Cố tình “thông chốt” kiểm soát Covid - 19, người phụ nữ bị xử lý ra sao?

Cố tình “thông chốt” kiểm soát Covid - 19, người phụ nữ bị xử lý ra sao?

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 4, 28/07/2021 19:00

Cố tình vượt qua chốt kiểm dịch Covid -19, xúc phạm công an, người mẹ không những làm gương xấu cho con mà còn có thể bị xử phạt về hành vi vi phạm.

Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip dài hơn 5 phút ghi lại hình ảnh người phụ nữ chở theo con trai chạy xe máy qua chốt kiểm soát dịch, được lực lượng chức năng yêu cầu dừng lại xuất trình giấy tờ nhưng không có. Sau đó, người này không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng, còn lớn tiếng cự cãi, thậm chí chửi bới, có nhiều lời lẽ xúc phạm công an.

Theo hình ảnh clip ghi lại: Khi nhân viên tại chốt ngăn lại giải thích rằng để đảm bảo an toàn và thực hiện Chỉ thị 16, người dân ra đường phải có lý do chính đáng và các giấy tờ liên quan thì người này bắt đầu quát tháo cho rằng “mình không phải trộm cướp mà cần giấy tờ”.

Đáng chú ý, người này còn kéo khẩu trang xuống khi lớn tiếng mắng chửi công an. Lực lượng chức năng cũng nhắc nhở người phụ nữ không nói bậy nhưng người này vẫn văng tục bất chấp việc con trai đang ngồi sau xe.

Sự việc trên đã khiến xôn xao dư luận, nhiều người không khỏi bức xúc, tỏ thái độ vẻ bất bình trước ý thức chấp hành pháp luật được cho là rất kém của người phụ nữ này.

Góc nhìn luật gia - Cố tình “thông chốt” kiểm soát Covid - 19, người phụ nữ bị xử lý ra sao?

Luật sư Nguyễn Kim Ngân - Công ty luật TNHH Minh Tín.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Kim Ngân - Công ty luật TNHH Minh Tín (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Người phụ nữ trong đoạn clip trên có hành vi kéo khẩu trang xuống trong lúc đôi co với lực lượng chức năng và không đưa ra được giấy tờ chứng minh cũng như lý do chính đáng khi ra đường trong mùa dịch. Như vậy, hành vi không thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc ra đường thuộc diện không cần thiết có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế là từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Luật sư Ngân cho biết thêm, cũng theo quy định tại Nghị định này, người không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19 bị phạt tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; 20 triệu đồng đối với tổ chức.

Chưa kể, theo hình ảnh clip ghi lại, mặc cho nhân viên tại chốt ngăn lại giải thích để đảm bảo an toàn và thực hiện Chỉ thị 16, người dân ra đường phải có lý do chính đáng và các giấy tờ liên quan thì người phụ nữ này bắt đầu la lối “Giấy tờ gì? Ăn cướp à? Ăn cắp ăn trộm gì mà sao giữ lại? Có quyền giữ à?". Tiếp đến, khi lực lượng chức năng chặn lại và yêu cầu xuống xe, người phụ vẫn cố chấp quay xe đi và quát lớn: “Xê ra, đường của tôi tôi đi!”…

Nữ luật sư cho rằng, hành vi nêu trên của người mẹ chở con nhỏ cố tình “thông chốt” có dấu hiệu phạm tội chống người thi hành công vụ, được quy định tại Điều 330, BLHS năm 2015. Theo đó, khoản 1 Điều này quy định: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Điều khiến luật sư thấy đáng buồn hơn cả là chính là người mẹ đã làm gương xấu cho con. “Trước mặt lực lượng chức năng, thay vì người mẹ chấp hành, tuân thủ các quy định của nhân viên trực chốt và cán bộ công an thì người mẹ trong clip lại không đưa ra được lý do, giấy tờ gì liên quan; thậm chí liên tục buông lời mắng mỏ, xúc phạm lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Hành động này của người mẹ có lẽ sẽ khiến con trẻ phải suy nghĩ”, luật sư Ngân nói.

Cũng theo quan điểm của luật sư, trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, diễn biến phức tạp, Nhà nước, Chính phủ và người dân đang ra sức chống dịch thì việc thiếu ý thức của một số người dân đã đi ngược lại với sự hy sinh, cố gắng của cả một tập thể. Xét thấy, cơ quan chức năng cần thiết và kịp thời xử lý những người có hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 để nhằm răn đe, giáo dục các trường hợp tương tự.

“Hơn lúc nào hết chúng ta cần sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội để sớm đẩy lùi đại dịch, thiết lập lại chế độ bình thường mới cho toàn xã hội”, luật sư Ngân mong mỏi.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.