Chuyển soạn văn học của Đỗ Anh Vũ: Một hướng thiên di

Thứ 3, 13/09/2022 | 15:37
0

Đỗ Anh Vũ được bạn văn thừa nhận là kẻ đa tài. Ngoài việc viết phê bình, tiểu luận, báo chí, anh còn sáng tác thơ, phổ nhạc và gần đây được biết đến như một cây bút chuyển soạn văn học độc đáo. Tác phẩm chuyển soạn của anh, chủ yếu từ truyện ngắn sang truyện thơ, bước đầu gây được tiếng vang với nhiều khám phá tìm tòi và bất ngờ thú vị.

Thực tiễn lịch sử sáng tạo văn chương cho thấy, việc viết ra một tác phẩm mới dựa trên một tác phẩm đã có là hiện tượng khá phổ biến. Ở đây xin không bàn đến vấn đề liên văn bản trong sáng tác hay hiện tượng “vay mượn”, “viết lại” vốn dĩ sẽ dẫn câu chuyện đi quá xa, mà chỉ dừng lại ở việc chuyển thể hay “chuyển soạn” (chữ dùng của Đỗ Anh Vũ) tác phẩm văn học dựa trên một tác phẩm có trước một cách có chủ ý.

Nhìn trên bình diện thể loại, việc chuyển soạn, chuyển thể này có thể từ thơ sang văn xuôi, từ truyện sang kịch bản, và phổ biến hơn là từ truyện sang truyện thơ. Trong ý nghĩa này, câu chuyện chuyển thể trong văn học hẳn không phải điều gì xa lạ. Bạn đọc hẳn còn nhớ, Nguyễn Nhược Pháp (1933), Huy Cận (1976) từng chuyển thể truyện dân gian Sơn Tinh - Thủy Tinh thành các tác phẩm thơ độc đáo, Nguyễn Bính đã thơ hóa truyện Cây khế bằng Túi ba gang (1965); nội dung truyện cổ tích Nàng tiên ốc được Phan Thị Thanh Nhàn viết lại trong bài thơ Nàng tiên ốc (1975)…

Trở lại việc chuyển thể của Đỗ Anh Vũ. Trước hết xin nói về mục đích, động cơ. Có thể nhận thấy, Đỗ Anh Vũ dường như không có tham vọng biến tác phẩm của mình thành một sản phẩm xuất sắc hơn văn bản gốc, mà chủ yếu để phục vụ mục tiêu giải trí, thư giãn. Thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh đọc khá ảm đạm hiện nay, việc tác động vào nhu cầu giải trí, trong một không gian đọc đặc thù (chủ yếu trên Facebook) tạo ra một hứng thú khá lớn, có thể xem là một hiệu ứng tích cực đối với bạn đọc văn chương.

Văn hoá - Chuyển soạn văn học của Đỗ Anh Vũ: Một hướng thiên di

Nhà phê bình, nghiên cứu Đỗ Anh Vũ.

Đỗ Anh Vũ có biệt tài chuyển soạn một cách tức thời, ngay tại chỗ tất cả mọi thứ thập cẩm trên đời, từ tin nhắn mời nhậu, đoạn quảng cáo bán nước mắm, dòng trạng thái và bình luận trên facebook… sang thơ. Dĩ nhiên, chuyển soạn trong văn học cần dụng công nhiều hơn thế. Ngoài mục tiêu giải trí, chuyển soạn ở đây còn nhắm đến mục tiêu tạo hứng thú đọc cho bạn đọc văn chương, đặc biệt là cho học sinh, sinh viên. Khi đã hình dung một kiểu độc giả như thế, nhất là từ khi có ý định in ra, việc chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ ngày càng trở nên chuyên nghiệp, văn bản được trau chuốt, hoàn chỉnh hơn nhiều về nội dung và hình thức.

