Trước thông tin viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam yêu cầu công ty cổ phần Dược phẩm Vinh Gia thay đổi tên thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR-C để tránh hiểu nhầm cho người tiêu dùng, chiều 14/8, trả lời PV Người Đưa Tin Pháp luật, người phụ trách nhãn hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR C của Dược phẩm Vinh Gia cho biết: “Ngày 13/8, viện Công nghệ sinh học – viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và công ty cổ phần Dược phẩm Vinh Gia đã có buổi làm việc và đưa ra thống nhất. Hai bên tiếp tục hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm thuốc thử nghiệm VIPDERVIR điều trị Covid-19 ở giai đoạn lâm sàng”.
Vị phụ trách nhãn hàng của công ty Dược phẩm Vinh Gia chia sẻ thêm: “Hiện nay, công ty cổ phần Dược phẩm Vinh Gia đang có thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR C. Để tránh nhầm lẫn, công ty cổ phần Dược phẩm Vinh Gia sẽ đổi tên sản phẩm VIPDERVIR C”.
Trước đó, như Người Đưa Tin Pháp luật đã đưa, ngày 10/8, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam họp báo công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc VIPDERVIR điều trị Covid-19. Tuy nhiên, sau đó trên mạng xã hội chia sẻ một sản phẩm thực phẩm chức năng trùng đúng tên VIPDERVIR, giống cả thiết kế chỉ thêm mỗi chữ C.
Về điều này, ngày 12/8, viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có ý kiến, cho biết trên một số trang tin điện tử có ý kiến khác nhau về sản phẩm thuốc thử nghiệm VIPDERVIR và thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR-C do công ty cổ phần Dược phẩm Vinh Gia sản xuất và quảng cáo.
“Về việc này, Viện Công nghệ sinh học đã ban hành công văn số 421/CHSH ngày 12/8/2021 nêu rõ việc công ty cổ phần Dược phẩm Vinh Gia đơn phương sản xuất, đăng ký lưu hành thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR-C là không đúng với nội dung hợp đồng Hợp tác công nghệ sản xuất (chế phẩm VIPDERVIR) ký ngày 20/3/2020 giữa Viện Công nghệ sinh học và công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia; yêu cầu Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia thay đổi tên thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR-C để tránh hiểu nhầm cho người tiêu dùng”, phía viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết.
Trao đổi với PV, Ths, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết:
Tên thuốc, tên thực phẩm chức năng đều thuộc sở hữu trí tuệ. Theo đó, tên sản phẩm nào đã được đăng ký và công bố trước thì sẽ được bảo hộ. Còn sản phẩm nào mới đang trong giai đoạn nghiên cứu thì sẽ phải đổi tên khi công bố.Trong trường hợp giữa cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp có thỏa thuận về hợp tác và sản xuất ra một loại thuốc mà loại thuốc đó chưa được công bố, chưa được đưa vào sử dụng. Trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm chưa thành công mà doanh nghiệp lại đăng ký một loại thực phẩm chức năng có tên tương tự thì đơn vị nghiên cứu có thể yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi lại tên gọi sản phẩm thực phẩm chức năng đó theo thỏa thuận giữa các bên. Trường hợp không thỏa thuận được thì loại thuốc điều trị covid-19 này nếu thành công thì phải lấy tên khác để tránh nhầm lẫn.
Thanh Lam