Cổ phiếu đầu cơ "nổi sóng", chứng khoán lấy lại mốc 1.300 điểm

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 4, 08/06/2022 16:02

Tất cả cổ phiếu thuộc nhóm FLC hay nhiều mã thuộc nhóm APEC, Nhựa Đồng Nai, Louis Holdings... tăng trần giúp thị trường bứt phá sau hơn một tháng lao dốc.

Phiên giao dịch ngày 8/6, thị trường tiếp tục diễn biến tích cực. Tại sàn HoSE, sau 30 phút giao dịch đã có gần 300 mã tăng giá, áp đảo hoàn toàn lượng mã giảm giá. VN-Index ghi nhận tăng gần 7 điểm lên 1.298 điểm.

Sắc xanh lan tỏa toàn thị trường, tính tới 10h, số lượng mã tăng trên HoSE tăng lên 345 mã, trong khi mã giảm chỉ 92. Nhiều mã trong VN30 cũng đảo chiều tăng giá, đặc biệt, GVR tăng trần với dư mua trần trên 1,2 triệu đơn vị và trở thành mã tác động tích cực nhất tới thị trường ngày 8/6.

Đà tăng của các chỉ số tiếp tục được nới rộng thêm khi lực cầu dâng cao và kéo hàng loạt cổ phiếu lớn bứt phá. Thị trường giao dịch tích cực suốt cả phiên giao dịch với dòng tiền đổ về mạnh mẽ. Kết phiên sáng, thị trường tăng gần 20 điểm.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản cũng có sự bứt phá. Thị trường giao dịch thận trọng trong suốt phiên chiều. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/6 tăng 16,56 điểm, tương ứng 1,28% lên 1.307,91 điểm.

Toàn sàn có 389 mã tăng, 80 mã giảm và 39 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,78 điểm, tương ứng 2,23% lên 310,93 điểm. Toàn sàn có 163 mã tăng, 61 mã giảm và 31 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,31 điểm, tương ứng 1,4% lên 95 điểm. Như vậy, thị trường chứng khoán đã lấy lại ngưỡng hộ trợ 1.300 điểm.

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu đầu cơ 'nổi sóng', chứng khoán lấy lại mốc 1.300 điểm

Những mã tác động mạnh nhất đến VN-Index. (Ảnh: Fireant)

Phiên 8/6 cũng là phiên giao dịch tốt với nhóm cổ phiếu trụ VN30. Chỉ số đại diện nhóm này tăng hơn 17 điểm, cao hơn mức tăng của sàn HoSE với 21 mã tăng giá, 7 mã giảm giá và 2 mã đứng giá. Có 178 triệu cổ phiếu nhóm VN30 được sang tay trong phiên.

Các mã ngân hàng sau nhiều phiên tác động tiêu cực đến chỉ số thì đến phiên ngày 8/6 đã quay đầu bứt phá. Hầu hết các mã thuộc nhóm ngân hàng nằm trong top những cổ phiếu tác động tích cực nhất tới chỉ số như VPB, MBB, TCB, BID, ACB. Các mã STB, SHB, LPB tăng kịch trần. Phần lớn các mã khác tăng tích cực 2-4% trong ngày. Duy nhất chỉ có VCB giảm điểm và gây áp lực tới chỉ số khi giảm 2,2% về 79.200 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu bán lẻ như DGW và FRT chạm giá trần. MWG tăng nhẹ và PNJ dừng tại mốc tham chiếu khi kết phiên giao dịch.

Thị trường chứng khoán hôm nay ghi nhận nhiều mã tăng kịch trần. Đáng chú ý phải kể đến nhóm cổ phiếu đầu cơ. Toàn bộ các mã "họ FLC" tím ngắt… sau nhiều phiên giảm điểm do các thông tin xấu. Các mã khác như QCG, HOT, JVC, LDG, NHA, HQC, FCN, NVT, TGG… đồng loạt tím trần dù nhiều ngày giảm sàn. Nhóm Apec như APS và IDJ tăng hơn 2%. Cổ phiếu DIG và CEO tăng trên 4%…

Thậm chí, nhiều mã phiên giao dịch hôm qua giảm sàn thì nay đã đảo chiều tăng trần như DXG. Mã VGC tăng trần, GEX cũng tăng 2,4%…

Cổ phiếu YEG tăng 8 phiên liên tiếp. Phiên hôm nay lại tiếp tục ghi nhận mức tăng trần. Dù lãnh đạo và cổ đông lớn nhất thoái vốn song đà tăng của YEG chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu đầu cơ 'nổi sóng', chứng khoán lấy lại mốc 1.300 điểm (Hình 2).

Nhiều mã đầu cơ nổi sóng ngày 8/6. (Ảnh: SSI)

Mã PAN cũng tím trần 2 phiên liên tiếp sau thông tin doanh nghiệp triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) và chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua.

Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến phát hành gần 83,6 triệu cổ phiếu theo tỉ lệ 5:2 (cổ đông cứ sở hữu 5 cổ phiếu được thưởng thêm 2 cổ phiếu mới). Nguồn phát hành từ thặng dư vốn cổ phần theo BCTC kiểm toán năm 2021.

Song song đó, PAN Group cũng triển khai việc chào bán hơn 104,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỉ lệ 2:1 (cổ đông cứ sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu mới). Cổ phần chào bán không bị hạn chế chuyển nhượng.

Với 2 phương án phát hành nêu trên, tập đoàn nông nghiệp này dự kiến tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 2.164 tỉ lên thành 4.102 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu thuỷ sản lại giao dịch tiêu cực với VHC và ANV nằm trong nhóm tác động xấu tới chỉ số. Trong đó, VHC giảm hơn 5% còn ANV giảm 3,7%. Tại nhóm thép, HPG vẫn giao dịch trong sắc đỏ song NKG lại tăng 4,2%, POM tăng 1,6%, TLH tăng 0,8%, HSG tăng 2,6%…

Khối ngoại giải ngân 1.488 tỷ đồng song lại bán ra 1.218 tỷ đồng. Tính chung, khối ngoại đã mua ròng 270 tỷ đồng và ghi nhận 3 phiên mua liên tiếp. HPG là mã bị bán mạnh nhất 182 tỷ đồng. Các mã còn lại chỉ bị bán khối lượng vài chục tỷ đồng như MWG (36 tỷ đồng), NVL (45,5 tỷ đồng), VIC (24 tỷ đồng), VNM (24 tỷ đồng)… Một vài mã được mua mạnh nhất là DPM 84 tỷ đồng, MSN 84 tỷ đồng, GAS 65 tỷ đồng, DCM 55 tỷ đồng…

Dù thị trường tăng điểm và kết phiên trong sắc xanh nhưng thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 18.565 tỷ đồng, giảm 7,3%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 4,75% xuống còn 15.678 tỷ đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.