Đọc văn bản chuyển soạn từ truyện ngắn sang truyện thơ của Đỗ Anh Vũ, bước đầu nhận thấy một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, tác giả là người hiểu rõ đặc trưng của mỗi thể loại văn chương, cả điểm “mạnh” và “điểm “hạn chế” của nó (nhìn trên bình diện “ngôn ngữ thể loại”) nên đã chủ động lạ hóa văn bản gốc thông qua chuyển soạn. Từ đây, dù nội dung văn bản nguồn được giữ lại tối đa, song thế giới nghệ thuật của văn bản đích đã có những thay đổi cơ bản về hình tượng, nhân vật, không - thời gian, sự vật, ngôn ngữ và cấu trúc. Điều này cũng có nghĩa, khi trở thành truyện thơ, văn bản gốc đã có một hình hài, một đời sống khác. Về thị giác, việc trình bày truyện thơ hiển nhiên khác truyện ngắn. Về dung lượng, số lượng chữ trong văn bản chuyển soạn so với văn bản gốc được tiết giảm tối đa (chẳng hạn, văn bản gốc truyện Chí Phèo có hơn 12.000 chữ; bản chuyển soạn chỉ còn 1.581 chữ; Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân có 2.707 chữ; bản chuyển soạn còn 770 chữ…). Có thể xem đây là một hình thức sáng tạo thú vị, một sự mời gọi đầy hấp dẫn để bạn đọc tiếp cận tác phẩm trong một tâm thế, một cách đọc mới. Điều này diễn ra trước hết là ở bản thân tác giả chuyển soạn, tiếp theo là ở bạn đọc (chuyển soạn có cái được, cái mất song luôn gợi ra một hình dung khác về văn bản gốc).

Thứ hai, khi chuyển soạn, Đỗ Anh Vũ đã khéo chọn những truyện ngắn nổi tiếng đã và đang được giảng dạy, phân tích trong nhà trường phổ thông hay đại học (Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Chí Phèo của Nam Cao, Vợ nhặt của Kim Lân, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài…), truyện ngắn của các tác giả đương đại được biết đến rộng rãi (Muối của rừng, Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp, Cơn mưa hoa mận trắng của Phạm Duy Nghĩa...).  Ở đây, việc chọn văn bản nguồn là những tác phẩm nổi tiếng gợi sự tò mò rất lớn cho bạn đọc. Tất nhiên, cũng không loại trừ trường hợp, khi đã có những thành công nhất định, việc chuyển soạn nói chung có thể gây thêm tiếng vang cho văn bản gốc, đặc biệt là đối với các văn bản chưa được nhiều người biết đến.

Thứ ba, Đỗ Anh Vũ vốn là một nhà thơ có tài ứng khẩu nên việc chuyển soạn được anh thực hiện rất nhanh, thời sự, tức thời. Chuyển soạn siêu tốc không chỉ diễn ra trong trường hợp chuyển truyện thành thơ, mà còn là đặc điểm chung trong chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ. Điều này dường như luôn tạo sự bất ngờ thú vị cho người đọc, khác với sự tỉ mẩn kỳ khu thái quá đôi khi làm mất đi tính thời sự, tính bất ngờ và đặc biệt là tính giải trí của văn bản chuyển soạn.

Thứ tư, nhìn trên phương diện giọng điệu, để tăng cường mục tiêu giải trí, văn bản chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ thường sử dụng ngôn ngữ hiện đại, dí dỏm, đôi khi pha chút hài hước, vui tươi, mặc dầu điều này có thể làm nhạt phai chút ít sắc thái thẩm mĩ của nhân vật trong văn bản gốc (chẳng hạn cái bi thường ít bi hơn). Bản thân việc chuyển thể ngôn ngữ văn xuôi sang ngôn ngữ thơ cũng khiến các tình tiết của truyện cũng trở nên nhẹ nhàng, mang màu sắc giải trí nhiều hơn.

Thứ năm, Đỗ Anh Vũ thường sử dụng thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát trong chuyển soạn. Đây là những thể thơ truyền thống, quen thuộc, được dùng để thơ hóa các tác phẩm văn xuôi hiện đại nên gợi cảm giác vừa lạ, vừa quen. Hình thức lục bát, song thất lục bát nói chung dễ dọc, dễ nhớ. Không phải ngẫu nhiên, đọc chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ, thấy anh rất chú trọng hiệp vần, điều này không chỉ diễn ra trong từng khổ thơ, mà từ khổ này nối sang khổ kia và trong toàn bộ tác phẩm. Giữa hai thể thơ, Đỗ Anh Vũ thường ưu tiên song thất lục bát hơn. Ở đây, âm hưởng, nhạc điệu và sự uyển chuyển của song thất lục bát tỏ ra phù hợp với nhịp điệu tự sự của anh.

