Có thể khởi tố nếu phát hiện vi phạm
Như Người Đưa Tin Pháp Luật đã đưa, anh Hoàng Trọng D., SN 1981, ngụ phường Thuỷ Xuân, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tử vong khi đang làm việc tại công trình căn hộ, khách sạn Condo 2, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng.
Gia đình rất bức xúc về việc sau khi bị tai nạn, anh D. được bỏ lên xe Grab đưa thẳng về nhà. Họ nghi ngờ trong vụ việc này có điều khuất tất.
Công an quận Ngũ Hành Sơn thông tin, chủ đầu tư, đơn vị thi công không trình báo sự việc với cơ quan chức năng.
Liên quan đến sự việc, luật sư Phạm Ngọc Hải, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cho hay, theo quy định tại Điều 34, Điều 35 luật An toàn vệ sinh lao động 2015, khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người, người phát hiện phải có trách nhiệm khai báo ngay với UBND xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn lao động.
Trong trường hợp này, người sử dụng lao động, người phát hiện ra tại nạn lao động phải có nghĩa vụ báo cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc tai nạn lao động.
Người sử dụng lao động chưa thực hiện nghĩa vụ khai báo nêu trên thì có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 20 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Với hành vi Không điều tra tai nạn lao động thuộc trách nhiệm theo quy định của pháp luật; không khai báo hoặc khai báo sai sự thật về tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, mức phạt tiền sẽ từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng.
Thi thể nạn nhân được đưa về gia đình gần như ngay lập tức mà chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều tra về tai nạn lao động của cơ quan chức năng, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu hình sự.
Trong vụ việc này, trên cơ sở những thông tin về vụ tai nạn lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, tiến hành điều tra tai nạn lao động, làm rõ những dấu hiệu bất thường nêu trên.
Đồng thời xử lý hành chính đối với người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ thông báo về vụ tai nạn lao động.
“Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự phải chuyển hồ sơ để cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật”, luật sư Hải nói.
Thiếu tình người
Trong khi đó, trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, đoàn Luật sư TP.Hà Nội chia sẻ: “Thái độ ứng xử của công ty nơi anh D. làm việc đối với người lao động như vậy là thiếu tình người”.
Theo luật sư Cường, hành vi chở thi thể nạn nhân từ hiện trường vụ tai nạn về nhà nạn nhân như vậy là thiếu tôn trọng, không phù hợp với văn hóa, đạo đức, truyền thống của người Việt Nam.
Cơ quan chức năng cần làm rõ quá trình vận chuyển thi thể, những người này có hành vi xâm phạm thi thể hay không?
Nếu hành vi xâm phạm thì thể như quăng quật, coi thường xác của nạn nhân đến mức nghiêm trọng thì hành vi này có thể xem xét về tội Xâm phạm thi thể theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ sự việc tai nạn lao động xảy ra như thế nào? Đơn vị thi công có thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn lao động cho người lao động hay không?
Người lao động tuyển dụng đúng chuyên môn hay không? Có hợp đồng hay không? Có được tập huấn về nghiệp vụ hay không? Có dụng cụ bảo hộ lao động hay không? Việc thi công công trình có đảm bảo điều kiện an toàn?...
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đơn vị thi công vi phạm quy định về đảm bảo an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần tạm đình chỉ thi công công trình này để đảm bảo an toàn.
Đồng thời, người có chức trách, nhiệm vụ trong đối với công trình này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đơn vị thi công không đảm bảo an toàn lao động dẫn đến hậu quả tai nạn chết người thì người có trách nhiệm trong vụ việc này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù theo quy định.
Đồng thời, hành vi coi thường tính mạng, sức khỏe của người lao động cũng sẽ là căn cứ để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi vi phạm trong vụ việc.
“Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm hay không? Vi phạm đến đâu? và áp dụng chế tài nào để xử lý thì cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh làm rõ thì mới có cơ sở để kết luận và giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật”, luật sư Cường nhận định.
Giấu công an, lén chở khỏi công trình
Theo báo cáo của Công an quận Ngũ Hành Sơn, khoảng 14h30 ngày 24/5, khi đang cùng một nhóm thợ tiến hành thi công phần điện của tầng 16 công trình xây dựng nêu trên, anh Hoàng Trọng D. (công nhân thuộc nhà thầu Mecoco) bị té ngã, rơi xuống đất, tử vong tại chỗ.
Sau đó, những người thợ cùng nhóm phát hiện nhưng không báo cho chính quyền địa phương mà gọi xe ô tô dịch vụ Grab đưa thi thể anh D. về nhà tại phường Thủy Xuân, TP.Huế để gia đình lo mai táng.
Gia đình anh D. báo cáo Công an TP.Huế về sự việc nêu trên.
Xét thấy địa điểm xảy ra không thuộc thẩm quyền của mình nên sau khi tiến hành ghi lời khai ban đầu của những người đưa nạn nhân anh D. về, đến 21h cùng ngày, Công an TP.Huế báo cho Công an quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục xác minh làm rõ.
Ngay trong đêm 24/5, lãnh đạo cơ quan CSĐT Công an quận Ngũ Hành Sơn phân công lực lượng thành lập đoàn công tác, gồm điều tra viên, kỹ thuật hình sự, kiểm sát viên, giám định viên trung tâm Pháp y TP.Đà Nẵng, trực tiếp đến phường Thuỷ Xuân, TP.Huế tiến hành công tác khám nghiệm tử thi.
Xác minh ban đầu anh D. tử vong do đa chấn thương.
Do chủ đầu tư, chủ thầu sau khi xảy ra sự việc không thông báo cho cơ quan chức năng nên đến 25/5, cơ quan CSĐT Công an quận Ngũ Hành Sơn, VKSND quận phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường.
Người Đưa Tin Pháp Luật sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.