Công nghệ di động 5G: Kẻ 'huỷ diệt' mạng Wifi truyền thống

Công nghệ di động 5G: Kẻ 'huỷ diệt' mạng Wifi truyền thống

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 4, 02/08/2017 07:28

Công nghệ 5G, ngoài việc hỗ trợ phát triển thông tin di động còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện kết nối Internet vạn vật trong nhiều lĩnh vực đời sống của xã hội. Tuy nhiên, để đi từ kỳ vọng đến thực tế, chắc chắn không chỉ là một con đường trải hoa hồng…

Tốc độ mạng 5G sẽ nhanh gấp 60 lần so với 4G

Theo báo cáo mới đây của Ericsson, dự báo công nghệ 5G sẽ có tốc độ phát triển nhanh chóng với khoảng nửa tỷ thuê bao vào năm 2022. Sự phát triển này, hứa hẹn mang lại những cơ hội khác biệt cho con người, doanh nghiệp và xã hội, kèm theo đó là nguồn doanh thu “béo bở” với những mô hình kinh doanh và hình thức sử dụng khác biệt, bao gồm cả các ứng dụng IoT (Internet of Things).

Sự ưu việt của Thế hệ mạng di động thứ 5 hay còn được gọi 5G là không còn bàn cãi với hàng loạt tiện ích như sự linh hoạt, mức tiêu thụ điện năng thấp hơn nhưng lại có dung lượng, băng thông lớn hơn, tính bảo mật cũng như chi phí thiết bị thấp hơn hẳn.

Hiểu đơn giản, nếu mạng 4G cho phép tải một bộ phim 3D trong 6 phút, thì mạng 5G sẽ giúp hoàn thành việc này chỉ trong 6 giây, tức gấp 60 lần. Do vậy, quá trình khai thác mạng thế hệ mới này đồng nghĩa với việc mang đến những cơ hội và hình thức sử dụng mới với những thị trường và mô hình kinh doanh mới mà thậm chí đến nay con người vẫn chưa hình dung ra hết.

Theo các chuyên gia, trọng tâm của việc tạo ra một hệ sinh thái 5G là 5G plug-ins sẽ đưa các chức năng của 5G sớm hơn vào các mạng 4G/LTE hiện có và cho phép lưu lượng cao trong môi trường tải cao như nhà máy, trung tâm mua sắm và tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng vạn vật kết nối (loT) trở thành hiện thực.

Sự kỳ vọng ở 5G sẽ đem đến một bước đột phá mới không chỉ với người dùng cá nhân mà còn góp phần không nhỏ vào các lĩnh vực quản lý xã hội. Theo đó, người dùng cá nhân sẽ dễ dàng truy cập vào các dịch vụ internet mà không bị giới hạn về tốc độ, băng thông cả ở những nơi đông người như các lễ hội, sự kiện thể thao,… Sự trải nghiệm được thể hiện rõ nhất ở các hình thức đa phương tiện như video trực tiếp, voice, hình ảnh chất lượng cao,… Thậm chí, qua internet, không cần phải có mặt tại các sự kiện này, người dùng cũng có thể có được sự trải nghiệm sống động qua công nghệ thực tế ảo.

Đối với các lĩnh vực quản lý xã hội, khi có sự tham gia của mạng 5G, quá trình tự động hóa trên mọi lĩnh vực cũng sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nhờ sự tương tác giữa con người và máy móc trở nên dễ dàng. Đặc biệt trong những lĩnh vực nguy hiểm, độc hại, con người cũng có thể kiểm soát từ xa, từ đó nâng cao hiệu quả và hạ thấp chi phí.

Việc chuyển đổi hướng tới mạng 5G cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy mô hình giao thông vận tải thông minh. Các thành phố, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng giao thông sẽ truyền dữ liệu quản lý theo thời gian thực, dễ dàng nâng cao hiệu quả bảo trì và hoạt động. Các nhà nghiên cứu cũng hi vọng, với công nghệ này, việc phát triển hệ thống xe tự lái, giao thông tự động cũng sẽ được thúc đẩy một cách nhanh chóng. Công nghệ 5G còn giúp giải phóng năng lực và các cơ quan quản lý có thể dễ dàng kiểm soát các dịch vụ cơ sở hạ tầng trọng yếu như giao thông, y tế, giáo dục… với cơ sở dữ liệu lớn hơn gấp nhiều lần.