Đỗ Anh Vũ dường như chỉ chuyển soạn những tác phẩm mà anh hứng thú. Về cách thức, Vũ cho biết, đầu tiên, anh đọc đoạn mở đầu của truyện rồi gọi vần cho các câu thơ. Theo Vũ, câu mở đầu có vai trò quan trọng đặc biệt, giúp anh khơi mạch xúc cảm, bắt được cái giọng, cái vía, cái thần của truyện ngắn, từ đó giúp tác giả đi tiếp, nhiều khi liền mạch cho đến hết bài. Ngược lại, nếu cứ loay hoay mãi không viết được câu mở đầu ưng ý, thì cũng có nghĩa là việc chuyển soạn tác phẩm đó bất thành.

Để làm rõ hơn tính hấp dẫn trong chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ, bài viết phân tích, đối sánh một số chi tiết trong tác phẩm của anh so với văn bản gốc.

Thứ nhất, về không gian, bối cảnh. Có thể nhận ra sự tinh tế của tác giả trong việc thơ hóa văn bản truyện. Chẳng hạn, đây là đoạn mở đầu truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam:

“Tiếng trống thu không trên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”.

 Còn đây là đoạn Vũ chuyển soạn:

“Trống thu không trên chòi huyện nhỏ/Từng tiếng vang như rủ cô liêu/Phương tây rực lửa trời chiều/Than hồng từng đám mây hiu hiu tàn/Phất phơ một lũy tre làng/Như bao nét cắt in ngang nền trời”.

Thứ hai, về diện mạo nhân vật. Có thể nói, cái khéo của Vũ là luôn giữ được những từ khóa cơ bản miêu tả nhân vật. Chẳng hạn, đây là đoạn miêu tả Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao: “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”.

Đến văn bản chuyển soạn, Chí Phèo trở thành:“Đầu trọc lốc, mắt gườm gườm/Ngực đầy chạm trổ phượng rồng rất ghê/Răng trắng hớn, mặt đen sì/Còn xăm ông tướng cầm chùy cánh tay”.

Thứ ba, về hành động nhân vật. Ngoài sự tinh tế, nhiều khi, việc chuyển soạn còn thú vị ở chỗ tác giả luôn xen cài câu chữ hiện đại, dí dỏm mà vẫn bám được tương đối sát đặc tính thẩm mỹ của nhân vật. Chẳng hạn, đây là đoạn Vũ tả lại cảnh “thị” ngồi ăn bánh đúc trong truyện thơ Vợ nhặt: “Ả ngồi xuống măm măm thật lực/Bánh đúc ngon thỏa sức phang liền/Ăn xong bốn bát sướng điên/Nói rằng: “Chị thấy hụt tiền chết anh!”.

Còn đây là đoạn Vũ thơ hóa phân cảnh Chí Phèo, Thị Nở gặp nhau: “Chí Phèo rón rén âm thầm/Từ từ ngồi xuống, ôm chầm thị luôn/Thị liền mở mắt, mở mồm:/“Buông ngay, tôi sẽ kêu làng, buông ngay/Chí Phèo cười giữa cơn say/Sở trường của bố mày đây: Kêu làng/Bỗng nhiên Thị Nở rộn ràng/Giúi lưng hắn xuống, sẵn sàng yêu nhau/Bây giờ chúng ngủ rất sâu/Sau khi làm việc nhiệm màu tình yêu…”.

Văn hoá - Chuyển soạn văn học của Đỗ Anh Vũ: Một hướng thiên di (Hình 2).

Một phân cảnh trong phim đoạn Chí Phèo gặp Thị Nở.

