Lý do coi Covid là bệnh đặc hữu
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề ra nhiệm vụ cần tập trung thời gian tới đó là tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Trao đổi với Người Đưa Tin, một số ý kiến của các chuyên gia y tế rất đồng tình với đề xuất nên nhìn nhận Covid-19 là bệnh chuyên khoa truyền nhiễm thông thường hay bệnh đặc hữu (hiện diện thường xuyên).
Lý do được đưa ra là những ngày qua số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao, đỉnh điểm ngày 3/3 Hà Nội ghi nhận 18.661 ca nhiễm. Cùng với đó, nhiều F0 điều trị tại nhà chia sẻ họ loay hoay tìm cách khai báo y tế với trạm y tế phường, xã. Do F0 quá đông, lực lượng y tế lại mỏng nên nhiều nơi cũng đã xảy ra hiện tượng quá tải.
Thầy thuốc Nhân dân, Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nguyên Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống phân tích: “Hiện nay, chúng ta đang xếp Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm nguy hiểm). Tuy nhiên, trên thực tế người dân đã được tiêm vắc-xin, bao phủ vắc-xin khá cao, số lượng ca nhiễm tăng nhưng số lượng tử vong và nhập viện không tăng. Nếu đặt Covid ở nhóm A thì sẽ vướng nhiều quy định, rào cản”.
Theo BS. Tuấn, trên thế giới nhiều nước như Anh, Mỹ đã coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, còn thực tế tại Hà Nội, Tp.HCM và nhiều tỉnh thành đã coi Covid là bệnh đặc hữu.
BS. Tuấn nêu dẫn chứng: “Vì hiện nay, có triệu chứng thì tự test nhanh, tự mua thuốc chữa, hết 7 ngày cách ly test âm tính thì tự động đi làm. Gọi điện đến trạm y tế phường, xã thì cũng không quan tâm nổi vì số lượng F0 lớn. Thực tế nhiều địa phương đã thả nổi, F0 tự test, tự mua thuốc, tự điều trị, tự bỏ cách ly…”.
Vị bác sĩ này cho rằng, nếu không coi là bệnh đặc hữu mà coi là bệnh nhóm A thì cơ chế bị bó hẹp, bệnh viện tư không tham gia được và nếu người bệnh có tiền cũng không tự bỏ tiền đi khám bệnh, nằm và điều trị theo yêu cầu.
Vì thế, BS. Tuấn đề xuất nên coi Covid là bệnh đặc hữu, mở rộng ra để người bệnh có điều kiện có thể yêu cầu thăm khám, điều trị và nhường suất miễn phí đó cho người khó khăn hơn và giảm nguồn kinh phí điều trị đáng kể cho Nhà nước.
Tuy nhiên, BS. Tuấn cũng lưu ý, song song với việc coi Covid là bệnh đặc hữu thì cần chuẩn bị tâm lý cho người dân thật tốt, đẩy nhanh tăng tốc tiêm phủ vắc-xin; chuẩn bị thuốc, tuyên truyền rộng rãi các phản ứng phụ của thuốc, đặc biệt thuốc kháng virus; có kế hoạch cho các bệnh viện tư tham gia tạo cơ chế, hành lang pháp lý để các bệnh viện tư được tham gia khám chữa bệnh. Thêm vào đó, coi Covid là bệnh đặc hữu không có nghĩa là chủ quan với bệnh mà vẫn phải tăng cường thực hiện tốt 5K.
“Các nước trên thế giới đã coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, nhưng chúng ta không học theo các nước mà tuỳ vào tình hình thực tế của Việt Nam để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, an toàn và hiệu quả”, BS. Tuấn nhấn mạnh.
Bảo vệ người yếu thế
Trao đổi với Người Đưa Tin, ThS.BSCKII. Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng cần hiểu hai chữ “đặc hữu” là bệnh mới nổi, hiện hữu, chưa có bao giờ, đại dịch diễn ra trên toàn thế giới, gây ra thiệt hại về mọi mặt. Và hiện nay, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nó.
Đánh giá về tình hình dịch Covid-19, ông Hà cho biết, hiện nay vắc-xin phòng Covid được phủ tương đối, cả trẻ em cũng đã và chuẩn bị được tiêm. Khi có vắc-xin thì tỉ lệ bệnh chuyển nặng thấp, tỉ lệ tử vong thấp, giảm hẳn so với giai đoạn trước.
“Bệnh lây truyền dễ dàng và không có cách gì để ngăn chặn, chúng ta cũng không thể đóng cửa như giai đoạn đầu mà chấp nhận lây lan”, ông Hà chia sẻ.
Nói thêm về mức độ nguy hiểm của Covid hiện nay, ông Hà cho rằng bệnh vẫn còn nguy hiểm, khi số ca tử vong hàng ngày lên đến con số trăm người. Cùng với đó, các đối tượng không tiêm được vắc-xin như phụ nữ có thai, người cao tuổi có bệnh nền… cũng sẽ gặp nguy hiểm.
Theo ông Hà, mặc dù tỉ lệ F0 chuyển nặng nhập viện thấp nhưng vẫn gây ra áp lực y tế cho các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện điều trị Covid.
Cùng với đó, ông Hà chia sẻ chúng ta không nên quá lo lắng mà hạn chế tất cả, điều quan trọng là bảo vệ người yếu thế.
“Bao giờ lên đỉnh dịch, rồi chuyển dần về thi thoảng mới có người nhiễm, tỉ lệ lây nhiễm giảm dần giảm dần thì nó sẽ trở về như bệnh lưu hành, hiện hữu. Tuỳ từng giai đoạn dịch bệnh mà quyết định chiến lược cho phù hợp”, ông Hà nói thêm.
Hoàng Bích - Thế Dân