Cộng sự lâu năm tiết lộ về phút cuối đời của nhà văn Kim Dung

Cộng sự lâu năm tiết lộ về phút cuối đời của nhà văn Kim Dung

Thứ 4, 31/10/2018 | 10:21
0
"Lúc đó, ông ấy đang nghe người thân trò chuyện qua điện thoại. Cứ như thế, ông nhắm mắt, miệng còn vương nụ cười", nhà văn Đào Kiệt chia sẻ.

Cứ như thế, Kim Dung nhắm mắt, miệng còn vương nụ cười…

Trên trang cá nhân, nhà văn, nhà báo Đào Kiệt - cộng sự lâu năm của Kim Dung - tiết lộ tác giả mất vào khoảng 16h30 (giờ Hong Kong) ngày 30/10. "Lúc đó, ông ấy đang nghe người thân trò chuyện qua điện thoại. Cứ như thế, ông nhắm mắt, miệng còn vương nụ cười", Đào Kiệt chia sẻ.

Tuần trước, Đào Kiệt thăm Kim Dung ở bệnh viện. Ông dùng tiếng địa phương Thượng Hải kể cho bạn nghe tình hình thời sự thế giới. "Lúc đó mắt Kim Dung vẫn sáng. Ông nắm tay tôi, tôi nói cho ông hôm nay ngày nào tháng nào, Trung Quốc và Mỹ xảy ra chuyện gì. Kim Dung chăm chú lắng nghe như một đứa trẻ ngây thơ". Hôm 29/10, Đào Kiệt đến bệnh viện nhưng nhà văn đang ngủ. "Sắc mặt ông vẫn tốt, tôi đã nghĩ ông còn có thể sống thêm vài tuần", nhà văn Đào Kiệt viết.

Sự kiện - Cộng sự lâu năm tiết lộ về phút cuối đời của nhà văn Kim Dung

Nhà văn Đào Kiệt (trái) và nhà văn Kim Dung.

Theo Mingpao, những năm gần đây Kim Dung không thể nói năng. Tờ này ví ông như những nhân vật chính trong các tiểu thuyết của mình: "tung hoành một thời, lặng lẽ ẩn quy". Kim Dung phải ngồi xe lăn, hiếm khi ra ngoài, ít gặp gỡ bạn bè. Khi còn minh mẫn, ông đọc sách, chơi cờ nhưng thời gian sau trí tuệ giảm sút. Trên Appledaily, một nguồn tin cho biết nhiều lúc Kim Dung không nhận ra ai ngoài vợ - Lâm Nhạc Di. Khi nhà văn Lâm Yến Ni - đàn em thân thiết của ông - qua đời hồi tháng 6, Kim Dung gửi vòng hoa song không thể đến viếng vì sức khỏe không cho phép.

Theo QQ, gia đình Kim Dung muốn cử hành tang lễ riêng tư, quy mô nhỏ, sau đó sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ dành cho những độc giả yêu mến ông. Nhà văn có ba người con là Tra Truyền Thi, Tra Truyền Thích và Tra Truyền Nột. Con gái út Truyền Nột là họa sĩ. Cô từng tiết lộ sống ở Hong Kong để tiện chăm sóc bố. Chị cả Truyền Thi định cư ở Canada, có ba người con trong khi con trai thứ Tra Truyền Thích sống ở Thâm Quyến, làm trong lĩnh vực ẩm thực.

Tra Truyền Nột cho hay Kim Dung không phản đối khi cả ba đều không theo nghiệp văn chương. Nhà văn nhiều lần nói tự hào về các con, dặn con làm điều mình muốn chứ không nên bắt chước ông. "Nhà họ Tra không cần có thêm một tiểu thuyết gia. Cũng như nhiều người, tôi vô cùng ngưỡng mộ tác giả Kim Dung. Khác ở chỗ, tôi vui vẻ làm cô gái bé bỏng dưới nách của đại hiệp", Tra Truyền Nột nói trên HSB.

Họa sĩ cho biết cha cô không thích để người khác viết tự truyện cho mình, vì các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp chính là cuộc đời nhà văn. Mỗi tiểu thuyết ông xuất bản đều thể hiện trải nghiệm cuộc đời cùng tư tưởng của Kim Dung.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - trưởng đặc khu hành chính Hong Kong - chia buồn với gia đình Kim Dung đồng thời ca ngợi ông học vấn uyên bác, khẳng định Kim Dung có cống hiến to lớn đối với văn hóa Trung Hoa.

Một đời thành công của "địa hiệp" Kim Dung

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 trong một gia đình danh gia vọng tộc tại Chiết Giang (Trung Quốc). Có sự giáo dục tốt từ nhỏ, Kim Dung sớm bộc lộ mình là một thiên tài ngay khi còn ngồi trên ghế trường trung học.

