Tôi đến thăm Quảng Trị vào một ngày nắng gắt cuối tháng tám lịch sử. Trong chuyến đi về nguồn của một trung tâm tư vấn pháp lý cho các gia đình liệt sỹ, tôi có cơ hội được trò chuyện với nhiều người, ở nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng đều có chung một tâm niệm: tri ân những “người anh hùng thầm lặng”.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn vẫn còn đó biết bao ngôi mộ vô danh.
Với một người trẻ, chiến tranh là thứ gì đó quá xa vời, có thể chỉ là những bức hình đen trắng trong sách vở, lời giảng của thầy cô hay các hiện vật vô tri vô giác trưng bày trong bảo tàng. Để thấm và ngấm những ký ức khốc liệt, gian khổ ấy có chăng là người thân và các chiến sỹ giờ đây phải chứng kiến hay gánh chịu hàng ngày những nỗi đau không thể nào quên.
Tôi cũng chỉ là một người trẻ, chẳng biết gì về hương vị của bo bo, càng không hiểu nỗi sợ trốn ở hầm trú ẩn mỗi khi máy bay địch đến nhưng lại hiểu được phần nào nỗi đau của “người ở lại”.
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng nỗi đau thì vẫn còn đó, vẹn nguyên như mới ngày hôm qua…
Ở chiến trường ác liệt bậc nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam này có vô vàn câu chuyện với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Nhưng những gì mà thế hệ sau cảm nhận được chỉ gói gọn bằng hai chữ “khâm phục”.

Xác pháo chất thành rừng đã từng là mối đe dọa san lấp toàn bộ sự sống của những người con kiên cường trên mảnh đất này.
Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn và nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 vẫn còn đó hàng nghìn ngôi mộ vô danh. Sự ghê rợn của “cối xay thịt” Khe Sanh chưa bao giờ khiến ta không khỏi khiếp sợ. Càng khâm phục hơn cuộc sống của người dân sống trong lòng địa đạo Vịnh Mốc suốt 2.000 ngày đêm khói lửa. Nao lòng với những câu chuyện ly kỳ và đau thương gắn liền với thành cổ Quảng Trị. Nhưng cũng không phải vì thế mà ta có thể lãng quên vẻ đẹp của “Nữ hoàng của các bãi tắm ở Đông Dương” dù cho giờ đây, trong lòng “nàng” đã tổn thương sâu sắc.

Không cần bom đạn, cuộc chiến thời hiện đại dường như cũng không kém phần khốc liệt và bi thương.
Chiến tranh chỉ còn là những hoài niệm quá khứ, tưởng rằng mảnh đất này đã được bình yên, gác lại những đau thương của một “chứng nhân” lịch sử để mở ra một trang sử mới. Nhưng xót xa thay, nó lại phải oằn mình trước một cuộc chiến khác...
Đi lên từ một “đống đổ nát”, Quảng Trị thay da đổi thịt từng ngày. Thiên nhiên không ưu ái mảnh đất này nhưng bù lại, con người nơi đây lại vô cùng chân chất, hiền hòa và đáng mến. Vậy nên khi tai họa ập đến, họ chỉ còn biết bất lực vét cạn những giọt nước mắt trước thảm cảnh mà những “kẻ vô cảm” đã gây ra.
Trong suốt 4 tháng khủng hoảng cá chết xảy ra, cả nước luôn hướng về mảnh đất miền Trung nắng gió, cảm thông chia sẻ với mất mát của người dân bao nhiêu lại càng căm phẫn với sự đánh đổi bất chấp của các vị lãnh đạo liên quan bấy nhiêu. Nghe, xem thông tin từ các phương tiện truyền thông, chúng ta chỉ mới hiểu được một phần nhỏ của nỗi mất mát ấy mà thôi.
Còn đâu những bãi tắm tuyệt đẹp – một trong những ưu ái hiếm hoi mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất khắc nghiệt này? Còn đâu những chiếc thuyền đầy ắp tôm cá vào bờ với hy vọng về một nguồn thu nhập kha khá?… Bữa cơm của họ giờ chỉ còn có rau, trứng, thịt, và nếu có thủy hải sản, họ cũng chỉ dám nuôi chứ không còn gì để đánh bắt nữa.
Những cái lắc đầu ngao ngán, sự chán chường và thất vọng in hằn lên mỗi nét mặt, tiếng thở dài của những ngư dân nơi đây. Biển giờ đây không còn tấp nập du khách, thuyền bè nữa mà đìu hiu như chính niềm tin của người dân tại thời điểm này.
Trong thời chiến, người dân buộc phải chọn lựa giữa sự sống và cái chết, chiến đấu hết mình và thậm chí hy sinh xương máu để giành lại độc lập cho quê hương. Nhưng giờ đây, còn gì đau đớn hơn khi họ vẫn phải hy sinh môi trường, nguồn sống cho sự phát triển kinh tế một cách bất chấp tất cả.

Người dân giờ đây không biết phải làm gì ngoài niềm tin và một thái độ lạc quan giữa “tâm bão”. Nụ cười đặt trong bối cảnh này chỉ càng làm ta thấy xót xa.
Giai đoạn lịch sử nào cũng có những “cuộc chiến”, nếu không có sự đối lập, mâu thuẫn và đấu tranh thì không gì có thể phát triển được. Dù phát triển bền vững thì cái giá phải trả vẫn luôn đắt. Làm sao để những mất mát có thể chấp nhận được là chuyện không hề đơn giản.
Mảnh đất ấy, những con người ấy đã phải chịu quá nhiều mất mát và đau thương rồi, làm ơn hãy chở che cho họ trước sự ồ ạt vũ bão của cơn lốc phát triển có được không?
Sẽ là bao lâu? Vài tháng, vài năm hay vài chục năm để hồi sinh được dọc biển miền Trung? Dù là bao lâu đi chăng nữa chúng ta vẫn phải chờ đợi thôi, không còn cách nào khác. Càng những lúc khó khăn này, người dân không biết làm gì hơn ngoài đặt niềm tin (đã bị bào mòn) vào biện pháp quyết liệt của những người có trách nhiệm. Mong các vị hãy đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu chứ đừng mải mê chạy đua thành tích để khi giật mình nhìn lại, hóa ra ta đã đánh mất tất cả. Đừng để những con số vô tri, lợi ích trước mắt chà đạp lên tài nguyên thiên nhiên và hơn hết, bòn rút sự sống và tước đoạt quyền mưu sinh của người dân thêm một lần nào nữa.
Thảo Nguyên