Mới đây, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ hình ảnh ghi lại cảnh cô giáo ở Quảng Nam đội mưa, hai tay bám chặt thân cây, nhích từng centimet vượt qua dòng suối chảy xiết để đến lớp khiến nhiều người cảm phục.
Sau khi hình ảnh được đăng tải lên, cư dân mạng không khỏi thót tim. Nhiều người cảm phục nghị lực vượt suốt bám trường của cô giáo này.
Cô Tý bám vào thân cây, nhíc từng centimet để vượt qua dòng suối chảy xiết
Theo tìm hiểu của PV, cô giáo trên là cô Nguyễn Thị Tý (30 tuổi, ở xã Trà Mai, Trà My, Quảng Nam). Cô Tý là giáo viên phụ trách lớp mầm non ở điểm trường nóc Ông Bình, thôn 3, xã Trà Sơn, Trà My.
Chia sẻ với PV, cô Tý cho biết, hình ảnh cô bám vào thân cây qua dòng suối được ghi lại cách đây 5 ngày. Tuy nhiên, đến giờ cô vẫn cảm thấy lạnh sống lưng khi nhớ lại chuyến băng rừng, vượt suối đầy hiểm nguy đó.
Theo cô Tý, ngày 10/10 là thứ Hai đầu tuần, sáng sớm cô chạy xe máy từ xã Trà Mai lên xã Trà Dơn. Từ trung tâm xã muốn vào nóc Ông Bình không đi được xe máy, chỉ có thể đi bộ. Do đó, cô Tý để lại xe máy rồi cùng thầy Nguyễn Văn Nhân (giáo viên phụ trách lớp ghép lớp 1 và 2) đi bộ băng rừng để đến lớp học.
“Những hôm bình thường chúng tôi đi bộ chỉ mất 2 tiếng là đến nơi. Thế nhưng, hôm đó trời mưa tầm tã, mặt đường lầy lội, trơn trượt rất khó di chuyển. Suốt quãng đường băng rừng, vượt núi, cả hai phải đối mặt với 3 chướng ngại vật là 3 con suối. Mưa ngày một to, nước suối dâng cao, chảy cuồn cuộn", cô Tý nhớ lại.
Cô Tý cho hay, khi đến con suối thứ nhất cô và thầy Nhân lưỡng lự muốn quay về chờ ngớt mưa rồi đi vì nhìn dòng nước chảy xiết, nếu đi qua rất nguy hiểm. Nhưng trong lòng 2 thầy cô vẫn thôi thúc bước tiếp vì thương học trò.
Cô Tý và học sinh của mình
“Nghĩ đến các em học sinh là nguồn động lực lớn giúp tôi dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi. Khi thấy cây gỗ tròn nằm bắc ngang đoạn suối ngập sâu, tôi và thầy Nhân lần lượt bám chặt vào thân cây rồi nhích từng centimet để vượt qua. Trong lúc tôi toát mồ hôi hột di chuyển, thầy Nhân đã dùng điện thoại chụp lại bức ảnh làm kỷ niệm. Bây giờ xem lại tôi vẫn thấy rùng mình", cô Tý nói.
Cô giáo 30 tuổi chia sẻ, ở con suối thứ 2, cô và thầy Nhân dễ dàng lội bộ qua. Đến con suối cuối cùng, cả hai phải mất 4 tiếng đồng hồ chờ khi mưa tạnh, nước rút mới dám đi tiếp về lớp học.
“Tôi dạy 5 năm ở xã Trà Sơn rồi, 2 năm đầu, tôi dạy ở nóc Ông Phụng, quãng đường và thời gian đi bộ để tới lớp dạy cũng không thua kém so với điểm trường nóc Ông Bình. Ở đây khó khăn nhất là đường sá đi lại, tôi chỉ mong giao thông được mở tới tận các điểm trường để chúng tôi và người dân đi lại đỡ vất vả”, cô Tý cười nói.
Gia Linh