Tôi luôn tự hỏi “Nếu thông tin về dịch bệnh trên toàn thế giới minh bạch hơn và có thể tương tác với nhau theo thời gian thực thì rõ ràng việc ngăn chặn đại dịch này hoàn toàn có thể. Nhưng thật tiếc, vấn đề về thông tin vẫn đang bị gián đoạn, phân mảnh giữa các quốc gia nên chúng ta đã và đang đối mặt với những thách thức ngày một lớn hơn”.
Hiểu rõ tầm quan trọng nên công việc tiến hành thu thập thông tin, siết chặt quản lý dữ liệu nhằm truy vết, thống kê đã và đang được các bộ ngành triển khai rất quyết liệt. Bộ giao thông vận tải có “QR Luồng Xanh” cho phương tiện, bộ Y tế có Bluezone, tờ khai y tế, bộ Công An có “di biến động dân cư” rồi bộ Nông nghiệp sẽ có QR cho nguồn gốc nông sản….
Khẳng định vai trò của công nghệ có thể giúp cho việc nắm bắt thông tin nhanh chóng và xuyên suốt, nhưng nhìn vào cách các bộ ngành đang làm như hiện nay thì dường như có một sự lãng phí nào đó về công sức đầu tư và công sức nhập liệu của người dân. Thậm chí đang tạo ra một phản ứng ngược.
Thử hỏi một người lái xe khi đi làm họ phải khai báo bao nhiêu lần những thông tin trùng nhau? Lên tờ khai y tế khai báo thông tin sức khoẻ, xin giấy QR luồng Xanh, vừa khai báo xong đi qua chốt kiểm tra phải khai báo di biến động dân cư,… Vấn đề là những thông tin khai báo đó gần như giống nhau. Đơn vị nào cũng nói là chỉ mất 2 phút – 5 phút. Chính việc mất 2 – 5 phút đó mà có thể hàng loạt người dân phải ùn ứ lại 1 nơi, nguy cơ xảy ra lây nhiễm ở những địa điểm khai báo không phải là không có cơ sở. Cuối cùng người dân mất thời gian nhiều hơn, phải làm đi, làm lại những thông tin giống nhau trên những ứng dụng khác nhau?
Vì thế Công nghệ giờ đây dường như đã trở nên phần nào phiền phức hơn chứ không phải lúc nào cũng còn là cái thuận tiện, dễ sử dụng như bản chất của cái mà chúng ta gọi là “Chuyển đổi số hay số hoá nữa”. Đó là chưa nói đến nếu việc lưu trữ thông tin thiếu tính liền mạch và liên thông dữ liệu có thể sẽ tạo ra nguy cơ một “bãi rác khổng lồ” về mặt thông tin sau đại dịch.
Giải pháp nào để vừa đảm bảo được tính liền mạch của thông tin mà lại đảm bảo tính an toàn và giúp cho việc sử dụng của cộng đồng thuận tiện hơn?
Với vai trò là người trực tiếp chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống phần mềm “QR Luồng Xanh” theo yêu cầu của Tổng cục đường bộ Việt Nam và là người đã làm việc gần 20 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tôi thực sự thấy lãng phí và do đó đề xuất một mong muốn rằng, cần phải có một cách nhìn tổng thể hơn, khoa học hơn về kiến trúc dữ liệu để ngoài việc chống dịch thì đây sẽ là cơ hội lớn cho đất nước số hoá dữ liệu và xây dựng một nguồn tài nguyên số quốc gia, rút ngắn thời gian thực hiện sứ mệnh chuyển đổi số của quốc gia.
Muốn cho người dân thuận tiện nhưng lại đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ thông tin để truy vết và quản lý dập dịch tốt thì mọi thông tin phải được tập hợp tại một nơi tạm gọi là dữ liệu trung tâm. Điều này rõ ràng bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay đang có nhiệm vụ đó. Sau đó ứng với mỗi một lĩnh vực, mỗi một ngành nghề đều có thể truy vấn dữ liệu từ kho dữ liệu chung sau đó kết hợp với dữ liệu đặc thù chuyên ngành để tạo nên một công cụ quản lý. Với cách làm đó thì người dân có thể chủ động lựa chọn ứng dụng phù hợp với đặc thù công việc của mình nhưng khi đi qua các chốt kiểm dịch đều có thể kiểm tra được thông tin.
Tôi cho rằng, bộ Thông tin và Truyền thông là nơi đóng vai trò chủ đạo thiết kế nền tảng dữ liệu lớn, thu thập và chia sẻ cho các bộ ngành liên quan để người dân thuận tiện trong khai báo, để các cơ quan ban ngành có được những dữ liệu trước khi ra quyết định điều hành. Đặc biệt Chính phủ sẽ có bức tranh tổng thể về tình hình dịch bệnh, người dân sẽ có được thông tin nhất quán nhanh chóng và kịp thời…
Dịch bệnh ngoài việc tạo ra một thách thức lớn cho đất nước thì ở một góc nhìn khác đang tạo nên một cơ hội để cả quốc gia số hoá thông tin và chuyển đổi số nhanh hơn. Nhưng nếu chúng ta không có sự hoạch định và thiết kế hạ tầng thông tin tổng thể thì ngoài việc có thể đánh mất một cơ hội thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chúng ta còn có thể đứng trước nguy cơ phải xử lý một bãi rác thông tin sau đại dịch.
Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân và sự trăn trở của tôi sau khi nhìn thấy sự nở rộ của các ứng dụng thu thập thông tin hiện nay. Thực sự lúc này “cơ hội để quốc gia số hoá tài nguyên hay đối diện nguy cơ một bãi rác thông tin sau đại dịch hoàn toàn do chúng ta ứng xử từ hôm nay”.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết
Anh Phan Bá Mạnh có gần 20 năm hoạt động trong ngành Công nghệ thông tin, là sáng lập viên của Startup Công Nghệ AN VUI, người trực tiếp chịu trách nhiệm phát triển phần mềm cấp thẻ QR Luồng Xanh vận tải và là thành viên phụ trách xây dựng và triển khai các nền tảng kiểm soát phương tiện vận tải trong phòng, chống dịch Covid-19 của Trung tâm Công Nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia.