Clip: Lái ô tô tông người phụ nữ nằm gục rồi chạy “mất hút”, tài xế gây phẫn nộ

Thứ 5, 11/05/2023 00:28

Sau khi tông văng người phụ nữ và hàng loạt xe dựng ven đường, chiếc ô tô không dừng lại mà bỏ chạy “mất hút”.

Hình ảnh vụ tại nạn ghi lại bởi camera giám sát ngày 10/5 được thành viên nhóm Facebook về giao thông chia sẻ mới đây cho thấy, chiếc ô tô con màu đen bất ngờ tông văng người phụ nữ và hàng loạt xe để ven đường. Tuy nhiên, sau khi gây ra vụ tông kinh hoàng, tài xế không dừng xe giúp đỡ nạn nhân mà tiếp tục cho xe bỏ chạy “mất hút”.

Sau khi bị ô tô tông, người phụ nữ bị thương nằm vật lộn trên đất kêu khóc. Một số người dân sinh sống gần hiện trường đã tới giúp đỡ nạn nhân.

Đoạn clip thu hút hàng trăm lượt xem và bình luận. Trong đó, nhiều người dùng Facebook thả biểu tượng thể hiện sự phẫn nộ. Không ít các ý kiến bày tỏ bức xúc, lên án hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy, không giúp đỡ nạn nhân của lái xe ô tô.

“Có rất nhiều camera chạy không thoát đâu”; “Mong bắt được tài xế và xử phạt nặng”; “Sao không đưa người đi cấp cứu?”; “Tội nạn nhân quá”… là một số bình luận từ người dùng Facebook.

Từ vụ việc trên, trao đổi với PV về quy định xử lý hành vi gây tai nạn bỏ chạy, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, thấy người gặp nạn mà không cứu giúp là hành vi cần phải lên án. Tài xế lái xe liên quan trực tiếp tới vụ tai nạn nhưng không dừng lại giúp đỡ nạn nhân gặp nạn thì càng phải lên án, xử lý nghiêm để răn đe, làm gương cho mọi người.

Luật sư Kiên cho biết với hành vi liên quan tới vụ tai nạn hoặc gây ra vụ tai nạn nhưng không dừng lại, bỏ trốn tài xế ô tô có thể bị phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.

Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe ô tô nếu gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng.

Về xử lý hình sự, Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho biết tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (điều 132, Bộ luật Hình sự) có hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, khung cao nhất là 3-7 năm tùy theo mức độ, tính chất của hành vi phạm tội.

“Khoản 1, điều 132, Bộ luật Hình sự nêu rõ, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.”- luật sư Kiên nói.

Theo luật sư Kiên, ngoài việc bị xem xét xử lý hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm, gây tai nạn bỏ trốn, tài xế còn đối mặt với với nguy cơ xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Luật sư Lê Văn Kiên cho biết tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng… thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

“Mức phạt tù có thể tăng lên 15 năm tù giam tùy vào mức độ phạm tội của tài xế.” – luật sư Kiên cảnh báo.

Minh Khang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.