Covid-19 có phải "điều kiện bất khả kháng" để hoãn trả nợ ngân hàng?

Covid-19 có phải "điều kiện bất khả kháng" để hoãn trả nợ ngân hàng?

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Chủ nhật, 17/10/2021 08:00

Dù không có nguồn thu do ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn đang phải gồng mình trả lãi ngân hàng mỗi tháng.

Gồng mình trả lãi ngân hàng

Hơn một năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành là chừng ấy thời gian hàng loạt doanh nghiệp lao đao, khốn khó. Không chỉ sản xuất bị thu hẹp mà hàng hóa cũng ứ đọng… khiến doanh thu sụt giảm. Để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp phải “gồng” mình gánh thêm nhiều khoản từ công tác phòng dịch, xét nghiệm, trả lãi ngân hàng.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Đoàn Văn Vinh kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cho biết doanh nghiệp của ông vay ngân hàng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Dịch Covid-19 khiến dự án nhà ở của ông phải dừng lại, thiệt hại vô cùng lớn song doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân hàng.

“Suốt thời gian dài qua, doanh nghiệp của tôi vẫn phải trả lãi và gốc đều đặn cho ngân hàng, chúng tôi cũng mong mỏi phía ngân hàng có thể xem xét tình hình dịch bệnh Covid-19 như một điều kiện bất khả kháng để tạm ngừng thu nợ, giảm tải một phần gánh nặng cho doanh nghiệp chúng tôi”, ông Vinh chia sẻ.

Không chỉ doanh nghiệp, nhiều người mua nhà trả góp như anh Nguyễn Văn Thịnh (34 tuổi, ở phường Đức Giang, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) - kinh doanh tự do cho biết: “Gần 2 năm vướng phải dịch bệnh, công việc bấp bênh, bản thân tôi lo chạy ăn từng bữa chưa xong còn phải lo khoản nợ hơn 10 triệu đồng cả gốc lẫn lãi trả góp cho ngân hàng. Những tưởng dịch bệnh, phía ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ trả chậm hoặc giảm lãi cho người vay nhưng thực tế tôi vẫn phải đóng đủ và đóng đều hàng tháng”.

Cần "bàn tay" của Nhà nước

Trước nguyện vọng cho rằng có thể áp dụng điều kiện bất khả kháng như đại dịch Covid-19 để yêu cầu ngân hàng ngừng thu nợ, quan điểm của Luật sư Nguyễn Kim Ngân – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Dịch Covid-19 không đương nhiên tạo ra tình huống bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm của những người có nghĩa vụ nhưng không thể hoàn thành nghĩa vụ.

Nghị quyết 447 về việc công bố dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ không có nghĩa là tất cả các nghĩa vụ không hoàn thành đều được coi là bất khả kháng, mà phải rà soát từng trường hợp cụ thể theo 3 yếu tố: Thứ nhất, là yếu tố khách quan của người đang vi phạm một nghĩa vụ nào đó; thứ hai, là không thể lường trước được; thứ ba, là bản thân người vi phạm đó đã làm tất cả mọi điều trong khả năng của mình nhưng vẫn không khắc phục được.

“Theo tôi, việc đầu tiên là các bên nên ngồi lại với nhau để thương lượng. Trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung thì có thể nhờ đến các cơ quan như tòa án hoặc tòa trọng tài, các tổ chức hòa giải để hòa giải, phân xử”, Luật sư Ngân nêu quan điểm.

Góc nhìn luật gia - Covid-19 có phải 'điều kiện bất khả kháng' để hoãn trả nợ ngân hàng?

Nhiều người dân, doanh nghiệp đang đứng trước sức ép không thể trả lãi ngân hàng. Ảnh minh hoạ

Cùng trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm, cần kiểm tra lại hợp đồng giao kết giữa các bên, nếu trong hợp đồng có quy định về điều kiện bất khả kháng thì hai bên phải thỏa thuận lại về điều kiện này.

Tuy nhiên, việc ngân hàng giảm bao nhiêu, có ngừng thu nợ ngân hàng hay không lại phải tuân thủ theo sự chỉ dẫn của Nhà nước để tránh những rủi ro cho phía ngân hàng.

Nói rõ hơn về nội dung này, theo Luật sư Vinh bày tỏ: "Giữa ngân hàng và khách hàng đã ký kết hợp đồng vay rồi tự ý thay đổi các điều khoản có lợi cho người vay mà làm phương hại cho Nhà nước thì vấn đề này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh việc ngân hàng vi phạm pháp luật. Do vậy mới nói, vấn đề này cần thiết phải có “bàn tay” điều chỉnh, chỉ đạo của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi hài hòa của hai bên".

Theo luật sư, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo chung, có một loạt biện pháp để giảm nhẹ khó khăn nhiều mặt, trong đó có khó khăn về tài chính cho người dân, doanh nghiệp và người lao động. Trong những biện pháp đó bao gồm ngân hàng có thể giảm, giãn nợ, giảm lãi suất…

Luật sư Vinh tin tưởng: “Nhà nước cũng đang nghiên cứu và tùy theo tình hình dịch bệnh sẽ có những biện pháp phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.