Cổng làng trong phố

Cổng làng trong phố

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Cổng làng xưa được xây theo lối truyền thống gồm 1 cửa chính, 2 cửa phụ, hẹp hiên ngang.

Nhắc về cổng làng, người ta thường nghĩ đến những miền quê yên bình gắn liền với sân đình, giếng nước. Thế nhưng, ít ai nhận ra rằng, ngay giữa lòng Hà Nội, nơi xô bồ nhất lại là nơi lưu lại những cổng làng xưa cổ kính.

Người ta thường không bao giờ phá đi xây lại. Bởi nó là ký ức, là dấu tích về nét đẹp Hà thành xưa còn lưu lại. Mỗi làng xây cổng mỗi khác. Đến nay lại khác biệt rõ ràng, bề thế hơn, lộng lẫy và rạng rỡ hơn, chứ chẳng còn vương vấn hình ảnh xưa như những bờ thành dày dặn rêu phong.

Cổng làng xưa là nơi quan sát, mang dáng vóc của một vọng gác. Các cụ nói nhiều khi giặc đến càn là phải đánh trống, đánh kẻng báo động treo sẵn ở cổng làng. Nhiều trận đánh chặn cướp hoặc giặc giã đã xảy ra quyết liệt ở cổng làng. Đó là pháo đài, lô cốt và cửa tử của mỗi làng khi cần phải bảo vệ sự sống làm ăn sản xuất của bà con lối xóm...

Xã hội - Cổng làng trong phố

Cổng làng Yên Phụ mang nét rêu phong cổ kính

Và sẽ ít ai lạ lẫm khi nhắc về cổng Giếng làng Yên Thái nằm ngay gần cuối phố Thụy Khuê, nơi vẫn giữ lại được con đường làng lát gạch nghiêng đỏ au, ngày mưa ngày nắng đều sạch sẽ. Cổng Giếng làng Yên Thái vừa mới được trùng tu, trở thành cổng đẹp vào bậc nhất của Hà Nội. Thụy Khuê được coi là phố có nhiều cổng làng nhất Hà Nội, có lẽ bởi phố này gắn với vùng Bưởi, trước kia là vùng quê ven thành Hà Nội có nghề làm giấy.

Cổng làng xưa được xây theo lối truyền thống gồm 1 cửa chính, 2 cửa phụ. Tiêu biểu cả cổng Nghè, nơi lưu giữ được cây đa cổ thụ tỏa bóng mát xuống cả một khu đất lớn như ôm trọn cánh cổng vào lòng. Hình ảnh ấy thật thuần Việt, thật dịu êm, gợi lên trong tâm thức mỗi người dân một nỗi nhớ nhung, hoài cảm.

Nghe người trong làng kể, ngày xưa cổng chính chỉ được mở vào ngày hội và khi có quan lớn về làng, người dân chỉ đi cổng phụ ở hai bên. Còn giờ đây, cổng làng mở quanh năm, mỗi sáng nơi cổng chính biến thành một phiên chợ nhỏ, mang dáng dấp sinh hoạt của đời sống nông thôn xưa.

Đã trải qua nhiều binh biến, đã có những lần trùng tu, nhưng các công trình này vẫn giữ lại được vóc dáng của riêng mình, thể hiện nét văn hóa riêng khiến nhiều người đi qua còn bồi hồi nhớ về chốn “cây đa, giếng nước, sân đình” của riêng mình.

Có nhà nghiên cứu từng nói rằng, Hà Nội là một cái “làng” lớn, được tạo thành bởi nhiều làng nhỏ. Trong 36 phố phường thì mỗi phố cũng là biểu trưng của một ngành nghề thủ công do người tứ chiếng đem đến tụ họp. Những cổng làng xưa rêu phong cổ kính vẫn còn: Cổng làng Đại Yên có nghề thuốc nam giờ nằm sâu hun hút trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo phải tìm rất lâu mới thấy; cổng làng Vĩnh Phúc nằm thu trên một con ngõ dốc thoai thoải trên đê Hoàng Hoa Thám; cổng làng Thành Công nằm “sát nách” với khách sạn Fortuna sang trọng - nơi dừng chân của nhiều khách quốc tế. Màu tường rêu, nét hoa văn kiến trúc cổng làng thường mang đến nhiều hoài niệm, nhiều thổn thức với những người xa quê, những người con gái bước qua cổng làng mình về làm dâu làng khác.

Trải qua bao đời, cổng làng trở thành hình ảnh thiêng liêng về quê hương, xứ sở, gắn liền với cây đa, giếng nước, với ngôi chùa, đình làng. Và cổng làng đã trở thành một phần hồn quê, tạo nên sức sống và bản lĩnh của làng. Nhờ thế, đất nước ta từng bị giặc chiếm mất, nhưng làng quê thì không bao giờ bị mất, để rồi, từ làng, người Việt ta giành lại đất nước. Ông cha ta thường nói, con người sinh ra có cội có nguồn, và dù ở đâu, mỗi cánh cổng, mỗi căn nhà hay mỗi ngôi làng là nơi cất giữ cho người ta cả một miền ký ức.

Nhật Tân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.