Chuyện tình Romeo và Juliet của Việt Nam

Chuyện tình Romeo và Juliet của Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Để có ngày bên nhau hạnh phúc, họ phải đấu tranh 6 năm trời đằng đẵng. Có những lúc mâu thuẫn giữa hai gia đình lên đến đỉnh điểm nhưng họ vẫn quyết tâm bên nhau để gìn giữ tình yêu và hạnh phúc, mong một ngày những bất hòa giữa hai gia đình, hai dòng họ sẽ được hóa giải.

Tình yêu giông bão

Có người khi biết ngọn ngành câu chuyện tình của đôi vợ chồng trẻ ấy đều phải thốt lên rằng: "Quả là chuyện tình Romeo và Juliet ở trời Nam". Thế nhưng, mối tình ấy còn hơn cả câu chuyện tình kinh điển trong văn chương đã qua hàng thế kỷ. Thay vì tìm đến cái chết, cả hai đã sống và chứng minh cho mọi người thấy rằng, tình yêu là gì đó thiêng liêng, có thể chiến thắng mọi rào cản. Gặp lại cặp đôi "Romeo -Juliet trời Nam" vào một ngày mưa trắng trời giữa Đồng Tháp Mười, trong căn nhà tranh lè tè, nền còn nhấp nhô bùn đất, chúng tôi đã thấy những nụ cười hạnh phúc, cả người lớn và của con trẻ. Họ đã có 2 đứa con đáng yêu như thiên thần và cuộc sống êm đềm, như chưa từng tì vết. Chúng tôi đang nói đến câu chuyện giữa anh Đoàn Văn Dễ và chị Nguyễn Thị Trinh (xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An).

Pháp luật - Chuyện tình Romeo và Juliet của Việt Nam

Hạnh phúc đã chớm nở trong mái nhà nhỏ của đôi vợ chồng trẻ.

6 năm về trước, trong một đêm trăng sáng chàng trai Đoàn Văn Dễ (SN 1983) xã Tân Thành đã gặp cô gái Nguyễn Thị Trinh cùng tuổi ở làng Nhơn Hòa Lập. Ngay phút giây đầu tiên hai trái tim tuổi cặp kê đã cảm mến như tìm thấy một nửa của cuộc đời mình. Họ đem lòng yêu thương và thề rằng, sẽ cùng dìu dắt cho đến cuối cuộc đời. Thế nhưng, mọi chuyện không êm đềm như cả hai cùng nguyện ước. Ngày quyết định công bố chuyện tình cảm của mình, cũng là lúc giông bão ập đến. Cha của Trinh là một người độc đoán, dù thương con hết mực, nhưng mọi chuyện bao giờ cũng phải do chính ông quyết định. Khi con gái bày tỏ sự tình, nghe chưa hết câu, ông đã gạt phắt, nổi giận, cất giọng hằm hè: "Lấy thằng nào làm chồng chứ như thằng Dễ làng bên thì tuyệt đối không được".

Dễ là chàng trai hiền lành, chịu khó nhưng gia cảnh nghèo khó, đó là lý do mà cha của Trinh kiên quyết không đồng ý vì sợ con gái mình vất vả. Cô con gái quỳ lạy nước mắt giàn giụa, nằng nặc thuyết phục cha: "Cha, con yêu anh Dễ thật lòng, con sẽ không lấy ai khác ngoài Dễ". Đứng cạnh bên, người mẹ thương con hết lòng, nhưng biết tính chồng, không dám hé một lời. Bà chỉ biết khuyên: "Con ạ, hãy suy nghĩ thật kỹ, chuyện liên quan đến cả cuộc đời đấy, cha mẹ chỉ muốn con có được chỗ nào tử tế, để mai này đỡ khổ thôi". Trinh nắm gấu áo mẹ, gạt dòng nước mắt: "Cha mẹ đừng lo, chúng con yêu nhau thật lòng. Người ta bảo "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn", khó khăn rồi sẽ qua. Chúng con sẽ không để cha mẹ phải thất vọng đâu". Người cha vẫn lạnh lùng, buông lời: "Mày mà theo nó, coi như đứt tình cha con". Không những thế, khi Dễ đến nhà người yêu, cũng bị ngăn cấm, hắt hủi.

