Sau quãng thời gian dài nằm "bất động" ở vùng giá 25.000 đồng/cp và vắng bóng thanh khoản, từ giữa tháng 5/2024, giá cổ phiếu MFS của CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone (UPCoM: MFS) ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ tăng hơn 3 lần chỉ trong 1 tháng, thanh khoản cũng đột biến hơn. Qua đó, lần đầu tiên trong lịch sử cổ phiếu "con cưng" của Mobifone chạm đến vùng giá 76,500 đồng/cp (giá cao nhất phiên 24/06). Trong nhiều năm trước đó, MFS chỉ quanh quẩn mức 25,000 đồng/cp.
Từ đầu năm tới nay, sóng cổ phiếu công nghệ, viễn thông khá vững vàng, đưa cổ phiếu của các "ông lớn" như Viettel, FPT và Mobifone tăng mạnh bình quân hàng chục phần trăm, đa số đều xô đổ mức giá kỷ lục trước đó. MFS là một ví dụ điển hình.
Cổ phiếu tăng ngoạn mục, cổ đông lớn và lãnh đạo của doanh nghiệp này đã bán ra lượng lớn cổ phiếu để chốt lời
Giá cổ phiếu cao hơn cũng là lúc các nhà đầu tư đã nắm giữ cổ phiếu ở những giai đoạn trước đó hiện thực hóa lợi nhuận. MFS không phải là ngoại lệ, thậm chí xuất hiện những động thái được cho là “chốt lời” của cổ đông lớn hay lãnh đạo Công ty.
Cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Phan Tiến Dũng đã đăng ký bán toàn bộ hơn 139 ngàn cp MFS đang nắm giữ, tương ứng tỷ lệ 1.97% vốn, trong giai đoạn từ 27/06-26/07/2024. Ông Dũng cho biết bán ra vì nhu cầu cá nhân, thông qua 2 phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Xét theo giá đóng cửa phiên 02/07 là 43,500 đồng/cp, ước tính Phó Tổng MFS có thể thu về khoảng 6 tỷ đồng.
Trước đó vào ngày 26/06, ông Nguyễn Duy Hưng – một cổ đông kín tiếng của MFS đã bán hơn 158 ngàn cp, qua đó hạ sở hữu từ gần 1.35 triệu cp (tỷ lệ 19.04%) xuống còn gần 1.19 triệu cp (tỷ lệ 16.8%). Giá đóng cửa của phiên 26/06 là 62,000 đồng/cp, ước tính ông Hưng đã thu về khoảng 10 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Mobifone (Mobifone Service, UPCoM: MFS) là công ty thành viên của Tổng công ty Viễn thông Mobifone, được thành lập năm 2008. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 70,7 tỷ đồng. Ngày đầu tiên lên sàn giao dịch UPCoM là 16/5/2019, hơn 7,06 triệu cổ phiếu MFS được giới đầu tư định giá ở mức 26.300 đồng/cp.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của DN này đi lùi so với năm trước đó
Được biết, ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa diễn ra vào ngày 27/06 đã thông qua cho thấy kế hoạch kinh doanh năm 2024 đi lùi, với tổng doanh thu hơn 395 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 15 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 26% so với thực hiện năm 2023.
Tuy nhiên, lãnh đạo MFS cũng nhận định tình hình năm 2024 còn nhiều khó khăn, doanh thu từ các dịch vụ cốt lõi suy giảm theo xu hướng, mức lương tối thiểu vùng tăng làm tăng mạnh chi phí nhân công... Do đó, trường hợp không đạt kế hoạch, MFS cũng đề ra mục tiêu lãi sau thuế tối thiểu khoảng 12.5 tỷ đồng, tương đương 62% thực hiện năm 2023.
Trong năm 2023, Doanh nghiệp đã không hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Với tình hình kinh doanh "hụt hơi", MFS chỉ chốt chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 25% (2,500 đồng/cp), thấp hơn tỷ lệ 30% của năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 2/7 với thanh khoản tăng nhẹ củng cố sức mạnh của vùng 1.240-1.250 điểm, nhưng cũng thể hiện tâm lý hoài nghi và e ngại của dòng tiền sau một nhịp điều chỉnh tương đối thời gian vừa qua.
CTCK Vietcombank (VCBS) lưu ý nhà đầu tư cân nhắc chọn lọc cổ phiếu có diễn biến tích cực
Theo VCBS, chỉ số VN-Index bật tăng ấn tượng cho thấy nhà đầu tư đang dần tham gia lại thị trường một cách chủ động.
'Các nhà đầu tư có thể cân nhắc chọn lọc cổ phiếu có diễn biến tích cực đi cùng thị trường chung trong những phiên vừa qua và giải ngân với tỷ trọng vừa phải ở những cổ phiếu này. Một số nhóm ngành có thể chú ý trong thời gian này bao gồm dệt may, điện, thép.
CTCK KB Việt Nam (KBSV) thì khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ các vị thế đã mở. Dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index nhiều khả năng sẽ duy trì đà hồi phục trước khi gặp áp lực rung lắc lớn trở lại quanh kháng cự gần.
“Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mở, kết hợp trải lệnh mua trading xoay vòng trong các nhịp điều chỉnh trong phiên” – KBSV lưu ý.
Tuấn Kiệt