Cổ phiếu DGC kết phiên 18/06 ở 130,000 đồng/cp – là mức cao nhất kể từ khi niêm yết trên HNX vào năm 2014, rồi chuyển sang HOSE năm 2020.
Thanh khoản trong phiên cũng là mức kỷ lục với gần 13.6 triệu cp, toàn bộ đều là khớp lệnh. Trước đó, 2 phiên giao dịch có khối lượng gần tương tự là phiên 18/03/2024 với gần 13.3 triệu cp khớp lệnh và phiên 16/11/2022 với gần 13 triệu cp khớp lệnh.
Nhờ cổ phiếu DGC tăng trần, tài sản của đại gia Đào Hữu Huyền - ông chủ Hóa chất Đức Giang với 18,38% cổ phần, cũng bật tăng 602,8 tỷ đồng trong phiên, đưa tổng tài sản của ông lên 9.271,2 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm 2024 tới nay, thị giá DGC tăng 38%, vốn hóa thị trường theo đó tăng thêm 13.500 tỷ lên gần 49.400 tỷ đồng
Tính từ đầu năm 2024 tới nay, thị giá DGC tăng 38%, vốn hóa thị trường theo đó tăng thêm 13.500 tỷ lên gần 49.400 tỷ đồng.
Hiện, chưa rõ vì sao cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang có cú tăng tốc ngoạn mục như vậy, xét trên bối cảnh Doanh nghiệp có lợi nhuận quý 1/2024 thấp nhất 2 năm. Mức tăng này nhiều khả năng đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư.
Theo CTCK Tiên Phong (TPS), DGC được cho là có triển vọng phục hồi tích cực vào năm 2024, có thể xem xét cho chiến lược dài hạn với nhiều yếu tố hỗ trợ.
Đầu tiên, DGC kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công nghệ toàn cầu nhờ vị thế dẫn đầu về xuất khẩu phốt pho vàng (P4). Cụ thể, nguồn cung hạn chế từ Trung Quốc, ngành bán dẫn phục hồi, làn sóng phát triển của xe điện và AI sẽ giúp giá P4 tiếp tục neo cao trong thời gian tới. Đặc biệt, khi các nhà máy sản xuất pin xe điện và chip mới ở Đông Á và Bắc Mỹ đa dạng hóa nhà cung ứng phốt pho vàng trong chiến lược Trung Quốc +1 để giảm phụ thuộc vào nguồn P4 của Trung Quốc.
Yếu tố hỗ trợ đến từ các dự án mở rộng sẽ đóng góp khá lớn vào doanh thu của DGC trong tương lai. Theo đó, dự án Nhà máy Xút chất dẻo Nghi Sơn được kỳ vọng hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024-2025 và giai đoạn 2 vào năm 2026 với quy mô 150,000 tấn Xút/năm, tương ứng trên 1,800 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp sẽ ảnh hưởng tới nguồn điện để sản xuất phốt pho vàng ở Trung Quốc, dẫn tới nguồn cung toàn cầu ngày càng hạn chế.
Những yếu tố hỗ trợ trên là cơ sở để TPS dự phóng doanh thu và lợi nhuận của DGC sẽ tăng trưởng trong năm 2024.
Trên thị trường chứng khoán, VN-Index bật tăng ngay từ lúc mở cửa phiên sáng và tiến lên ngưỡng 1,285 trước khi lùi xuống đóng cửa tại mốc 1.279,5 điểm, tăng nhẹ gần 5 điểm so với phiên trước đó.
Theo các công ty chứng khoán, phiên giao dịch 19/6 thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại và đường trung bình 20 phiên của các chỉ số.
CTCK Vietcombank (VCBS) lưu ý nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu vẫn duy trì được dòng tiền ổn định.
Thị trường có phiên hồi phục tương đối ngoại trừ áp lực bán bất ngờ gia tăng cuối phiên cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
“Nhà đầu tư nên giữ tâm lý bình tĩnh và duy trì tỷ trọng danh mục, chủ động cơ cấu lại tài khoản, bán giảm những mã đã giảm dưới vùng hỗ trợ và chỉ nắm giữ những cổ phiếu vẫn đang vận động tích lũy sideway cũng như duy trì được dòng tiền ổn định” – VCBS khuyến nghị .
CTCK KB Việt Nam (KBSV) cũng khuyên nhà đầu tư tránh mua đuổi trong các phiên hồi phục sớm.
Mặc dù nhiều khả năng chỉ số sẽ cho phản ứng hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ gần quanh 1.270 điểm, rủi ro chỉ số có thể sớm đảo chiều sau đó đang có phần lấn át hơn khi áp lực cung tiềm tàng vẫn còn tương đối lớn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các phiên hồi phục sớm, ưu tiên bán chốt lời các vị thế trading đã mở và hạ tỷ trọng danh mục xuống ngưỡng an toàn khi chỉ số tiếp cận các vùng kháng cự.
Hồng Hương