"Cơn khát" đất nền tiếp tục kéo dài tại Tp.HCM

"Cơn khát" đất nền tiếp tục kéo dài tại Tp.HCM

Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung

Chủ nhật, 13/03/2022 08:45

Trước tình trạng sụt giảm nguồn cung đất nền kéo dài tại Tp.HCM, các thị trường khu vực lân cận như Long An, Đồng Nai có dịp nổi lên với nguồn cung dồi dào giá rẻ.

Theo Báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 2/2022 của Batdongsan.com.vn, nguồn cung và nhu cầu tìm kiếm/mua đất, đất nền tăng tại hầu hết các tỉnh, mức độ quan tâm ở loại hình bán đất tăng 17% so với tháng 1/2022; bán đất nền dự án cũng tăng tới 15%. Cả lượng tin đăng ở hai loại hình này đều tăng lần lượt ở mức 8% và 6%.

Xét về mức tăng độ quan tâm cao nhất với loại hình đất, đất nền tại các tỉnh thành phải kể đến Lâm Đồng tăng 41%, Khánh Hoà 35%, Đồng Nai 25%.

Ở một số thị trường chính như Hà Nội loại hình bán đất tăng cả về mức độ quan tâm và lượng tin đăng lần lượt là 8% và 2% so với tháng 1/2022. Đà Nẵng có nhu cầu tìm kiếm và lượng tin đăng bán đất lần lượt tăng 32% và 25%. Tại Tp.HCM, mức độ quan tâm đến đất và đất nền dự án tăng lần lượt 19% và 15%; lượng tin đăng ở hai loại hình này cũng tăng 6% so với tháng 1/2022.

Khu vực Tp.HCM và các tỉnh giáp ranh về thị trường đất nền, theo báo cáo của DKRA Vietnam, trong hai tháng đầu năm 2022, thị trường đất nền tại khu vực này ghi nhận có tổng cộng 8 dự án (3 dự án mới và 5 dự án giai đoạn tiếp theo), cung cấp khoảng 1.435 nền, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 968 nền, xấp xỉ 67% tổng nguồn cung mở bán được thị trường đón nhận, cao hơn 34% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn cung mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó thị trường tỉnh Long An vươn lên dẫn đầu thị trường về nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường trong 2 tháng đầu năm. TP.HCM gần như không có nguồn cung loại hình này trong suốt nhiều tháng qua.

Các dự án có quy mô lớn, quy hoạch tiện ích nội khu đa dạng, có vị trí thuận lợi trong việc kết nối với các khu vực xung quanh, với mức giá thực tế được ghi nhận thường có tỉ lệ giao dịch thành công cao.

Thị trường vùng ven tiếp tục chiếm giữ vị thế chủ lực về nguồn cung khi quỹ đất sạch tại Tp. HCM ngày càng khan hiếm. Các dự án pháp lý rõ ràng, hạ tầng hoàn thiện được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.

“Mở giỏ hàng khi dự án chưa hoàn thiện pháp lý, không đủ điều kiện bán hàng dẫn đến việc đóng giỏ hàng là 1 trong những nguyên nhân lớn dẫn đến thất bại của dự án. Giá bán bất động sản ngày càng cao, dẫn đến những người có nhu cầu ở thực càng trở nên khó khăn hơn trong việc sở hữu bất động sản”, DKRA Vietnam nhận định.

DKRA Vietnam khảo sát giá đất nền tại khu vực Tây Ninh giao động thấp nhất khoảng từ 6,1 triệu đồng/m2 và cao nhất khoảng 7,4 triệu đồng/m2.

Tại Đồng Nai ghi nhận có mức giá bán sơ cấp thấp nhất rơi vào khoảng 24,4 triệu đồng/m2 và cao nhất là khoảng 74,1 triệu đồng/m2; Quảng Nam có mức giá sơ cấp khoảng  11 triệu đồng/m2, cao nhất khoảng  52 triệu đồng/m2.

Theo nhận định của DKRA Vietnam, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu mặc cho thị trường trong năm 2021 có xu hướng giảm nhiệt, nhất là những dự án có pháp lý đầy đủ, hạ tầng tiện ích dự án được đầu tư bài bản sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của khách hàng.

Phân khúc đất nền năm 2022 về nguồn cung mới được dự báo có thể tăng trưởng mạnh so với năm 2021 và tập trung chủ yếu ở những thị trường các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Các dự án tập trung chủ yếu ở những khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 9 (cũ),… nhưng phần lớn là những dự án có quy mô nhỏ.

Sức cầu thị trường được dự báo sẽ có sự hồi phục so với năm 2021, tuy nhiên xu hướng tăng chủ yếu chỉ tập trung vào giai đoạn cuối năm 2022. Mặt bằng giá thứ cấp cũng có khả năng cao sẽ duy trì sự ổn định, khá khó để có những biến động tăng mạnh trong năm 2022.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.