàng này lại có cái khó. Sản xuất nông sản của chúng ta phân tán, tính chất manh mún nên việc tập hợp đủ thông tin còn hạn chế. Người nông dân có hiểu biết để đưa ra cơ sở chứng minh bị hàng ngoại phá giá, gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nhưng đến mức nào thì vô cùng khó. Cho nên, chúng ta chưa đưa ra đủ cơ sở hàng nông sản lép vế trên sân nhà.

Tuy nhiên, tôi kiến nghị cần có những biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (đứng trên giác độ bảo vệ người tiêu dùng-PV) để tránh khiếu kiện. Tôi chưa nói về mặt giá cả, ngay như biện pháp kiểm soát hàng chất lượng kém vào ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng cũng đã có thể đưa ra khiếu kiện được rồi. Đây cũng là một công cụ hết sức chính đáng, mà các nước cũng áp dụng rất nhiều. Chúng ta không thể nhắm mắt chấp nhận hàng kém chất lượng vào thị trường trong nước. Việc đó là việc các cơ quan Nhà nước phải làm. Các cơ quan Nhà nước vẫn có thể làm được đứng trên quan điểm người tiêu dùng mà chủ động đưa ra chứ không cần nông dân lên tiếng.

Tiếng nói của các hiệp hội còn yếu ớt...

Được biết, đến nay Việt Nam mới tiến hành ba vụ chống bán phá giá với hàng nhập khẩu. Phải chăng, công cụ phòng vệ thương mại đang bị bỏ quên và được áp dụng quá chậm, thưa bà? 

Theo tôi, việc này các cơ quan Nhà nước làm quá chậm. Ở đây, có một đặc điểm chung là các doanh nghiệp Việt Nam quy mô không đủ lớn để tập hợp được thông tin, chưa có đủ điều kiện, dữ liệu liên quan để tập hợp bằng chứng đưa ra trước cơ quan Nhà nước. Lần đầu tiên chúng ta áp dụng thuế chống phá giá với hàng xuất khẩu cũng là đối với mặt hàng khá quy mô, số lượng doanh nghiệp tập trung (thép, dầu ăn) thì việc lấy chứng cứ dễ dàng hơn so với các mặt hàng khác. Điều quan trọng là các cơ quan Nhà nước, cục Cạnh tranh (bộ Công Thương) cần có sự chủ động hơn, không nhất thiết phải chờ doanh nghiệp. Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước có thể quan sát thị trường và thấy khi nào ảnh hưởng đến thị phần (theo quy định của Việt Nam là 25% thị phần) để có thể bắt đầu tiến hành điều tra và tập hợp thêm các doanh nghiệp vào. Tôi nghĩ rằng, không phải cứ chờ doanh nghiệp lên tiếng, cơ quan Nhà nước mới tiếp nhận, xử lý.

Các doanh nghiệp cũng cần phải phát triển ở mức cao hơn như hội doanh nghiệp để tập hợp sức mạnh, có nền tảng nghiên cứu thị trường đầy đủ hơn, lấy chứng cứ của các doanh nghiệp. Lâu nay, tiếng nói của các hiệp hội yếu ớt trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp. Sự liên kết của các doanh nghiệp yếu, các hiệp hội khi hình thành tiếng nói với các chính sách cũng hờâi hợt tạo thành mặc cảm trong doanh nghiệp- không đủ sức mạnh, năng lực, tiếng nói để đưa ra các vấn đề tồn tại. Kết cục các hiệp hội cũng cam chịu với các thành viên của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh xảy ra trên thị trường.

Vậy theo bà, làm thế nào để các doanh nghiệp sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả?

Theo quan điểm của tôi, để sử dụng công cụ phòng vệ hiệu quả, các doanh nghiệp phải chuẩn bị chu đáo trong lập luận cũng như chuyên nghiệp trong tranh luận. Để đảm bảo rằng, các công cụ phòng vệ thương mại thực sự là công cụ bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, không bị lạm dụng thì các cơ quan điều tra phải điều tra thật chặt chẽ và chính xác vụ việc. Đồng thời phải thu thập đầy đủ tiếng nói của các bên liên quan để làm chứng cứ khi kiện chống bán phá giá. Thời điểm này, các doanh nghiệp cần tích cực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ mình. Và, quan trọng hơn nếu doanh nghiệp đoàn kết, chuẩn bị chu đáo thông tin, tài liệu; chuyên nghiệp trong tranh luận thì hoàn toàn có đủ cơ sở thắng kiện.

Xin cảm ơn bà!

BTV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.