Hình ảnh vụ tai nạn được người dùng Facebook “Manh Tung Vu” chia sẻ trên OFFB mới đây cho thấy, sau khi va chạm với ô tô trên cầu, tài xế bị ngã nhào xuống đường nhưng sau đó đã ngồi dậy, còn chiếc mô tô thì lộn nhiều vòng santo về phía trước.
Luật giao thông đường bộ có quy định về “Vượt xe” tại điều 14, theo đó xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn (khoản 1, điều 14, Luật giao thông đường bộ).
Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải (khoản 2, điều 14, Luật giao thông đường bộ).
Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Luật giao thông đường bộ cũng quy định, các trường hợp không được vượt xe khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14, Luật giao thông đường bộ; Trên cầu hẹp có một làn xe; Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế…
Với lỗi vượt xe, theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe máy “không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt”.
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy “vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt đối với loại phương tiện đang điều khiển”.
Với vi phạm “không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông”, lái xe máy sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Tuấn Minh