Sau khi trở thành cha mẹ, việc tìm hiểu về cách nuôi dạy con khiến cho nhiều người bối rối. Có lẽ nhiều cha mẹ từng rơi vào hoàn cảnh bất lực, buồn bã, tức giận, mất kiểm soát khi đối mặt với những vấn đề của con mình.
Tiến sĩ Lawrence J. Cohen, tác giả cuốn sách "Nuôi dạy con vui vẻ" đã đăng một bài bình luận trên trang web “Tâm lý học Ngày nay” về câu chuyện của một người mẹ mà ông thấy trên Instagram.
Một bà mẹ có nickname mom.ma.g đã chia sẻ cách mình giữ bình tĩnh, đồng cảm trước những vấn đề xảy ra với con gái mình. Trong đoạn video chia sẻ, cảnh một người mẹ bế con đang khóc liên tục lặp đi lặp lại với chính mình sau khi hít một hơi thật sâu:
“- Con không có ý làm mẹ xấu hổ, nó chỉ gặp khó khăn thôi.
- Mình càng bình tĩnh thì mình càng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
- Không có hành vi không phù hợp và con đang cố nói với mẹ điều gì đó quan trọng.
- Nó có thể là một điều rất quan trọng đối với con mình.
- Hãy giúp con, đừng làm tổn thương con. Mẹ có thể làm điều đó”.
5 câu tưởng chừng như đơn giản này lại chứa đựng rất nhiều thông tin và ý nghĩa. Dưới đây là phân tích của tiến sĩ Lawrence J. Cohen về những câu nói này.
1. Con không có ý làm mẹ xấu hổ, nó chỉ gặp khó khăn thôi
Câu nói này có lẽ chỉ những bậc cha mẹ có sự bình tĩnh cao độ trong lúc con đang khóc lóc mới thấu hiểu được như vậy.
Khi trẻ khóc, nổi cơn thịnh nộ hoặc không biết cư xử, người lớn thường cảm thấy bất lực khi không thể “khắc phục” được tình trạng đó ngay lập tức. Và sự bất lực có thể dễ dàng biến thành sự phòng thủ, nơi cha mẹ coi tình huống đó là một mối đe dọa: “Con khiến mình gặp rắc rối, con khiến mình phát điên, con hủy hoại một ngày bình yên của mình”.
Nhưng sự thật là đứa trẻ không có ý gặp rắc rối, điều nó muốn chúng ta biết là nó đang gặp rắc rối.
2. Mình càng bình tĩnh thì mình càng có thể giải quyết vấn đề hiệu quả hơn
Khi xảy ra tình huống như khóc lóc, ăn vạ, nhiệm vụ của cha mẹ là giúp trẻ học được khả năng bình tĩnh. Vì vậy, điều cha mẹ cần là phải bình tĩnh trước con mình. Nhắc nhở bản thân rằng, lý do để bình tĩnh là để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả chứ không phải để dập tắt cảm xúc. Khi đó cha mẹ sẽ dễ dàng vượt qua và bình tĩnh hơn.
Sau nhiều lần gặp thử thách trên con đường nuôi dạy con cái, cha mẹ dường như đã học được bản chất bình tĩnh khi giải quyết vấn đề của trẻ.
3. Không có hành vi không phù hợp, con cố nói điều gì đó quan trọng
Đừng chỉ nhìn vào hành vi trẻ thể hiện, có những điều ẩn chứa đằng sau hành động đó nhưng liệu cha mẹ có hiểu?
Tiến sĩ Lawrence J. Cohen cho rằng, khi trẻ chưa biết nói, cha mẹ có thể khó chịu vì tiếng khóc của chúng nhưng không yêu cầu trẻ nói. Nhưng một khi trẻ đã biết nói, chúng ta thường kỳ vọng chúng sẽ nói hết ra mọi thứ.
Tuy nhiên, trên thực tế có một số cảm xúc hay tình huống đặc biệt người lớn khó diễn đạt bằng lời chứ đừng nói đến trẻ nhỏ? Hành vi đáng lo ngại của một đứa trẻ thực chất là một cách nỗ lực để giao tiếp và cha mẹ cần cố gắng hiểu.
4. Nó có thể là một điều rất quan trọng đối với con
Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời trẻ em cũng sẽ có những nỗi lo không khác gì người lớn.
“Bạn không chơi cùng với con, tại sao bạn có thứ đó mà con không có, con muốn ăn cái này, có cái kia…”, đây có thể là những điều lớn lao trong mắt của trẻ.
Tiến sĩ Lawrence J. Cohen kể: “Có lần con tôi phàn nàn rằng ‘đó là chuyện lớn đối với con’, sau khi tôi nói với nó ‘chỉ là chuyện nhỏ thôi mà’. Tôi không nhớ đó là gì nhưng sau này tôi tự nhắc nhở bản thân không nên đánh giá thấp những gì xảy ra với trẻ. Đối với chúng, đó có thể là một vấn đề quan trọng”.
5. Hãy giúp con, đừng làm tổn thương con. Mẹ có thể làm điều đó
Khi cảm thấy bất lực và không thể giải quyết một tình huống nào đó, cha mẹ có thể vô tình hành động bốc đồng. Hãy giúp con, đừng làm tổn thương con. Mẹ có thể làm điều đó”, có tác dụng rất kỳ diệu khi ngăn cha mẹ nói hoặc làm những điều khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như la hét hoặc giận dữ bỏ đi.
Ngoài việc tự nhủ 5 câu trên, cha mẹ còn nói với con cái: “Mẹ có thể ôm con được không?” “Mẹ biết bây giờ con đang buồn”, “Con có thể khóc.” “Có mẹ ở đây”.
Tiến sĩ Lawrence J. Cohen đề xuất rằng, một cái ôm sẽ kích hoạt toàn bộ quá trình xoa dịu hệ thần kinh. Việc của cha mẹ là quan sát xem con cái đang cảm thấy gì và cho chúng biết mình nhìn thấy điều đó. “Có mẹ ở đây” là thông điệp cơ bản mà mọi đứa trẻ cần được nghe, đặc biệt khi chúng bị choáng ngợp về mặt cảm xúc hoặc có hành vi sai trái.
Việc mắc sai lầm là điều bình thường, dù đó là trẻ em hay cha mẹ. Cha mẹ cũng là con người, con người cũng có lúc mắc sai lầm và sau mỗi lần mắc lỗi chúng ta sẽ trưởng thành một chút. Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ nên phát triển bản thân để củng cố thêm khả năng đồng hành cùng con tiến về phía trước.
Phan Hằng (Theo Ettoday)