Buổi diễn tập được tổ chức tại thao trường Acholuk ở tỉnh Astrakhan. Để có thể tham gia buổi tập, trung đoàn tên lửa đã vượt hơn 2.000km từ căn cứ Pskov đến thao trường.
Trong buổi tập, hệ thống phòng thủ S-400 đã xuất sắc bắn hạ loạt tên lửa công kích dày đặc trong điều kiện radar bị nhiễu sóng. Buổi tập cũng có sự tham gia của chiến đấu cơ MiG-29SMT, máy bay chiến đấu điện tử và trực thăng Mi-8MTSH.
Mục tiêu của buổi diễn tập là trình diễn khả năng phòng không, đối phó với tên lửa hành trình của các thế lực thù địch. Các tên lửa trong cuộc không kích được mô phỏng với tốc độ và cao độ khác nhau.
Thông tin mới về S-400, khi căng thẳng biên giới với Trung Quốc gia tăng, Ấn Độ đang hy vọng Mỹ sẽ “mở đường” cho nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và các thiết bị phòng thủ quan trọng khác từ Nga.
Tháng trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Clarke Cooper một lần nữa cảnh báo Ấn Độ không nên tiến hành thương vụ S-400.
Khi căng thẳng với Trung Quốc có nguy cơ bùng phát, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh mới đây đã thúc giục Nga tăng tốc độ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho nước này.
Vào tháng 10 năm 2018, Ấn Độ đã ký thỏa thuận vũ khí lớn nhất, trị giá 5,43 tỷ USD để mua 5 trung đoàn S-400. Về phần mình, Trung Quốc cũng có thỏa thuận mua hệ thống phòng không tiên tiến nhất từ Nga.
Các chuyên gia tin rằng hệ thống tiên tiến S-400 có thể phát hiện và bắn hạ các mục tiêu bao gồm cả tên lửa đạn đạo, chiến đấu cơ và máy bay không người lái của đối phương với khoảng cách lên đến 600km, ở độ cao từ 10m đến 27km.
Bá Di