Có nên phong tỏa tạm thời khi trường học xuất hiện F0?

Có nên phong tỏa tạm thời khi trường học xuất hiện F0?

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 3, 07/12/2021 07:00

Chuyên gia y tế băn khoăn, phong tỏa tạm thời để làm gì vì việc xuất hiện F0 trong trường học là điều gần như không thể tránh khỏi khi học sinh trở lại lớp?

Cứ sự cố xảy ra lại “nhốt” trẻ lại là không nên

Sau khi thí điểm để một số khối lớp thuộc vùng xanh tới trường an toàn, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Dương, Long An quyết định cho các khối lớp khác đi học từ ngày 6/12.

Tại Hà Nội, sáng 6/12, toàn bộ học sinh khối 12 đi học tập trung. Để đảm bảo an toàn, Sở Giáo dục và đào tạo thành phố yêu cầu các trường chia ca, giảm sĩ số theo nguyên tắc 50% học sinh đến lớp học trực tiếp thứ 2, 4, 6; 50% còn lại học trực tiếp vào thứ 3, 5, 7. Những trường THPT, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp thuộc địa bàn có cấp độ dịch 1 hoặc 2 được phép mở cửa.

Trừ học sinh khối 9 tại 18 huyện, thị ngoại thành tiếp tục học trực tiếp, các khối còn lại học trực tuyến, trẻ mầm non nghỉ học tại nhà.

Sự kiện - Có nên phong tỏa tạm thời khi trường học xuất hiện F0?

Theo quy định, 100% học sinh đến trường phải đeo khẩu trang, tự ăn sáng tại nhà, mang theo nước uống cá nhân. Khi đến trường đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.

Trước đó, ngày 4/12, Sở Giáo dục và đào tạo và Sở Y tế Hà Nội ban hành văn bản liên sở hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 khi có trường hợp mắc Covid-19 (F0), nghi mắc, F1, F2.

Theo đó, khi phát hiện F0 trong trường, Tp.Hà Nội yêu cầu toàn bộ trường sẽ tạm thời phong tỏa, lớp nào ở yên lớp đó. Giáo viên, người lao động, học sinh ở lại trường trong khi chờ kết quả xét nghiệm.

Với quy định này, nhiều phụ huynh, thầy cô giáo băn khoăn vì phải đảm bảo chuyện ăn uống, vệ sinh cũng như an toàn của học sinh như thế nào, nếu phải ở lại trường một thời gian. Chưa kể, trường sẽ sắp xếp như thế nào khi một lớp học có cả nam và nữ.

Đồng tình với những lo lắng của phụ huynh, BS.Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm Tp.HCM đặt câu hỏi phong tỏa tạm thời để làm gì vì việc xuất hiện F0 trong trường học là điều gần như không thể tránh khỏi khi học sinh trở lại lớp?

Vị chuyên gia này nhận định, nguy cơ lây nhiễm tại trường hay ở nhà là như nhau. Do đó, điều quan trọng là hướng dẫn học sinh cách phòng, chống dịch Covid-19. Khi xuất hiện ca dương tính SARS-CoV-2, nhà trường nên giải quyết cục bộ, không cần phong tỏa diện rộng. Trường hợp mắc Covid-19 chắc chắn được đưa đi điều trị.

Với những học sinh cùng lớp, ông Khanh cho rằng chỉ nên coi những em ngồi xung quanh F0, tiếp xúc gần là F1, cho các em về cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm. Những em còn lại trong lớp đó cũng như học sinh lớp khác tiếp tục đến trường. Việc phong tỏa tạm thời cả lớp, một khu vực hay toàn trường sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác, trong đó có cả tăng nguy cơ lây nhiễm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh đặt câu hỏi: “Phong tỏa tạm thời là bao lâu? Khi nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai sẽ nuôi học sinh? Vấn đề ăn uống, vệ sinh sẽ giải quyết như thế nào? Nếu làm vậy, thà đừng cho học sinh đi học. Cứ sự cố xảy ra lại “nhốt” trẻ lại là không nên”.

Về quy định, hướng dẫn xử lý F0 trong trường học của Hà Nội, bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược Tp.HCM cho rằng chưa hợp lý trong bối cảnh hiện nay. “Xử lý theo cách như vậy sẽ rất khó khăn, tốn kém và làm người dân hoang mang hơn. Nếu Hà Nội vẫn còn e ngại như thế, tôi nghĩ tạm thời chưa cho học sinh tới trường thì hơn”, bác sĩ Dũng nói.

Trưởng khoa Y tế công cộng của Đại học Y Dược Tp.HCM đánh giá, với tình hình dịch bệnh hiện nay, khi đón học sinh trở lại, khả năng xảy ra sự cố hoặc có F0 trong trường sẽ rất thường xuyên. Vì cứ 1.000 người, ngẫu nhiên trong vòng 1-2 tuần sẽ có một vài người trở thành F0. Nếu cứ có F0 trong trường học, chúng ta lại phong tỏa tạm thời, cách ly lớp học, xét nghiệm thì rất tốn kém.