Biết không thể thuyết phục được cha, Trinh nói với Dễ: "Nếu ở làng, sẽ mãi không đến được với nhau, hay là bỏ đi thật xa, nơi mà chỉ có hai chúng ta thôi?". Nghe người yêu nói, Dễ gật đầu. Vào một ngày, cả hai bí mật gói ghém đồ đạc bỏ trốn vào một cánh rừng ở Đồng Tháp Mười dựng chòi ở. Hạnh phúc chưa tày gang, thì gia đình Trinh lần ra được nơi ở và bắt cô về, cấm cửa trong nhà nghiêm ngặt. Lần này cha của Trinh cũng đã ấn định "đức lang quân", đó là một người khác, người này giàu có hơn Dễ. Dù vậy, Trinh vẫn lắc đầu khước từ. Thế rồi, một ngày Trinh đã trốn thoát được và tìm đến nhà Dễ. Gặp lại người yêu, cả hai ôm chầm òa khóc. "Chúng mình sẽ không bao giờ xa nhau nữa", Dễ thì thầm. "Cả hai sẽ tìm đến một nơi thật xa". Họ lại bí mật ra đi, chỉ biết rằng đến một nơi mà không còn ai có thể chia cắt hai trái tim cùng nhịp đập.

Pháp luật - Chuyện tình Romeo và Juliet của Việt Nam (Hình 2).

Hai vợ chồng hi vọng tình yêu, hạnh phúc của họ xóa tan mối hiềm khích cả hai gia đình.

Thử thách nghiệt ngã

Chuyến xe đưa đôi trẻ ngược lên một vùng sát biên giới ở tỉnh Tây Ninh. Cô gái trong đầu ngổn ngang những nghĩ suy mông lung về những gì đã qua: "Con xin lỗi cha mẹ, chúng con bất hiếu. Mong rằng ngày trở về cha mẹ sẽ chấp nhận chuyện tình của chúng con...". Nhìn qua ô cửa kính, những tán điều xanh mướt hút tầm mắt, chàng trai khẽ bảo: "Chúng mình sẽ xin làm công nhân cho những cơ sở chế biến hạt điều để mưu sinh". Trinh gật đầu, điềm tĩnh và tin tưởng tuyệt đối vào người mình yêu. Ở Tây Ninh họ thuê một căn phòng nhỏ dành cho những người làm nhân công cho cơ sở chế biến hạt điều. Ở mảnh đất mới, họ đã trải qua những ngày tháng êm đềm, ngập tràn trong hạnh phúc.

Chuyện cô gái Nguyễn Thị Trinh ở làng Nhơn Hòa Lập và chàng trai Đoàn Văn Dễ ở xã Tân Thành đột nhiên biến mất, làm xôn xao cả vùng sông nước Đồng Tháp Mười nhưng ít ai biết nguyên nhân do đâu. Mẹ của Dễ lờ mờ nhận ra rằng, có lẽ con mình và người yêu đã bỏ trốn. Bà đôn đáo hỏi han tìm kiếm khắp nơi, ngày đêm nước mắt ngóng trông, mà con mình vẫn bặt vô âm tín. Phía cha mẹ Trinh thì ngược lại, phản ứng dữ dội. Họ cho rằng, "bà sui" đã "vạch đường cho hươu chạy", rồi tìm đến nhà và cho rằng, mẹ chàng trai đã xúi con gái họ bỏ trốn. Mặc cho mẹ chàng trai hết lời giải thích, cha mẹ đằng gái vẫn bỏ ngoài tai. Gần một năm trôi qua, mâu thuẫn hai gia đình không thể dung hòa. Đỉnh điểm của sự việc là khi lực lượng nhà trai quyết định sang bắt "bà sui" về nhà "hỏi tội", và "làm con tin". Họ nghĩ, chỉ có cách này mới có thể gọi được cô con gái trở về.