8 tuổi, Kim Dung đọc tiểu thuyết kiếm hiệp. 15 tuổi, ông cùng 2 người bạn xuất bản một cuốn sách - sau này bán rất chạy tại Trung Quốc - mang tên Dành cho người thi vào sơ trung với những kinh nghiệm học tập và thi cử.

Thời đi học của Kim Dung trải qua không ít biến cố khi ông từng phải chuyển trường vì là cái gai trong mắt chủ nhiệm ban huấn đạo, bị đuổi học vì viết thư tố cáo bê bối của Học viện Chính trị Trung ương.

Sự kiện - Cộng sự lâu năm tiết lộ về phút cuối đời của nhà văn Kim Dung (Hình 2).

Kim Dung thời trẻ.

Năm 31 tuổi, Kim Dung bắt đầu con đường sáng tác tiểu thuyết kiếm hiệp, mở đầu là Thư Kiếm Ân Cừu Lục ra mắt trên New Evening Post của Hong Kong với bút danh Kim Dung trở thành hiện tượng.

Được xem là nhà văn viết tiểu thuyết kiếm hiệp xuất sắc nhất, Kim Dung có nhiều tác phẩm để đời như Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, Lộc đỉnh ký, Thiên long bát bộ... Nhiều tiểu thuyết của ông được dựng thành phim, trở thành bệ phóng cho nhiều cái tên diễn viên như Lưu Đức Hoa, Lý Nhược Đồng, Lưu Diệc Phi...

Kim Dung là một nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại, được đông đảo độc giả trên thế giới đón nhận và sách của ông được in hơn 300 triệu bản, phát hành khắp nơi trên thế giới.

Không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ trên văn đàn Trung Quốc, Kim Dung còn là người sáng lập tờ Minh Báo - một tờ báo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở Hong Kong. Cùng Chu Mai - người vợ thứ 2, Kim Dung đã gây dựng nên một tờ báo lớn từ con số 0.

Sinh thời, Kim Dung là chủ nhân của nhiều giải thưởng lớn trong đó có huân chương Tử kinh năm 2000, Thành tựu trọn đời cho nghệ sĩ người Hoa có tầm ảnh hưởng thế giới vào năm 2008 và cũng là bậc tông sư văn học vĩ đại của Trung Quốc.

Những kỷ lục của phim võ hiệp Kim Dung

Là một kho tàng đồ sộ đóng vai trò quan trọng trong văn đàn Trung Quốc, truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung là các tác phẩm chiếm lĩnh thị trường chuyển thể từ sách lên màn ảnh. Trang KK News của Đài Loan ghi nhận, tới tháng 3/2018, trong số năm bộ tiểu thuyết được dựng thành phim nhiều nhất, có tới bốn tác phẩm thuộc về Kim Dung, bao gồm Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệp, Ỷ Thiên Đồ Long ký và Anh hùng xạ điêu. Tác phẩm còn lại là Tây du ký của nhà văn Ngô Thừa Ân.

Cuốn truyện dựng thành phim nhiều nhất đó là Thần điêu đại hiệp – thiên truyện võ hiệp, ngôn tình kết hợp dã sử xoay quanh hai nhân vật chính Dương Quá và Tiểu Long Nữ, nối tiếp Anh hùng xạ điêu và có nhiều chi tiết liên quan tới Ỷ Thiên Đồ Long ký sau này. Đến nay, tác phẩm đã được dựng thành phim 15 lần.

Phiên bản đầu tiên của Hong Kong dài 4 tập, sản xuất trong giai đoạn 1960-1961, do tài tử Tạ Hiền và minh tinh Nam Hồng đóng chính. Phiên bản mới nhất trình chiếu năm 2018, dài 50 tập, do nam diễn viên Đồng Mộng Thực và nữ diễn viên Mao Hiểu Tuệ đóng chính. Ngoài ra trong tháng 10 vừa qua, đạo diễn Từ Khắc cũng khởi động dự án điện ảnh Thần điêu đại hiệp và tiến hành tìm kiếm diễn viên. Khi ra mắt vào năm 2019, đây sẽ là bản phim thứ 16.

Sự kiện - Cộng sự lâu năm tiết lộ về phút cuối đời của nhà văn Kim Dung (Hình 3).

Nghệ sĩ Tần Hoàng ngoài đời và khi vào vai Châu Bá Thông.