Nếu so sánh với các quy định xử lý F0 trong trường học ở các quốc gia khác, khi người lớn đã tiêm ngừa đầy đủ, học sinh cũng được tiêm vắc-xin, thì những quy định của Hà Nội chặt chẽ quá mức. Thực tế, độ phủ vắc-xin phòng Covid-19 cho người lớn của Hà Nội đã rất tốt.

“Trong hướng dẫn xử lý của Hà Nội, F1 được xác định là tất cả học sinh, giáo viên của lớp có F0, như vậy là quá rộng và không đúng. Vì các em đến trường đều có đeo khẩu trang và giãn cách thì nguy cơ lây nhiễm không cao. Ngay cả khi là F1, các em đã tiêm vắc-xin cũng không cần cách ly”, bác sĩ Dũng nêu quan điểm.

Cho học sinh đi học càng sớm càng tốt nhưng phải thật an toàn

Liên quan đến vấn đề đi học trở lại, GS.TS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần phải cho học sinh đi học càng sớm càng tốt nhưng phải thật an toàn. Nhu cầu đi học của học sinh rất chính đáng từ mẫu giáo cho đến sinh viên đại học. Học sinh các cấp không thể học trực tuyến mãi được. Học trực tuyến quá lâu sẽ rất ảnh hưởng và có hại cho học sinh.

GS.TS Nguyễn Anh Trí lưu ý, việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại sao cho an toàn cần phải chú ý cụ thể 3 điểm cơ bản. Thứ nhất, an toàn phải được thực hiện từ gia đình, trên đường đi và cả tại lớp học. Trong 3 giai đoạn an toàn đó thì cần thực hiện tốt nhất ngay tại từng gia đình, đây cũng là điều quan trọng bậc nhất.

Thứ 2, tại trường cần thực hiện 5K nghiêm, khoanh vùng nơi học sinh vui chơi để hạn chế tiếp xúc các lớp khác nhau. Nếu được, trường vẫn nên tổ chức 3 tại chỗ cho học sinh: Ăn, ngủ, học ngay tại lớp, đặc biệt cả các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo… nhà trường nên tổ chức.

Thứ 3, đề nghị tổ chức mạng lưới y tế ở các trường cho thật tốt để thường xuyên theo dõi sức khoẻ cho học sinh, không chỉ đo nhiệt độ mà xét nghiệm đúng, chuẩn.

Đồng tình với quan điểm của GS. Nguyễn Anh Trí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc học sinh quay trở lại trường là cần thiết và nên mở sớm và mở rộng thêm các cấp học khác. Không thể đóng cửa trường học mãi được. Học sinh ở nhà cũng vẫn có thể bị lây Covid-19.

“Nếu cha mẹ tuân thủ tốt, nguy cơ lây nhiễm ở trẻ sẽ giảm đi và hầu như không mắc bệnh. Việc trẻ học tại trường chỉ mất thời gian đi ngoài đường đến trường. Trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm trên đường rất thấp”, PGS.TS Hùng nhận định.

Theo Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, trong trường hợp có học sinh mắc Covid-19, nhà trường sẽ sàng lọc, cách ly lớp đó và tạm thời dừng học trực tiếp chuyển sang học online. Trong thời gian này, trường tuân thủ quy định không cho các lớp giao lưu, học sinh các lớp không vui chơi tiếp xúc với nhau.

Đối với trẻ em không thể có ngay vắc-xin để triển khai tiêm hết, đặc biệt là trẻ nhỏ. Những đối tượng này không đến trường sẽ không phát huy hết vào việc để hệ thống giáo dục tham gia phòng chống dịch. Lứa tuổi này nên đến trường, thành phố cũng nên mở rộng đối tượng đến trường như học sinh cấp 1, 2, sau đó đến cấp mầm non.

Theo các chuyên gia, mọi người tuyệt đối không được chủ quan, cần nghiêm túc tuân thủ thực hiện chống dịch. Bên cạnh đó phải có thái độ hết sức bình tĩnh, chủ động, hiệu quả để chống dịch.

Đồng thời thực hiện theo Nghị quyết 128 để tiếp tục duy trì, đảm bảo sản xuất, an sinh xã hội... Một số loại hình hàng quán như quán cà phê, karaoke… có thể tạm ngừng trong giai đoạn này vì đó là môi trường tốt để lây lan dịch Covid-19. Nếu tập thể dục, mọi người nên thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo giãn cách.

Minh Vy (T/h từ Sức khỏe Đời sống, Zing, Lao Động)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.