Làn sóng mới rõ ràng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ đã khiến lần đầu tiên sau nhiều tuần số ca Covid-19 toàn cầu tăng trở lại, song song với sự lan rộng của một biến chủng được lưu tâm đặc biệt.
Theo báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rạng sáng 17/11 (giờ Việt Nam), tuần qua cả thế giới ghi nhận 2,345 triệu ca Covid-19 mới, tăng nhẹ 2% so với tuần lễ trước đó. Tin mừng là số ca tử vong giảm tận 30%, chỉ còn 7.457 ca.
Đợt dịch lần này điểm nóng tiếp tục là Tây Thái Bình Dương, đây cũng là khu vực mà WHO xếp Việt Nam vào. Tuần qua khu vực này có 1,163 triệu ca Covid-19 mới, tăng 18% và cũng là mức tăng lớn nhất trong 6 khu vực của WHO. Số ca tử vong tăng 14%, tương đương 643 ca.
Đặc biệt, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tiếp tục là 3 nước chiếm phần lớn số ca của cả khu vực, lần lượt là hơn 503.000 ca, gần 356.000 ca và gần 172.000 ca. So với tuần trước thì Nhật tăng 25%, Hàn Quốc tăng 18% và Trung Quốc giảm 22%.
Cụ thể, Nhật Bản và Hàn Quốc được WHO thể hiện trên bản đồ tỉ lệ ca mắc trên dân số bằng màu đỏ sậm nhất, tức trên 300 ca đang lưu hành trên mỗi 100.000 dân. Trung Quốc tuy số ca lớn nhưng dân số lớn nên chỉ mới bị tô màu vàng sậm (10-50 ca trên 100.000 dân). Tuy nhiên, theo các báo cáo trong nước cũng ghi nhận số ca tăng trong những ngày gần đây nhưng khi so sánh với các quốc gia khác, Việt Nam vẫn được WHO thể hiện với màu vàng nhạt nhất (dưới 10 ca/100.000 dân), tức thuộc nhóm nước có số ca mắc mới ít nhất trên thế giới.
Một số nước châu Á ở khu vực Thái Bình Dương khác là Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei đã mang màu sắc đậm hơn trên bản đồ tỉ lệ ca mắc mới tuần này, bao gồm 2 nước đầu tiên với màu cam (50-100 ca mới/100.000 dân), 2 nước còn lại màu vàng sậm giống Trung Quốc.
Trên bản đồ tỉ lệ tử vong, hầu hết khu vực này - bao gồm Việt Nam được thể hiện với màu xanh lá cây nhạt nhất (dưới 0,5 ca tử vong/100.000 dân), ngoại trừ Hàn Quốc và Úc tô đậm hơn một chút (0,51 đến 1,5 ca tử vong/100.000 dân).
Khu vực có số ca cao thứ 2 thế giới là châu Âu với gần 697.000 ca mới, tuy nhiên đã là mức giảm sâu 21% so với tuần trước dù một số nước còn bị tô đậm với các sắc độ từ cam đến đỏ sậm trên bản đồ tỉ lệ mắc.
Khu vực có số ca cao thứ 3 là châu Mỹ với hơn 418.000 ca mới, trong đó riêng Mỹ đã chiếm 282.000 ca. Ba khu vực còn lại của WHO (Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải và châu Phi) ghi nhận số ca không đáng kể, chỉ vài ngàn đến vài chục ngàn cho cả khu vực.
Hiện nay tâm lý lơ là, chủ quan của một bộ phận người dân cùng các yếu tố như mùa đông lạnh giá đang đến gần, các biện pháp phòng dịch được nới lỏng là nguyên nhân khiến dịch Covid-19 có thể lây lan mạnh. Khi "bóng ma" Covid-19 vẫn còn quanh quẩn, các quốc gia cần thúc đẩy kế hoạch ứng phó các đợt bùng phát mới, đồng thời sẵn sàng ứng phó bất kỳ đại dịch nào khác xuất hiện trong tương lai.
Để phòng tránh dịch bùng phát, cơ quan y tế các nước này đều cho rằng, tiêm chủng vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để đối phó với làn sóng dịch mới, các cơ quan này cũng thông qua nhiều phương tiện truyền thông và mạng xã hội, khuyến khích người dân nên đi tiêm chủng các mũi tăng cường và tiêm chủng cho trẻ em để đảm bảo phòng dịch.
Trúc Chi (theo Người Lao Động, VTV)