Nguy cơ lây nhiễm rất cao
Gần 2 tuần trước, hình ảnh hàng nghìn người chen chân ở Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) đã gây lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch. Mới đây, hình ảnh biển người có mặt tại chợ đầu mối Bình Điền chờ làm xét nghiệm một lần nữa khiến nhiều người không khỏi lo lắng, e ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh có thể xuất hiện.
Từ những hình ảnh nêu trên, không ít người cho rằng chúng ta khuyến cáo giãn cách, 5K… nhưng việc tập trung đông người, không đảm bảo giãn cách như vậy rất có thể sẽ có nguy cơ phát tán dịch bệnh.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM bày tỏ: “Việc lấy mẫu xét nghiệm nhưng tập trung đông người như ở Bình Điền vừa qua là không đúng với khuyến cáo giãn cách. Việc tập trung đông người như vậy thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là rất cao, bởi chủng virus Delta lây lan nhanh, chỉ qua vài nhịp thở đã có thể lây nhiễm”.

Hàng nghìn người đổ xô về các bệnh viện để xét nghiệm Covid-19, xin giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 để làm việc tại công ty, đi lại liên tỉnh...
Từ đầu tháng 7, nhiều địa phương như: Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… bắt đầu áp dụng quy định người muốn vào địa bàn phải có giấy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính.
Cũng theo bác sĩ Khanh, yêu cầu về “tờ giấy thông hành” mà nhiều địa phương áp dụng chính là điều dẫn đến hàng nghìn người chen chúc chờ xét nghiệm, lấy giấy chứng nhận âm tính Covid-19 để có thể đi lại giữa các địa phương.
Tuy nhiên, theo BS. Khanh giá trị của tờ giấy xét nghiệm cũng trong thời gian ngắn hạn: “Việc xét nghiệm âm tính để đi lại giữa các địa phương là cần thiết, nhưng khẳng định rằng xét nghiệm không thể chính xác 100%, vì rất có thể hôm nay âm tính nhưng ngày mai lại dương tính”.
“Hiến kế” lấy mẫu an toàn, hiệu quả
Ghi nhận nỗ lực và sự quyết liệt của TP.HCM trong công tác xét nghiệm, phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, BS. Khanh cho rằng cần phải thực hiện triển khai lấy mẫu xét nghiệm một cách bài bản, lấy mẫu ở các điểm nhỏ để tránh tụ tập đông người.

Bác sĩ Khanh cần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại các điểm nhỏ, tránh tập trung đông người.
“Lấy mẫu xét nghiệm cần phải tìm chỗ nào vắng để lấy, nhà tổ chức lấy mẫu vét phải chịu khó đi từng khu phố để lấy mẫu như vậy thì sẽ đảm bảo an toàn, tránh tập trung đông người”, BS Khanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, BS. Khanh cũng cho rằng cần phải lấy mẫu có tổ chức, thông báo cho người dân theo từng khung giờ để tránh đông đúc.
Đối với những người dân lấy giấy xét nghiệm để “thông hành”, vị bác sĩ này cho rằng dù có kết quả âm tính thì cũng không được chủ quan, vẫn phải thực hiện thông điệp 5K của bộ Y tế.
Bác sĩ Khanh cũng đưa ra lời khuyên cho các F0 đang ở trong khu cách ly điều trị mà chưa triệu chứng:
1. Uống nhiều nước, uống đủ nước, uống đều trong ngày. Mang khẩu trang nhiều nhất có thể
2. Bình tĩnh, cố gắng nghỉ ngơi và vận động như ở nhà, không nằm suốt ngày
3. Luôn giữ vệ sinh và dọn dẹp vệ sinh phòng, cẩn thận khi vào nhà vệ sinh, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh (vì phòng không thoáng, không sạch sẽ dễ bị bội nhiễm)
4. Báo nhân viên y tế khi có triệu chứng.
Thanh Lam