Nam nghệ sĩ gạo cội Hong Kong Tần Hoàng là người nắm kỷ lục tham gia nhiều phim chuyển thể từ truyện võ hiệp của nhà văn Kim Dung nhất, với 20 tác phẩm truyền hình. Sở hữu thân hình mập mạp, gương mặt hóm hỉnh và lối diễn hài duyên dáng, ông tạo nên thương hiệu vàng khi hóa thân thành Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông, mang đến nhiều tiếng cười. Ông từng thể hiện vai diễn này thành công trong hai phim Thần điêu đại hiệp bản 1976 và 1983, hai phim Anh hùng xạ điêu bản 1976 và 1983.

Ông cũng từng hóa thân xuất sắc thành nhân vật Mậu Thập Bát trong hai phiên bản Lộc đỉnh ký 1984 và 1998; đảm nhận vai diễn Triệu Bán Sơn trong Thư kiếm ân cừu lục năm 1987 và ba bản phim Tuyết sơn phi hồ vào các năm 1978 – 1985 – 1999. Ngoài ra, ông còn có nhiều vai diễn khác trong dòng chảy phim võ hiệp Kim Dung, đều do đài TVB sản xuất.

Sự kiện - Cộng sự lâu năm tiết lộ về phút cuối đời của nhà văn Kim Dung (Hình 4).

Hình tượng Cô Ngốc của Trần An Oánh khó ai vượt qua.

Thay vì một nhan sắc nổi tiếng đóng các vai chính, diễn viên chuyên dòng vai phụ của phim TVB Trần An Oánh là gương mặt nữ xuất hiện nhiều lần nhất trong phim chuyển thể từ truyện của Kim Dung. Chị lưu lại dấu ấn khó phai nhất với hình tượng Cô Ngốc khờ dại có mối liên quan mật thiết tới cuộc đời của Dương Quá, trong các phim Anh hùng xạ điêu 1983, Thần điêu đại hiệp 1983 và Thần điêu đại hiệp 1995.

Chị cũng được tác giả Kim Dung đánh giá là người thể hiện chuẩn mực nhất vai diễn Thiên Sơn Đồng Lão – nữ hiệp lão niên mang gương mặt trẻ mãi không già trong Thiên long bát bộ do TVB sản xuất năm 1997. Ngoài ra, Trần An Oánh còn góp mặt trong sáu phim khác cải biên từ tiểu thuyết Kim Dung.

Ngọc Anh (tổng hợp)

 

 

Tiết lộ bí mật về nàng Tiểu Long Nữ trong "Thần điêu đại hiệp" của nhà văn Kim Dung

Thứ 4, 31/10/2018 | 07:54
Nghê Khuông, nhà văn nổi tiếng của Hồng Kông, bạn thân của Kim Dung tiết lộ Kim Dung đã xây dựng hình tượng nhân vật Tiểu Long Nữ trong Thần điêu đại hiệp dựa trên cô con gái út của ông là Tra Truyền Nột ( SN 1963).

Nhà văn kiếm hiệp huyền thoại Kim Dung trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 94

Thứ 3, 30/10/2018 | 20:32
Nhà văn Kim Dung, cây đại thụ hiếm hoi trong văn học kiếm hiệp Hoa ngữ đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 94 sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương cho đông đảo độc giả thế giới.
Cùng tác giả

Bí quyết thu hút "nửa kia" của cô nàng có chồng "bước ra từ ngôn tình"

Thứ 6, 01/10/2021 | 20:18
Đừng vội vàng với những điều tạm bợ bạn, vì bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp nhất.

Cua lại vợ bầu: Phụ nữ, nếu chọn nhầm hãy chọn lại!

Thứ 6, 15/02/2019 | 08:03
Sau khi xem bộ phim Việt làm mưa làm gió tại các phòng chiếu và đọc bài viết “Cua lại vợ bầu” hay “Câu lại vợ bừa”, tôi nghĩ mình cần phải đáp trả một vài quan điểm.

Những người thầy đi qua đời tôi: Dì ghẻ

Thứ 6, 17/11/2017 | 16:06
20/11 là ngày mọi thế hệ học trò tri ân thầy cô của mình. Tôi cũng vậy, tôi dành nguyên ngày 20/11 để ở bên “người thầy đầu tiên” cũng là người mẹ thứ hai của mình.

Món ngon mỗi ngày: Công thức tự làm tương ớt cay, ngon chuẩn vị

Chủ nhật, 22/10/2017 | 09:00
Để làm được món tương ớt cay, ngon chuẩn vị ngay tại nhà, bạn chỉ cần chuẩn bị và làm theo công thức sau...

Món ngon mỗi ngày: Cách làm thịt gà rang lá chanh thơm phức, đưa cơm

Thứ 6, 29/09/2017 | 08:30
Thịt gà rang lá chanh là món dễ làm, dễ "lấy lòng" người thưởng thức. Nếu bạn chưa biết hôm nay ăn gì thì hãy làm ngay món này để "cứu cánh" nhé.