Xác UAV mang thuốc nổ rơi ở vùng ngoại ô Moscow.
Theo báo Ấn Độ EurAsian Times, các vụ UAV có nguồn gốc từ Ukraine tập kích thành phố lớn của Nga như Moscow và Belgorod đang ngày càng có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Mặc dù các cuộc tập kích này không gây thiệt hại, nó vẫn tạo ra sự lo lắng nhất định cho một bộ phận người dân Nga. Hôm 24/4, một UAV UJ-22 của Ukraine mang theo thuốc nổ C4 đã rơi gần thủ đô Moscow. Đây là khu vực gần Moscow nhất mà một UAV Ukraine từng tiếp cận.
Hãng thông tấn Nga TASS cho biết, UAV Ukraine rơi ở khu vực quận Bogorodsky, cách trung tâm thành phố khoảng 30km.
Trước đó một ngày, 4 UAV Ukraine được cho là đã xâm nhập vào vùng Belgorod của Nga. Một chiếc bị hệ thống tác chiến điện tử Nga vô hiệu hóa và một chiếc bị bắn rơi.
Hai chiếc còn lại gây hư hại nhất định cho cơ sở hạ tầng của Nga ở vùng Belgorod - vùng biên giới giáp với Ukraine.
Một chuyên gia quân sự Nga giấu tên đưa ra nhận định trên diễn đàn Rybar, rằng mục tiêu của Ukraine không phải là các thành phố Nga mà là các hệ thống phòng không chủ lực bảo vệ tiền tuyến của Nga. "Kiev kì vọng Moscow có thể rút bớt hệ thống phòng không từ các khu vực chiến sự để bảo vệ các thành phố, từ đó UAV có thể tấn công mục tiêu ở vùng Donbass một cách dễ dàng hơn", chuyên gia giấu tên nhận định, theo tờ EurAsian Times.
Bằng chứng là các hệ thống phòng không Nga cũng bắn rơi một số lượng lớn UAV Ukraine ở vùng chiến sự trong vài ngày gần đây. Hôm 25/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo bắn rơi 15 UAV ở các vùng Kharkiv, Lugansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson.
Trước đó vào ngày 24/4, hệ thống phòng không Nga cũng bắn rơi 38 UAV. Tổng cộng trong hai ngày, 53 UAV đã bị bắn hạ.
Ukraine thời gian qua được cho là dang tích cực sử dụng UAV tập kích các thành phố ở Nga.
Theo báo Ấn Độ, Nga đang tỏ ra không dễ bị Ukraine đánh lừa. Quân đội Nga chỉ duy trì một số lượng nhỏ các hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố.
Nguyên nhân Nga không huy động một lượng lớn hệ thống phòng không bảo vệ vùng đô thị nằm ở việc nỗ lực đánh chặn mục tiêu ở khu vực dân cư có thể gây ra những hậu quả không đáng có, ví dụ như tên lửa bắn trượt mục tiêu hoặc các mảnh vỡ từ tên lửa và UAV rơi xuống đất, có nguy cơ ảnh hưởng đến người và nhà cửa dưới mặt đất. Điều này đã từng xảy ra ở thủ đô Kiev, Ukraine, trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự. Một hệ thống phòng không Buk-M1 của Ukraine khi đó dường như đã đánh chặn trượt mục tiêu và đạn tên lửa đánh trúng một tòa nhà cao tầng.
Ngược lại, các cuộc tập kích bằng tên lửa tầm xa và tên lửa hành trình của Nga giai đoạn cuối năm 2022 đã khiến Ukraine phải bố trí các hệ thống phòng không để bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, đồng nghĩa không thể triển khai các hệ thống phòng không này ở tiền tuyến, báo Ấn Độ nhận định.
Đăng Nguyễn - EurAsian Times