Chuyện

Chuyện "ông vua chép tranh" đầu tiên của Sài thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
1
Những đường vẽ của ông cứ như rồng bay phượng múa, phác thảo nên những bức chân dung cả hồn lẫn sắc giống hệt y như bản mẫu khiến nhiều người xem đều phải trầm trồ thán phục.

Họa sĩ Trần Anh Trụ được nhiều người trong giới biết tới vì sự kỳ tài trong nghệ thuật vẽ chân dung. Những người đã từng đem hình chân dung cho ông vẽ lại đều phải ngạc nhiên trước bức tranh vẽ bằng sơn dầu sao chép giống y hệt, thậm chí còn đẹp và có hồn hơn bản mẫu.

Lạ & Cười - Chuyện 'ông vua chép tranh' đầu tiên của Sài thành

Họa sĩ Trần Anh Trụ bên một bức tranh chép nghệ thuật

Họa sĩ không trường lớp

Từ năm 16 tuổi, họa sĩ Trần Anh Trụ bắt đầu với nghiệp vẽ, ban đầu ông chỉ vẽ những hình mình yêu thích và vẽ chân dung. Họa sĩ nhớ lại: "Những năm ấy, hễ cứ nhìn thấy bức tranh, ảnh nào mà mình ưa thích là ngay lập tức phải vẽ cho bằng được, nhưng để vẽ cho giống được với tấm hình ấy thì quả là vô cùng khó. Vẽ giống được đã khó, vẽ làm sao tạo nên được cái hồn của bức vẽ lại càng khó hơn".

Với niềm đam mê và không ngừng học hỏi, Trần Anh Trụ đã tìm đến một số họa sĩ lúc bấy giờ để học hỏi thêm, nhưng cũng chẳng ăn thua gì nên phần lớn tự học là chính. Cuối cùng, Trần Anh Trụ đã quyết định tìm lối đi riêng cho mình, đó là nghệ thuật chép tranh. Họa sĩ chia sẻ: "Đây là hướng đi mạo hiểm, bởi chép tranh là chỉ sao chép lại theo bản mẫu. Đối với thời này thì nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là việc hết sức điên rồ bởi công nghệ in ấn quá phát triển".

Đến năm 19 tuổi, Trần Anh Trụ bắt đầu mở tiệm chép tranh tại số 50 Mạc Đĩnh Chi (quận 1, TP.HCM). Lúc đó, tiệm vẫn đang trực thuộc Hợp tác xã Trường Mỹ nên việc sao chép tranh có phần hạn chế. Sau khi làm việc tại đây 4 năm, Trần Anh Trụ mới có dịp ra mở tiệm chép tranh riêng cho mình.

Ông nói: "Những năm ấy, có rất nhiều người muốn phục hồi di ảnh nên hầu hết là vẽ chân dung. Có rất nhiều người đem những tấm hình nhỏ xíu và rất mờ đến nhờ tôi sao chép lại cho to và rõ hơn. Bởi vậy, sau nhiều lần vẽ chân dung, tôi mới tích lũy được nhiều kinh nghiệm và cũng từ đó tay nghề mỗi ngày một tăng lên".

"Ông vua chép tranh" bậc nhất Sài thành

Nhiều người biết tài của ông đã phong Trần Anh Trụ là "vua chép tranh". Việc dùng tranh sơn dầu và vẽ lại từng nét lên vải sao cho giống y hệt hình mẫu là vô cùng khó khăn. Thế nhưng, với bàn tay người nghệ sĩ tài hoa ấy, những bức vẽ lại một lần nữa cho thấy được cái hồn, cái thanh tao trong từng nét vẽ.

Nói về việc sao chép những bức tranh nổi tiếng, họa sĩ Trần Anh Trụ cho biết: "Những năm 1995, có một số người đem tranh của các họa sĩ nước ngoài cho tôi sao chép bởi những bức ấy có giá trị. Đó là lần đầu tiên tôi có dịp sao chép lại những bức họa của những họa sĩ tài hoa, từ trường phái cổ điển như Leonardo da Vinci, Rubens, Titiens, Rembrant, Goya đến trường phái ấn tượng, trừu tượng, siêu thực, lập thể của Manet, Monet, Renoir, Degas, Cézanne, Picasso, Gauguin, Matisse hay Van Gogh... Tôi cũng mất khá nhiều thời gian cho việc sao chép những bức họa này. Phải vẽ sao cho giống và phải thấy được sự uyên thâm thể hiện trong bức họa, đó quả là việc hết sức khó khăn".

Chân dung nhà thơ Bùi Giáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là hai nhân vật trong nước được nhiều người nhờ ông sao chép nhất. Họa sĩ Trụ cho biết thêm, đây cũng là hai nhân vật ông thực sự yêu mến. Do đó, ông đã sao chép ra thành nhiều bản để trong kho lưu trữ của mình.

Họa sĩ Trần Anh Trụ tâm sự: "Nhiều người vẫn đánh giá thấp những người làm nghề sao chép tranh, vì đó là những tác phẩm được vẽ lại từ những tác phẩm đã có sẵn, không có sự sáng tạo. Nhưng thực tế, sao chép tranh không hề đơn giản như người ta nghĩ. Nó cũng là công trình nghệ thuật, người sao chép phải chuyển được cái hồn của bức vẽ. Trong việc sao chép chân dung, điều quan trọng nhất là khuôn mặt và đôi mắt, phải sao chép sao cho cái hồn bộc lộ ngay trên khuôn mặt của nhân vật".

Mai Phong