Ở Tây Ninh, cuộc sống êm đềm của Trinh và Dễ cũng bị phá vỡ. Vào một ngày, khi đang làm việc thì Dễ nghe tin trên báo rằng: Ở làng Tân Thành vừa xảy ra một vụ bắt cóc táo tợn ngay giữa ban ngày. Nạn nhân là một phụ nữ bị nhóm người khênh đi ngót 2 km sang làng Nhơn Hòa Lập. Không những thế, nạn nhân bị đánh đập hết sức tàn nhẫn, đến mức phải vào viện cấp cứu. Điều đáng nói ý định bắt người là do nhà gái sốt ruột muốn tìm ra tung tích con gái mình. Nghe tin như sét đánh bên tai, nhưng ngay lập tức Dễ hiểu được câu chuyện và biết chắc chắn nạn nhân ấy không ai khác chính là mẹ mình. Không thể điềm nhiên đứng nhìn, cả hai một lần nữa lại gấp rút thu dọn đồ đạc trở về quê "trình diện".

Gần một năm biền biệt, gặp lại Dễ, người mẹ vị tha không hề trách móc, bà chỉ buồn rằng, phía nhà gái đã phản ứng quá mức không đáng có. Còn phía cha mẹ Trinh, khi vỡ lẽ mọi chuyện thì sự việc đã rồi. Phiên tòa xử đối tượng trong vụ án "bắt cóc", "đánh người gây thương tích" diễn ra ngay tại UBND xã. Nhiều bà con xóm giềng đã phải lắc đầu ái ngại về sự ngăn cấm khó chấp nhận của nhà gái. Kết quả phiên tòa, "ông sui" phải lãnh 1,5 năm tù cho những gì đã gây ra.

Trở về quê, Trinh coi như bị cha mẹ ruột "cấm cửa". Cô không được bước chân về nhà, dù nơi Trinh ở và nhà cha mẹ ruột chỉ cách nhau mấy con rạch bên làng. Phía mẹ Dễ thì ngược lại, cảm thương tình cảnh hai con, bà quyết định cắt miếng đất sát con rạch trước nhà, cho ra ở riêng. Để chứng minh cho cha mẹ vợ thấy rằng, con gái họ sẽ không khổ khi lấy mình, Dễ ngày đêm quần quật với công việc. Mảnh đất mẹ cho, anh tự tay san lấp, bồi đất dưới sông lên làm nền, vào rừng đẵn cây dựng cột, cắt lá dừa nước lợp mái. Ngôi nhà nhỏ dựng lên, cả hai ngập tràn hạnh phúc đón đứa con gái đầu đời.

Qua bao sóng gió, họ đã có một mái ấm đầy tiếng cười. Điều đáng nói là Trinh chưa bao giờ thấy hối hận với sự lựa chọn của mình. Dù mối hiềm khích vẫn còn, nhưng như Trinh tâm sự, cha mình đang dần thay đổi định kiến và chấp nhận thực tại. Chiều buông, tràng mưa dứt hạt, bầu trời quang đãng. Đôi vợ chồng trẻ nở nụ cười tiễn khách. Nụ cười của hi vọng, rồi tình yêu của họ sẽ hóa giải mối hận thù đằng đẵng bao năm giữa hai gia đình.

Mong tình yêu sẽ hóa giải hận thù

Nhìn thiên thần bé bỏng, người mẹ trẻ thầm nghĩ: "Hi vọng rằng, với đứa cháu ngoại, cha mẹ sẽ thay đổi suy nghĩ". Từ ngày có con, Dễ như được tiếp thêm sức mạnh, quần quật với công việc ngày đêm như không biết mệt và bất kể công việc gì, miễn kiếm ra tiền. Ở đâu có người mướn Dễ lại tìm đến. Gặt lúa, đập lúa, cày thuê, dựng nhà...anh đều làm tất. Để có thêm thu nhập, Dễ lại đào ao, ngăn đìa nuôi thêm cá, ếch. Thời gian trôi đi, đứa con thứ hai cũng chào đời, trong nhà luôn nô nức tiếng cười, bà con xóm giềng thấy vậy cũng như vui lây.

Kỳ Anh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.