Chuyên gia lý giải quầng mặt trời đẹp kỳ ảo xuất hiện ở Quảng Ngãi, Hà Nam

Chuyên gia lý giải quầng mặt trời đẹp kỳ ảo xuất hiện ở Quảng Ngãi, Hà Nam

Thứ 5, 15/05/2025 19:00

Trong mấy ngày vừa qua, nhiều người dân chụp các bức ảnh bầu trời có một vòng tròn bao quanh xung quanh mặt trời. Vậy đây có là dấu hiệu bất thường của tự nhiên?


Chuyên gia lý giải quầng mặt trời đẹp kỳ ảo xuất hiện ở Quảng Ngãi, Hà Nam- Ảnh 1.

Hình ảnh hào quang quanh mặt trời xuất hiện sáng 15/5 nhìn từ chùa Tam Chúc. Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc.

Sáng 15/5, từ chùa Tam Chúc (Hà Nam), nơi sắp diễn ra lễ cung rước xá lợi Đức Phật, nhiều người bất ngờ nhìn thấy hào quang quanh mặt trời. Hình ảnh ngay sau đó được chia sẻ trên mạng xã hội.

Trước đó, ngày 14/5, một số người dân ở xã Bình Tân Phú (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ghi lại những hình ảnh ấn tượng về quầng mặt trời.

Đáng chú ý trên mạng xã hội, hàng loạt video và hình ảnh về hào quang mặt trời được chia sẻ rộng rãi, nhận được sự quan tâm của nhiều người. Một số người cho rằng sự xuất hiện của quầng mặt trời là điềm lành, song một số người cho rằng đây là dấu hiệu báo trước mưa bão hoặc thời tiết bất thường sắp xảy ra.

Chia sẻ với Người Lao Động chiều 15/5, Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, lý giải, đây là hiện tượng "Quầng mặt trời" hay tên tiếng Anh là "Sun halo".

Hiện tượng này thường xuất hiện vào những ngày thời tiết tốt, bầu trời được che phủ bởi một lớp mây mỏng có tên là mây Cs.

Đây là lớp mây rất mỏng, trong suốt, tồn tại ở độ cao trung bình 6-8 km so với mặt đất và được cấu tạo bởi những tinh thể đá.

Theo Cục Khí tượng thủy văn, quầng mặt trời được hình thành như một hiện tượng khúc xạ ánh sáng khi chiếu qua lớp tinh thể đá.

"Nó khác với cầu vồng là hiện tượng khúc xạ ánh sáng qua bầu khí quyển nhiều những hạt nước. Bán kính của hình tròn tương ứng với quầng mặt trời là 22 độ góc tính từ mắt nhìn của chúng ta. Vậy nên nó còn được gọi là "hào quang 22 độ"- Cục Khí tượng thủy văn lý giải.

Cục Khí tượng thủy văn khẳng định đây là hiện tượng đôi lúc vẫn quan sát thấy ở Việt Nam và không phải là dấu hiệu gì bất thường trong tự nhiên.

Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy - người có hàng chục năm kinh nghiệm nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và sinh kế - cho biết, quầng mặt trời xuất hiện do hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng mặt trời qua các tinh thể băng hình lục giác trong các đám mây ti tầng (cirrostratus) ở độ cao khoảng 5 -10km. Khi ánh sáng đi qua các tinh thể băng này, nó bị bẻ cong, phân tách thành các màu sắc khác nhau, tạo thành vòng tròn sáng xung quanh mặt trời, thường có màu sắc giống cầu vồng, với ánh đỏ ở phía trong và tím ở phía ngoài.

Hiện tượng này thường xảy ra khi tầng khí quyển ở độ cao từ 5.000-10.000m có nhiệt độ giảm xuống 0 độ C tạo nên sự ngưng tụ các tinh thể băng mỏng tạo ra mây ti tầng che phủ bầu trời.

Quầng mặt trời đôi khi được dân gian liên hệ với dự báo thời tiết như dấu hiệu sắp có mưa trong những ngày tới là đúng. Tuy nhiên, hiện tượng quầng mặt trời không phải dấu hiệu cho một giai đoạn dài của thời tiết.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.