Trong truyện ngắn, phần kết thường gợi mở, ý vị sâu xa. Diễn dạt lại điều này bằng thơ thật không dễ chút nào. Tuy nhiên, đọc chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ, bạn đọc vẫn có thể nhận ra nét tài tình, tài hoa của tác giả, chẳng hạn đây là đoạn kết truyện thơ Vợ nhặt: “Tràng ngồi đó, ngẩn trông, nghĩ ngợi/Thấy bao người nghèo đói kéo đi/Lá cờ chói đỏ trên đê/Việt Minh cướp thóc đem chia mọi người/Tay buông đũa, đứng dậy rồi/Lá cờ hòa với dòng người vẫn bay”…

Có thể nói, ngoài những lợi thế như rút gọn dung lượng văn bản, tạo hình ảnh thị giác mới, gợi mở không gian, tâm thế và cách đọc mới, việc “đổ khuôn” truyện thành thơ còn tạo ra những liên kết hình thức độc đáo trong cách gieo vần, nhịp điệu. Có lẽ đây cũng là những điểm thú vị của tác phẩm phái sinh có khả năng gọi mời độc giả tham gia vào việc đồng sáng tạo, đồng trải nghiệm. Trên thực tế, cùng với các truyện ngắn cổ điển, Đỗ Anh Vũ còn chuyển soạn thành công nhiều tản văn, truyện ngắn của các nhà văn đương đại như Đỗ Phấn, Trần Nhật Minh, Võ Hồng Thu... Nhà văn Phạm Duy Nghĩa cho biết anh rất hào hứng với việc Đỗ Anh Vũ thơ hóa Cơn mưa hoa mận trắng của anh, đặc biệt ấn tượng ở phần kết tác phẩm. Khoan hãy nói về những triển vọng sâu xa (việc đọc văn bản chuyển soạn đương nhiên không thay được việc đọc văn bản gốc), bản thân việc chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ cũng đã góp phần làm cho việc đọc văn học nói riêng, đời sống văn học nói chung thêm sinh động.

Gần đây trên một số diễn đàn văn học, đặc biệt là trên Facebook thấy một số người tham gia chuyển soạn các tác phẩm văn xuôi, tin nhắn, sự kiện, bài báo… sang thơ, rất vui và thú vị, song có lẽ chưa ai thực hiện việc này vừa ngẫu hứng vừa hệ thống và tài hoa như Đỗ Anh Vũ./.

Phùng Gia Thế

Nhiều ngành học năm 2021 đạt 30 điểm vẫn trượt, năm nay có lặp lại?

Chủ nhật, 11/09/2022 | 10:30
Năm nay có 1/3 số thí sinh không tham gia xét tuyển đại học, tuy nhiên một số chuyên gia dự báo, điểm chuẩn một số ngành hot năm nay vẫn sẽ cao như năm trước.

"Văn học mà thiếu lý luận phê bình chỉ là nghiệp dư, ngẫu hứng"

Thứ 2, 18/07/2022 | 17:22
Tại toạ đàm về Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn đã có những chia sẻ về văn chương.
Cùng tác giả

Đến vì yêu cưới nhau vì... tiền

Thứ 7, 28/10/2023 | 19:09
Hôn nhân mà nói, ít tiền vẫn có thể hạnh phúc nhưng thiếu tiền thì tình yêu sẽ gặp rủi ro.

Bao dung với người đầu ấp tay gối với mình đâu có bao giờ là thiệt?

Thứ 2, 24/07/2023 | 19:26
Vợ chồng xét cho cùng hiểu để thương và thương nhiều hơn để hiểu. Muốn hiểu chồng, hiểu vợ thì phải thương họ, xót họ.

Giáo viên không phải hàng hóa mà đem... đấu thầu!

Thứ 7, 08/05/2021 | 08:50
Câu chuyện đặt hàng, đấu thầu trong đào tạo giáo viên đang khiến nhiều chuyên gia giáo dục cảm thấy lo lắng, khi giáo viên không phải sản phẩm hàng hóa thông thường.

Ba năm tan một giấc mơ

Thứ 4, 07/04/2021 | 11:00
Quyết định táo bạo đưa cây phong từ “trời Âu” về Việt Nam, những tưởng sẽ tạo ra khung cảnh lãng mạn bậc nhất ở Thủ đô, nhưng chẳng mấy chốc, bỗng phải ngậm ngùi...

