Hình ảnh vụ tai nạn được thành viên nhóm Facebook về ô tô chia sẻ cho thấy, sau khi bị ô tô tông văng vào lề đường, cô gái đã có thể đứng dậy.
Bình luận về đoạn clip, nhiều ý kiến lên án hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đưa ra lời khuyên khi đi bộ qua đường cần chú ý quan sát để tránh tai nạn đáng tiếc như cô gái trong clip.
Từ vụ tai nạn trên, trao đổi với PV về quy định xử lý hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết: Gây tai nạn rồi bỏ chạy là hành vi đáng lên án, cần phải xử lý nghiêm.
“Chưa biết ai đúng ai sai trong vụ tai nạn nhưng khi xảy ra va chạm dẫn tới tai nạn, tài xế có trách nhiệm cứu giúp người gặp nạn. Tài xế gây ra vụ tai nạn hoặc có liên quan tới vụ tai nạn nhưng không dừng xe lại, bỏ trốn có thể bị phạt hành chính, hoặc xử lý hình sự”, luật sư Tuấn Anh nói.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe ô tô nếu gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng.
Về xử lý hình sự, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho biết, tài xế có thể đối mặt với nguy cơ xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” nếu bị xác định hành vi vi phạm luật giao thông dẫn tới tai nạn hậu quả nghiêm trọng.
“Người phạm tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” nhẹ nhất sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Mức phạt tù có thể tăng lên 15 năm tù giam tùy vào trường hợp phạm tội của tài xế” – luật sư Tuấn Anh nói.
Minh Khang