Ai là cầu thủ các hậu vệ ĐT Nhật Bản ngại đối đầu nhất?. Quang Hải, Văn Toàn hay Công Phượng?. Thật khó để trả lời câu hỏi này nhưng nếu phải định lượng, hẳn nhiều người sẽ chọn Công Phượng. Những dữ liệu từ quá khứ trên sân Mỹ Đình, VCK U19 châu Á 2014 và đặc biệt tại Asian Cup 2019 cho thấy, Phượng luôn là cầu thủ tràn đầy năng lượng cũng như sự tự tin mỗi khi gặp Nhật Bản.
Một đồng đội kể, trước trận tứ kết với ĐT Nhật Bản tại Asian Cup 2019, trong đường hầm Phượng bảo: “Anh em cứ tự tin cầm bóng mà chơi. Đứng gần nhau lại phối hợp, có khoảng trống thì cầm bóng mà đi. Đừng sợ, hậu vệ của họ hay nhưng xoay cũng chậm. Tin tui đi, kiểu gì cũng có cơ hội”.
Buổi chiều hôm ấy, các học trò của HLV Park Hang Seo thực sự đã chơi một trận để đời. ĐT Việt Nam chỉ chịu thua đội bóng hàng đầu châu Á trên chấm phạt đền sau cú đá của Ritsu Doan, người mới đây đã được HLV Moriyasu triệu tập gấp gánh hàng công.
Quái lạ, cái kiểu rê dắt “cắm đầu” từng bị chê tơi tả của Công Phượng chính là “ngón đòn” khiến cho các cầu thủ ở hàng phòng ngự Nhật Bản bao phen phải luống cuống. Yoshida, một trung vệ dạn dày kinh nghiệm chinh chiến ở Premier League trong màu áo CLB Southampton (hiện đang chơi ở Sampdoria, Italia) hay tân binh của Arsenal Tomiyasu đã vài lần phải “hít khói” tiền đạo của ĐT Việt Nam.
Hai năm về trước, nếu Công Phượng “ngắm bắn” tốt, có khi đội bóng của HLV Moriyasu phải run rẩy trong hiệp phụ và có thể trên chấm phạt đền. Tối nay gặp lại, chắc chắn Công Phượng sẽ là một trong những cái tên được chăm sóc kỹ càng, bởi Yoshida biết, đội bóng của anh không muốn lặp lại những sai số đã gây ra những “cơn đau tim” cho các CĐV nhà.
Bây giờ người ta chờ xem, Công Phượng có được HLV Park Hang Seo xếp đá chính như 2 năm về trước hay không? Và nhà cầm quân người Hàn sẽ xếp anh đá ở vị trí nào để phát huy sự hiệu quả?.
Ở gặp ĐT Trung Quốc, phải đến phút 85, HLV Park Hang Seo mới sử dụng quyền thay người cuối cùng. Người được tung vào sân không ai khác chính là Công Phượng. Với một cầu thủ, khoảng thời gian 5 phút chính thức phải thể hiện mình thực sự là một thử thách lớn.
Để nóng máy, anh ta phải bật chế độ sẵn sàng chiến đấu rất cao. Anh ta cũng phải thẩm thấu nhanh những truyền đạt của BHL và có kỹ năng tổng hợp, phân tích xem đối thủ mạnh yếu như thế nào. Công Phượng đã làm rất tốt những công việc nói trên và trở thành một mắt xích quan trọng trong cách chơi tấn công của toàn đội.
Công Phượng sắm vai một tiền đạo lệch trái. Anh có thể xuất hiện ở trung lộ hay thực hiện những pha qua người đâm thẳng vào khung thành. Hai dấu ấn đậm nét của Phượng trong 10 phút là 2 pha phối hợp cùng một kịch bản với đồng đội.
Phút 87, Công Phượng đã chuyền bóng để Quang Hải kiến tạo cho Tiến Linh, tiếc rằng cú đá của tiền đạo ĐT Việt Nam lại đi không chính xác. Cũng với một pha bóng tương tự, lần này sau đó 3 phút, Quang Hải đã dọn cỗ để Tiến Linh gỡ hoà 2-2 cho ĐT Việt Nam.
Khoảng thời gian 10 phút xuất hiện của Công Phượng ít nhiều mang đến sự khởi sắc cũng như hiệu quả trên mặt trận tấn công. Đó là lý do tại sao, HLV Park Hang Seo quyết định điền tên anh vào danh sách đá chính trong trận đấu với ĐT Oman.
Theo thống kê, Công Phượng có 30 lần chạm bóng, 17/21 tình huống qua người thành công, chuyền xa chính xác 3/3 lần, tham gia hỗ trợ đánh chặn 6 lần và có 8 lần mất bóng. Trước khi rời sân trong trận thua 1-3 trước Oman, Công Phượng một lần kiến tạo giúp đồng đội dứt điểm đập cột dọc.
Màn trình điễn của Công Phượng không quá tệ nhưng nhiều người cho rằng, nên để anh trở lại băng ghế dự bị. Thật ra, đã từ rất lâu, Công Phượng đã quen với việc đóng “kép phụ”. Ở thời điểm này, HLV Park Hang Seo đang có những sự lựa chọn tốt hơn Phượng. Cho đến khi Văn Đức không có được phong độ tốt, ông Park mới trao cơ hội cho Công Phượng. Cũng vì cái “thói quen” ngồi trên băng ghế dự bị ấy, có cảm giác, Phượng hơi ngợp khi được sắm … kép chính.
Tối nay, ngôi sao từng nhảy múa trước hàng phòng ngự Nhật Bản có mặt trong đội hình xuất phát hay không hãy còn là một ẩn số. HLV Park Hang Seo hẳn biết cách để cậu học trò của mình phát huy được sở trường, sở đoản vốn có.
Bây giờ người ta chờ, cái bản năng “điên điên” của Phượng sẽ bùng nổ. Người ta chờ Phượng chứng minh bản ngã của mình để giành lại những gì đã mất vào tay đồng đội.
Và người ta chờ, mái tóc “điên điên” mà Phượng hay ném lên mạng, không phải là một cú “PR” hình cho bản thân sau những ngày chìm khuất, thay vào đó là sự quyết tâm sắt đá làm mới bản thân, tạo ra sự một sự đột phá trên sân cỏ.
Hãy để những “cơn điên” bùng cháy nào Công Phượng!.
Nhật Thị