Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh hướng đến mục tiêu thành lập thị xã Yên Phong vào năm 2035 với tính chất là đô thị công nghiệp, dịch vụ; là trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch công nghiệp phụ trợ và phát triển thương mại dịch vụ phục vụ cho công nghiệp; là đầu mối liên kết phát triển kinh tế với Hà Nội, Bắc Giang và Thái Nguyên.
Huyện Yên Phong có 2 nền tảng quan trọng để trở thành đô thị công nghiệp công nghệ cao, tăng khả năng thu hút dân cư vào đô thị: một là, là đầu mối giao thông quan trọng của 2 tuyến cao tốc huyết mạch vùng thủ đô: Hà Nội - Hạ Long và Hà Nội - Thái Nguyên; thứ 2, nếu Bắc Ninh nằm tại vị trí chiến lược trong tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh thì huyện Yên Phong được coi là thủ phủ công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Dựa vào lộ trình phát triển của toàn tỉnh nói chung và huyện Yên Phong nói riêng, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh công tác lập và triển khai quy hoạch đưa đô thị Yên Phong trong ngắn hạn đạt tiêu chí đô thị loại IV làm cơ sở thành lập thị xã Yên Phong (năm 2025) và trong dài hạn đạt tiêu chí đô thị loại I và hướng tới toàn huyện Yên Phong đáp ứng tiêu chuẩn là quận của thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thị trấn Chờ và phụ cận
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Chờ và phụ cận, huyện Yên Phong (đô thị Yên Phong) đến năm 2035, tỷ lệ 1/10.000 được UBNB tỉnh Bắc Ninh phê duyệt vào ngày 10/12/2021 để cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh, chương trình phát triển đô thị của tỉnh Bắc Ninh, của huyện Yên Phong với việc kết nối các dự án phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch cơ sở hạ tầng của các vùng phụ cận đã được UBND tỉnh, UBND huyện phê duyệt giai đoạn đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đô thị Yên Phong bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện Yên Phong, phía Đông giáp thành phố Bắc Ninh, phía Tây giáp sông Cà Lồ và các huyện Sóc Sơn, Đông Anh (thành phố Hà Nội), phía Nam giáp thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh), phía Bắc giáp sông Cầu và các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). Mục tiêu quy mô dân số đến năm 2025 khoảng 306.460 người, năm 2030 khoảng 375.670 người, năm 2035 khoảng 456.550 người; tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 9.693 ha.
Nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung đô thị Yên Phong, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt nhiều đồ án xây dựng, điển hình như: Khu đô thị Kim Đô Policity với tổng diện tích giai đoạn 1 là 246ha, sẽ mở rộng lên 500ha tại xã Yên Phụ; Khu đô thị mở rộng thị trấn Chờ diện tích 75ha; quy hoạch chung khu vực phía Đông huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (4.571 ha); quy hoạch chi tiết Khu đô thị, du lịch văn hóa, dịch vụ tổng hợp Five Build (100ha)... được huyện phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa vào khai thác, hoạt động, nâng tỷ lệ đô thị hóa của huyện.
Lấy công nghiệp, dịch vụ làm động lực, thúc đẩy sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đô thị
Trong kế hoạch sử dụng đất toàn huyện tính đến năm 2035, đất công nghiệp (KCN, CCN) là 1403.7ha chiếm 14.48% tổng diện tích đất, trong đó quy hoạch mới thêm 2 Cụm công nghiệp tại xã Tam Đa, Dũng Liệt với tổng diện tích khoảng 125ha. Với diện tích đất cho KCN, CCN đang được mở rộng diện tích, quy mô, đô thị Yên Phong được định hướng quy hoạch và xây dựng theo mô hình phát triển đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và các dịch vụ phục vụ KCN, CCN.
Về tổ chức không gian, giai đoạn đến năm 2025, hình thành khu vực nội thị dọc theo các trục đường QL.18, ĐT.295, ĐT.286 gắn với các KCN Yên Phong, KCN Yên Phong mở rộng, KCN Yên Phong II và các làng nghề bao gồm thị trấn Chờ và các xã Trung Nghĩa, Yên Phụ, Văn Môn, Đông Thọ, Long Châu, Đông Phong, Yên Trung, Đông Tiến; khu vực ngoại thị là khu vực dân cư nông thôn với chức năng chính là phát triển công nghiệp, nông nghiệp phục vụ công nghiệp và các dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch gồm các xã Tam Giang, Hòa Tiến, Thụy Hòa, Dũng Liệt, Tam Đa. Giai đoạn 2025-2035, đô thị Yên Phong dự kiến phát triển theo mô hình cấu trúc quận tập trung với các trung tâm dịch vụ công cộng lớn, đa năng, bảo tồn các giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, chú trọng chỉnh trang, xây mới vùng kiến trúc, cảnh quan, các trục không gian chính, quảng trường, cửa ngõ đô thị, điểm nhấn đô thị và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.
Về phân khu chức năng, để bảo đảm các tiêu chí phát triển công nghiệp, đô thị trên cơ sở hình thái, cấu trúc và định hướng phát triển không gian tổng thể, quy hoạch đô thị Yên Phong giai đoạn đến năm 2025 được chia làm 4 phân khu: Phân khu đô thị trung tâm gồm thị trấn Chờ và các xã Trung Nghĩa, Yên Phụ; Phân khu đô thị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gồm các xã Đông Thọ, Văn Môn: Phân khu đô thị công nghiệp, dịch vụ gồm các xã Long Châu, Đông Phong; Phân khu đô thị công nghiệp, dịch vụ gồm các xã Yên Trung, Đông Tiến. Giai đoạn 2025-2035, hình thành thêm 2 phân khu đô thị gồm: Phân khu đô thị công nghiệp, dịch vụ gồm các xã Tam Giang, Hòa Tiến; Phân khu đô thị công nghiệp, dịch vụ gồm các xã Dũng Liệt, Tam Đa, Thụy Hòa.
Việc quy hoạch, phát triển đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ ở huyện Yên Phong thực chất là việc hình thành đô thị công nghiệp Yên Phong vừa giải quyết bài toán về nhu cầu an sinh: nhà ở, tiện ích xã hội,... cho người lao động trong các KCN, CCN vừa giải quyết song hành về các vấn đề đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của KCN, CCN, gắn kết việc phát triển KCN, CCN với quá trình đô thị hóa; góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều KCN, CCN giảm áp lực cho các đô thị trung tâm, phát triển thành đô thị công nghiệp thông minh, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hướng đến mục tiêu thành lập thị xã Yên Phong vào năm 2025.
Hà Anh