Theo Newsflare, Sunil Nagpure, 44 tuổi, ở Phulchur, Thành phố Gondia, quận Gondiya, thuộc bang Maharashtra, Ấn Độ, đã dành nhiều năm sự nghiệp của mình để giải cứu rắn. Tuy nhiên, anh đã tử vong ngay sau khi cố gắng bắt một con rắn hổ mang khổng lồ ở Karanja.
Đoạn phim cho thấy Sunil đang đóng chiếc túi đựng con rắn hổ mang thì nó đột nhiên thoát ra và cắn vào tay anh.
"Nó đã cắn anh à", một người đàn ông hét lên.
"Vâng", người giải cứu rắn trả lời trước khi gật đầu và lắc tay phải vì đau.
"Chúng ta hãy đến bệnh viện", "Tôi có nên gọi xe cứu thương không", một số người nói khi chứng kiến cảnh tượng trước mắt mình.
Dù bị rắn cắn, Sunil vẫn đóng túi đựng rắn lại và đi ra khỏi nhà. Những người chứng kiến dường như không bận tâm và thậm chí còn bật cười khi sự việc xảy ra vì họ nghĩ rằng chuyên gia sẽ biết phải làm gì.
Tuy nhiên, mặc dù đã được đưa đến bệnh viện nhưng Sunil đã tử vong do nọc độc lan rộng.
The Livescience, rắn hổ mang to lớn, nhiều con dài đến hơn 7 m. Chúng nổi bật với chiếc mũ trùm đầu, con ngươi tròn, vảy mịn và tư thế vươn cao, nhìn thẳng vào mắt người. Khi đối đầu, chúng nâng 1/3 cơ thể lên khỏi mặt đất. Tiếng rít cảnh báo của chúng gần giống tiếng gầm gừ của loài chó.
Theo Đại học Michigan (Mỹ), người bị rắn hổ mang cắn có thể ngừng thở chỉ sau 30 phút. Chất độc thần kinh của chúng có thể giết chết một con voi.
Mặc dù rắn hổ mang có khả năng phun chất độc thần kinh nguy hiểm, chúng thường không chủ động tấn công con người. Ngược lại, loài vật này bị con người tấn công, truy bắt và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nọc độc của chúng có bản chất là các enzyme, polypeptide gây tổn thương tổ chức, sưng nề, hoại tử, tổn thương thần kinh (độc tố thần kinh hậu synape, loại alpha) gây liệt cơ.
Ở một số trường hợp, nọc rắn hổ mang có thể khiến nạn nhân tử vong tức thì do liệt cơ, suy hô hấp. Tuy nhiên, tổn thương thường gặp nhất là hoại tử và sưng nề. Tình trạng hoại tử thường xuất hiện nhanh sau khi bị cắn và dẫn tới các biến chứng. Nạn nhân có thể bị mất một phần cơ thể và tàn phế.
Hải Vân (T/h)