Tiến sĩ Sudhir Kumar, bác sĩ thần kinh từ Bệnh viện Apollo (Ấn Độ) đã chia sẻ trên Twitter trường hợp một phụ nữ 30 tuổi suýt bị mù do sử dụng điện thoại thông minh trong thời gian dài.
Theo tờ Times Of India, cô Manju, 30 tuổi, đã xuất hiện các triệu chứng suy giảm thị lực nghiêm trọng trong 1 năm rưỡi, gồm những biểu hiện như: Nhìn thấy vật thể bay lơ lửng, ánh sáng lóe lên, đôi khi không thể nhìn hoặc tập trung vào các vật thể. Đôi khi cô không thể nhìn thấy gì trong vài giây, chủ yếu vào ban đêm khi thức dậy đi vệ sinh.
Các triệu chứng này xảy ra sau khi cô thường xuyên xem điện thoại thông minh nhiều giờ mỗi ngày, trong đó có hơn 2 giờ lướt điện thoại vào ban đêm khi đã tắt đèn.
Tiến sĩ Sudhir Kumar chẩn đoán cô mắc hội chứng thị giác từ điện thoại thông minh (smartphone vision syndrome - SVS), xảy ra do sử dụng máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng trong thời gian dài. Đây còn được gọi là hội chứng thị giác máy tính hoặc hội chứng thị giác kỹ thuật số.
Theo trang Timesnownews, các yếu tố nguy cơ phổ biến của tình trạng này bao gồm:
-Thời gian sử dụng thiết bị quá dài
-Mắt cần phải đeo kính
-Tư thế xấu và góc nhìn hoặc khoảng cách không chính xác
-Môi trường không thoải mái và ánh sáng kém hoặc màn hình chói
-Đã có các bệnh về mắt trước đây
Các triệu chứng phổ biến của mỏi mắt kỹ thuật số là: Mắt mỏi, khô, cảm giác nóng rát trong mắt, mờ mắt, khó tập trung khi nhìn vào thứ gì đó, nhạy cảm với ánh sáng…
Việc chẩn đoán hội chứng thị lực máy tính bao gồm phân tích lịch trình thời gian sử dụng thiết bị và thói quen sống của người dùng, thể trạng và kiểm tra mắt kỹ lưỡng.
Sau khi được Tiến sĩ Sudhir Kumar tư vấn và giải thích nguyên nhân gây suy giảm thị lực, cô Manju hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại thông minh và chứng suy giảm thị lực của cô đã khỏi, tình trạng mất thị lực tạm thời vào ban đêm cũng chấm dứt.
Theo các bác sĩ, một số cách mà bạn có thể làm để bảo vệ đôi mắt là:
-Đừng quên chớp mắt: Một người sẽ chớp mắt ít hơn 66% khi sử dụng màn hình kỹ thuật số. Không chớp mắt thường xuyên có thể khiến mắt bị khô, có nguy cơ bị kích ứng và đỏ mắt. Hãy nhớ chớp mắt và giữ ẩm cho mắt.
-Các bài tập về mắt: Các bài tập về mắt có thể góp phần to lớn vào việc giảm mỏi mắt và làm dịu mắt. Đừng quên nghỉ ngơi và hít thở.
-Cải thiện môi trường: Môi trường lành mạnh có thể làm đáng kể giảm nguy cơ mỏi mắt. Chú ý đủ ánh sáng và loại bỏ độ chói của màn hình. Có thể đóng cửa sổ và rèm, sử dụng bóng đèn có công suất thấp và sử dụng bộ lọc, màn hình và phần mềm chống chói.
-Lưu ý đến tư thế: Tư thế là yếu tố quyết định chính đến sức khỏe tổng thể. Tư thế sai có thể làm tăng nguy cơ căng và gây hại cho mắt khi sử dụng màn hình kỹ thuật số. Ngồi trên ghế có đệm lót tốt ở tư thế thích hợp, lưng thẳng, đùi song song với sàn, tay có điểm tựa và chân đặt trên sàn.
Màn hình nên cách xa từ 50 - 70 cm và thấp hơn tầm mắt từ 10 -12 cm. Nghiêng màn hình về phía sau khoảng 10 đến 20 độ sẽ tốt hơn
-Chú ý đến sức khỏe đôi mắt: Đeo kính không đúng cách, bỏ qua các triệu chứng khó chịu và không kiểm tra mắt thường xuyên có thể gây hại thêm cho mắt.
Hãy nhớ luôn hỏi ý kiến bác sĩ nhãn khoa và chỉ đeo kính mắt phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Minh Hoa (t/h)