Thị trường chứng khoán phiên ngày 24/2 tiếp tục chịu những áp lực đáng kể từ căng thẳng chính trị tại Ukraine. Trừ dầu khí, hầu hết các nhóm ngành ngay khi mở cửa đều nhanh chóng chìm trong sắc đỏ.
Ngay phiên sáng, thông tin giá dầu tăng vọt do căng thẳng leo thang tại Ukraine khiến các cổ phiếu dầu khí bật cao, dù thị trường chung đỏ lửa. Các mã PVB, PVC tăng kịch trần, PVS, PVD có thêm hơn 4% thị giá, OIL, PLX tăng hơn 3%, BSR vượt tham chiếu hơn 2%...
Theo đó, giá dầu Brent đã chính thức chạm mốc 100 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014 khi Nga phát động tiến công vào Ukraine. Trưa 24/2 giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao sau có thời điểm vượt mức 102 USD/thùng trước khi giảm nhẹ về mức 101 USD.
Thị trường chỉnh mạnh sau thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ mở chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine sáng 24/2.
Tổng thống Nga Putin tuyên bố thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine
VN-Index từng có thời điểm giảm 37 điểm do áp lực bán lớn. Hôm nay, sàn HoSE ghi nhận hơn 1 tỷ cổ phiếu sang tay - mức cao nhất hơn một tháng trở lại đây. Áp lực bán tháo khiến thị trường rơi tự do ngay từ đầu phiên chiều, nhà đầu tư bán bằng lệnh MP (khớp lệnh theo giá thị trường) khiến nhiều mã rơi vào cảnh giảm sàn.
Tuy nhiên, cũng tại đây lực cầu nâng đỡ xuất hiện, VN-Index hồi về gần mốc 1.494 điểm, tương ứng giảm hơn 17 điểm. VN-Index hôm nay chính thức mất mốc 1.500 điểm.
Sàn HNX-Index giảm 7,66 điểm, tương ứng 1,73% xuống 434,88 điểm. Toàn sàn có 64 mã tăng, 185 mã giảm và 40 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,19 điểm, tương ứng 1,05% xuống 112,32 điểm.
Số lượng cổ phiếu giảm giá lúc kết phiên là 396 mã, trong khi cổ phiếu tăng là 75 mã. Rổ VN30 có 25 cổ phiếu giảm, gấp 5 lần số lượng cổ phiếu tăng. Tính theo nhóm cổ phiếu thì chỉ dầu khí và phân bón ngược dòng thị trường để giữ sắc xanh, còn lại bất động sản, công nghiệp, tài chính, nguyên vật liệu, tiêu dùng... đểu mất thị giá.
Nhóm cổ phiếu phân bón đi ngược xu hướng của thị trường chung, trong đó, LAS, DCM, DPM hay VAF đều được kéo lên mức giá trần. Tại nhóm bất động sản DXG tăng trần lên 43.200 đồng/cổ phiếu và là động lực chính giúp nhiều mã bất động sản khác hồi phục.
Tuy nhiên, nhóm bất động sản hầu hết đều giảm mạnh từ 1-7%, thậm chí có nhiều mã giảm tiệm cận giá sàn. NDN giảm 3,7%, AMD giảm 4,3%, BVL giảm 10%, CEO giảm 7%, DIG giảm 6%...
Các mã có tác động tích cực đến thị trường là MSN, DXG, DCM, BVH... FRT hôm nay tiếp tục tăng trần lên 124.700 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này đã tăng trần nhiều phiên liên tiếp sau thông tin được phân phối thuốc trị Covid-19. Ngược lại, mã MKP của Hóa - Dược phẩm Mekophar lại giảm 5,69% sau 4 phiên tăng mạnh. Đây là doanh nghiệp sản xuất thuốc trị Covid-19 duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
HAG là một trong những mã chịu cảnh giảm sàn hôm nay, còn 10.500 đồng/cổ phiếu, và không có bên mua. Khả năng bị huỷ niêm yết vẫn là rủi ro lớn nhất khiến cổ phiếu này đối diện áp lực bán mạnh.
Các mã nhà Vingroup đều chìm trong sắc đỏ. Riêng VIC tiếp tục trở thành mã tác động xấu nhất đến chỉ số chung, làm VN-Index mất 2,3 điểm. VRE giảm 2,5%, VHM giảm 1,01%. VIC giảm 2,9% xuống còn 80.100 đồng/cổ phiếu - mức thấp nhất kể từ hơn một năm trở lại đây. Cổ phiếu này mở cửa năm 2022 ở mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu, như vậy, thị giá VIC đã giảm khoảng 20%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết chìm trong sắc đỏ, chỉ có một số ít không đáng kể mã ghi nhận sắc xanh như VPB tăng 2,79% và là cổ phiếu trụ đỡ thị trường phiên hôm nay, đóng góp hơn 1 điểm cho chỉ số chung. Còn lại, các cổ phiếu ngân hàng đều giảm từ 1-4% trong phiên hôm nay, gồm: MBB (1,4%), TCB (2,3%), LPB (3,3%), HDB (2,8%), BID (2,1%)...
Sau phiên mua ròng hôm qua, khối ngoại bán ròng 185,8 tỷ đồng. Lượng bán ròng phân bổ ở chứng chỉ quỹ lẫn cổ phiếu vốn hoá lớn như E1VFVN30, FUEVFVND, HDB, VCB, HPG. Mã bị bán nhiều nhất là HDB với hơn 227 tỷ đồng. Khối lượng mua tập trung ở các mã KDC, DGC, GEX, KBC, DXG...