Binh sĩ đặc nhiệm Ukraine.
Khái niệm hoạt động kháng chiến mới (ROC) được Mỹ phát triển năm 2013, vài năm sau cuộc xung đột giữa Nga và Georgia. Nhưng giá trị của nó chỉ được nâng cao sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Khái niệm mới cung cấp cho các nước nhỏ hơn một kế hoạch chi tiết để đối phó hiệu quả với các nước lớn hơn. Khái niệm kháng chiến mà Mỹ đề ra tận dụng năng lực chiến đấu của các lực lượng đặc biệt, cũng như sức mạnh của toàn dân, theo CNN.
“Đó là một chiến lược phòng vệ toàn diện mà chính phủ Ukraine đang áp dụng”, trung tướng Mark Schwartz, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy các Chiến dịch Đặc biệt ở châu Âu, nói. “Họ sử dụng mọi nguồn lực, kết hợp các phương pháp tác chiến phi truyền thống để gây khó khăn cho quân đội đối phương”.
“Đây là cách để cầm chân một cường quốc quân sự thế giới, tướng Schwartz nói với CNN, nhấn mạnh rằng cách này phù hợp khi có quyết tâm kháng cự.
Gần đây, một loạt các vụ tấn công và các vụ nổ xảy ra tại các căn cứ Nga ở cách xa tiền tuyến, đặc biệt là ở bán đảo Crimea. Kevin D. Stringer, đại tá quân đội về hưu của Mỹ, lãnh đạo nhóm phát triển khái niệm kháng chiến, nói là đây là dấu hiệu cho thấy Ukraine đang vận dụng hiệu quả chiến lược.
"Do không thể làm điều đó theo cách thông thường, Ukraine cần sử dụng các lực lượng hoạt động đặc biệt, và những lực lượng đó sẽ cần sự hỗ trợ như thông tin tình báo, nguồn lực, hậu cần để tiếp cận những khu vực này”, đại tá Stringer nói.
Lá cờ Ukraine tại một khu dân cư bị hư hại ở Borodianka, phía tây bắc Kiev.
Theo nguồn tin CNN thu thập từ chính phủ Ukraine, Kiev thực sự đứng sau một số vụ tấn công căn cứ và kho đạn Nga ở cách xa tiền tuyến. Nga đổ lỗi cho các vụ nổ là sự cố hoặc do bị phá hoại.
“Có khả năng cao rằng khái niệm kháng chiến này đang được Ukraine vận dụng trong tác chiến”, đại tá Stringer nói thêm.
Đầu tháng 4, tướng Richard Clarke, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Các Chiến dịch Đặc biệt, trả lời trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện, rằng Mỹ đang đào tạo các lực lượng kháng chiến ở Ukraine với sự tham gia của các lực lượng đặc nhiệm. Quá trình đào tạo đã diễn ra trong 18 tháng qua.
Theo CNN, khi được các nghị sĩ Mỹ đặt câu hỏi rằng chương trình huấn luyện này có hiệu quả trong xung đột hay không, tướng Clarke nói: “Đúng là có hiệu quả, thưa các Thượng nghị sĩ”.
Khái niệm kháng chiến cũng bao gồm chiến dịch tuyên truyền rộng rãi, ngăn chặn các thông điệp từ Nga và đảm bảo sự đoàn kết trong cộng đồng người Ukraine.
Các video quay cảnh quân đội Ukraine bắn cháy xe tăng Nga được công bố rộng rãi, là một phần trong phương pháp kháng chiến.
Người dân Ukraine tham gia huấn luyện quân sự.
Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky cũng giữ lửa chiến đấu bằng những bài phát biểu mỗi buổi tối hàng ngày, song song với việc cập nhật tình hình chiến sự, theo CNN.
Nhìn chung, khái niệm kháng chiến giúp gia tăng năng lực kháng cự của một quốc gia trước sức ép từ bên ngoài, cũng như đề ra phương pháp để từng bước tái lập chủ quyền ở các vùng lãnh thổ bị kiểm soát.
"Năng lực phục hồi là là sức mạnh của xã hội trong thời bình, trở thành sức kháng cự trong thời chiến", Dalia Bankauskaite, thành viên Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, người đã nghiên cứu kế hoạch kháng chiến ở Lithuania, nói.
Cho đến nay, 15 quốc gia, đặc biệt là các nước vùng Baltic, đã tham gia một số hình thức đào tạo về khái niệm kháng chiến này, Nicole Kirschmann, phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Hoạt động Đặc biệt ở châu Âu, nói.
Đăng Nguyễn - CNN