Hoài niệm Tết quê

Chủ nhật, 03/02/2019 | 19:00
Những ngày cận Tết thời tiết Hà Nội se se lạnh, người người nhà nhà hối hả chuẩn bị đón Tết. Nhìn màn sương mù giăng lối phủ kín khắp thành phố, tôi bỗng nhớ cồn cào Tết quê.
Cùng chuyên mục

Nghệ sĩ Vân Dung: Hạnh phúc khi có con trai nối nghiệp

Thứ 2, 29/04/2024 | 07:20
Nghệ sĩ Vân Dung không chỉ gây ấn tượng với khán giả qua hình ảnh một nghệ sĩ hài vô cùng duyên dáng và tài năng mà còn có cuộc sống riêng nhiều người mơ ước.

"Những cuộc trà trên căn gác cũ" - Vết khắc trên từng kỷ niệm

Chủ nhật, 28/04/2024 | 18:43
Sách của anh mở ra những điều từ cuộc trà trên căn gác cũ, mà ở đó là những gương mặt thân quen và không gian không xô bồ, bụi bặm như phố phường. Và đó là điều mà một kẻ muốn biết về Hà Nội như tôi luôn thấy háo hức.

Nhà sản xuất Janet Ngô: "Chỉ có người Việt mới hiểu lịch sử của họ tốt nhất"

Chủ nhật, 28/04/2024 | 14:00
Janet Ngô là người gốc Việt, lớn lên ở Úc. Chị trở về nước theo tiếng gọi thôi thúc từ niềm đam mê văn hóa, lịch sử dân tộc.

Top 7 phim nên xem dịp lễ 30/4 này

Chủ nhật, 28/04/2024 | 11:00
Nhiều dự án phim châu Á được đánh giá cao, đang phát sóng vào thời điểm nghỉ lễ năm nay hứa hẹn sẽ mang đến những phút giây thoải mái cho người xem.

Biệt thự hàng chục tỷ Hương Tràm "tậu" trước khi đi Mỹ, bên trong có gì?

Chủ nhật, 28/04/2024 | 10:00
Trước khi đi Mỹ du học, Hương Tràm phải bán nhà, xe và vay thêm tiền để xây dựng căn biệt thự sang trọng này dành tặng bố mẹ.
     
Nổi bật trong ngày

Dự báo thời tiết ngày 28/4/2024: Đợt nắng nóng có thể lập kỷ lục mới về nhiệt độ

Chủ nhật, 28/04/2024 | 05:00
Tin tức dự báo thời tiết mới nhất trong hôm nay (28/4). Cập nhật tin tức dự báo thời tiết nhanh và chính xác nhất trên Người Đưa Tin.

Bản tin 28/4: Xe khách chở 40 công nhân lật nhào trên quốc lộ

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:00
Xe khách chở 40 công nhân lật nhào trên quốc lộ; Đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ trên 41 độ C kéo dài đến bao giờ?...

Nắng nóng kéo dài đến bao giờ và khi nào có mưa?

Chủ nhật, 28/04/2024 | 13:22
Nắng nóng kéo dài đến bao giờ là mối quan tâm của không ít người khi mà ngày hôm qua, nắng nóng đặc biệt gay gắt đã xảy ra trên hầu khắp các khu vực.

Bình Phước: CSGT phát nước miễn phí cho người dân về quê nghỉ lễ

Chủ nhật, 28/04/2024 | 16:09
Người dân về quê nghỉ lễ được lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Phước hỗ trợ nước uống, khăn lạnh… miễn phí, giảm bớt cái nóng gay gắt trên hành trình.

Dịp nghỉ lễ 30/4, có nơi nắng nóng đỉnh điểm lên đến 45 độ C?

Chủ nhật, 28/04/2024 | 16:02
Dự báo trong 3 ngày 28/4, 29/4 và 30/4 sẽ diễn ra nắng nóng cực kỳ gay gắt trên phạm vi cả nước khi nhiệt độ trong lều khí tượng có thể ghi nhận mức 45 độ C.