Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang thông tin, bệnh nhân là L.T.P, 25 tuổi, trú tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, vào khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vì hóc xương gà.
Theo người nhà bệnh nhân, sau khi T. bị hóc xương gà, gia đình đã dùng nhiều mẹo và mời "thầy làm phép" nhưng không hết. Cô gái này vẫn đau và nuốt vướng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Ngô Quang Chiến, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, cho biết người bệnh đến viện sau hóc ngày thứ 3, nội soi thấy dị vật đã cắm sâu vào thực quản tạo thành ổ áp xe, nguy cơ thủng thực quản, chảy máu.
Xương gà được các bác sĩ lấy ra.
Ê kíp nội soi gắp dị vật ra ngoài - là mẩu xương gà dài khoảng 2 cm. Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Bác sĩ cho biết những trường hợp nuốt phải dị vật khi ăn uống không hiếm gặp. Những dị vật lớn, nhọn, to mảnh, bén như xương gà, vịt, cá sẽ có khả năng đâm vào thực quản, cổ hoặc lồng ngực; hoặc rơi xuống dạ dày, đâm vào tá tràng, gây thủng dạ dày, nhiễm trùng, áp xe, viêm phúc mạc.
Khi bị hóc dị vật như mảnh xương, hạt hoa quả, thức ăn… không nên cố gắng khạc, dùng tay móc, nuốt miếng thức ăn to hoặc chữa mẹo dân gian để lấy dị vật ra...
Những việc làm này sẽ làm cho niêm mạc họng bị trầy xước, chảy máu, dễ nhiễm trùng, dị vật có thể bị mắc sâu hơn và rơi vào những vị trí nguy hiểm.
Quá trình ăn uống cần ăn chậm, nhai kỹ, không vừa ăn vừa nói chuyện hay cười đùa, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường ăn, đường thở.
Những dấu hiệu của dị vật bị bỏ quên trong đường thở thường không rõ ràng nên khi có các triệu chứng ho, ho lẫn đờm, máu, tức ngực, khó thở… người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.
DIỆU THU