 

Công nghệ - Công nghệ di động 5G: Kẻ 'huỷ diệt' mạng Wifi truyền thống

Mô hình bãi đỗ xe thông minh ứng dụng loT qua kết nối 5G vừa được trình diễn tại Việt Nam vừa qua.

 

Từ 4G “hóng” 5G…

Trước những kỳ vọng về sự đột phá của công nghệ mạng 5G, nhiều chuyên gia tại Việt Nam cũng sớm bày tỏ sự băn khoăn khi công nghệ này được ứng dụng trong tương lai gần.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc an ninh mạng trung tâm Athena chia sẻ, công nghệ 5G là một xu hướng tất yếu khi mà cuộc cách mạng 4.0 đang được đẩy mạnh ở Việt Nam. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng di động hiện nay tại Việt Nam thì còn có những vấn đề cần phải giải quyết trước khi 5G chính thức đi vào sử dụng.

“Công nghệ mới đương nhiên tốt và ưu việt hơn cái cũ. Tuy nhiên có đảm bảo là mạng sẽ thông suốt hay không mới là vấn đề cần bàn cãi. Trước đây cũng đã xảy ra nhiều trường hợp người dùng ở một số nơi có lượng truy cập cao như tại các lễ hội, nơi đông người sử dụng mạng 3G, cáp quang bị nghẽn mạng cục bộ, bị “thắt nút cổ chai”, không truy cập mạng được. Đặc biệt, khi mạng 5G được đưa vào thực tế, nhu cầu về video, thoại, game trực tuyến,…với tốc độ cao và băng thông rộng sẽ tăng lên rất nhiều. Nếu các nhà mạng không đáp ứng được, không đồng bộ nâng cấp đủ thì tình trạng như với 3G chắc chắn cũng sẽ diễn ra. Lúc này, ý nghĩa của 5G cũng sẽ không còn”, ông Thắng thể hiện sự hoài nghi.

Ở một góc nhìn lạc quan hơn, ông Hoàng Viết Tiến, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam lại cho rằng, khi phát triển các công nghệ mới, đương nhiên các nhà mạng sẽ có sự đầu tư tương xứng. Hiện nay, thực tế với mạng 4G, dung lượng người dùng cũng chưa vượt quá được 70-80% dung lượng cho phép. Vì vậy, để rơi vào tình trạng “quá tải” thì sẽ rất khó.

Cũng theo ông Tiến, khi mạng 5G phát triển thì đồng loạt các yếu tố khác có liên quan cũng sẽ được đẩy mạnh. Đặc biệt là mảng nội dung tạo nên sự khác biệt như mảng video trực tuyến. Khi tốc độ đường truyền tăng, lượng download và upload dữ liệu cũng sẽ nhanh, nhiều hơn, đặc biệt là mặt truyền hình, quảng cáo truyền hình, quảng cáo video… Vì vậy, tiềm năng cho các nhà mạng lớn, đồng nghĩa với sự cạnh tranh trong ngành cũng nhiều hơn. “Sau cùng, người được lợi nhất sẽ vẫn là người dùng”, ông Tiến cho biết thêm.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa bắt đầu với nền tảng là những công nghệ người máy, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nano, điện toán lượng tử, sinh học, Internet cho vạn vật (IoT), in 3D, xe tự lái,… Mạng 4G chắc chắn sẽ bị đuối trước nhu cầu cung cấp kết nối cho mọi vật, chẳng hạn như những chiếc xe không người lái. Và công nghệ di động 5G với đặc trưng hỗ trợ AI và IoT chính là một thành tố của nền tảng công nghiệp 4.0. Mạng 5G sẽ thay đổi bộ mặt Internet, đem lại những lợi ích không thể hình dung nổi cho việc kết nối Internet.

Mong rằng các nhà mạng di động trong khi triển khai phủ sóng 4G cũng cần nhìn xa trông rộng hơn nữa, sớm dọn đường cho công nghệ 5G mà chắc chắn sẽ phải có mặt nhanh hơn so với từ 3G lên 4G.

Đ.Huệ

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.