Video được cho là quay lại cảnh vụ nổ xảy ra trên cầu Crimea. Nguồn: Telegram Kommersant
Theo tờ Guardian, một vụ nổ lớn xảy ra trên cầu Crimea (cầu Kerch) vào khoảng 6h sáng 8/10 (giờ địa phương) khi một đoàn tàu đang đi trên cầu.
Một video do RT đăng tải lại từ Twitter cho thấy ngọn lửa bùng cháy dữ dội ở một phần của cây cầu dài nhất châu Âu. Khói đen bốc lên ngùn ngụt. Sergey Aksenov, lãnh đạo Crimea do Nga bổ nhiệm, xác nhận 2 nhịp cầu trên một làn đường dành cho ô tô “đã bị sập” sau vụ nổ lớn. Vụ nổ cũng gây hỏa hoạn trên một chuyến tàu đang chở hàng trên phần đường sắt chạy song song.
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời một phụ tá của người đứng đầu Crimea cho hay, vụ nổ xảy ra do một bồn chứa nhiên liệu bị cháy. Chưa có thống kê thương vong ban đầu.
Nhịp cầu ở phần đường dành cho ô tô bị sập. Ảnh: RIA
Video: Cận cảnh cháy lớn ở cầu Crimea ngày 8/10. Nguồn: Twitter/RT
Cầu lửa lớn bao trùm một phần cầu Crimea. Ảnh: RIA
"Theo thông tin sơ bộ, một bồn chứa nhiên liệu bốc cháy. Còn quá sớm để nói về nguyên nhân và hậu quả của sự cố. Công việc dập lửa đang được thực hiện", Oleg Kryuchkov, một phụ tá của người đứng đầu Crimea, viết trên Telegram sáng 8/10.
Đài RT của Nga cũng dẫn thông tin từ Ủy ban chống Khủng bố Quốc gia xác nhận, một vụ nổ xe tải xảy ra trên cầu Crimea và gây thiệt hại cho cây cầu này. Giao thông qua cầu Crimea bị "tê liệt" tạm thời. Nikolay Lukashenko, người nắm quyền quản lý giao thông ở Crimea, nói với truyền thông rằng, chính quyền Crimea đang xem xét triển khai dịch vụ phà để đảm bảo giao thông thông suốt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị thành lập ủy ban chính phủ liên quan tình trạng khẩn cấp của cầu Crimea, bao gồm người đứng đầu Lãnh thổ Krasnodar và Crimea, đại diện Vệ binh Quốc gia, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Bộ Nội vụ. Nguyên nhân vụ nổ đang được điều tra.
Cột khói đen khổng lồ bốc lên trong đám cháy trên cầu Crimea ngày 8/10. Ảnh: TASS
Cầu Crimea - được xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018, nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga - trở thành biểu tượng cho sự thống nhất của bán đảo Crimea với Nga. Trong cuộc xung đột với Kiev, Moscow sử dụng cây cầu này để vận chuyển xe bọc thép và các khí tài quân sự khác.
Một số quan chức Ukraine và chỉ huy quân sự từng đưa ra cảnh báo cây cầu dài nhất châu Âu này có thể trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng Ukraine. Hồi đầu tháng 7, Alexey Arestovich - một cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - cho biết, Kiev vẫn chưa từ bỏ kế hoạch tấn công cây cầu này.
Tuy nhiên, ông Arestovich thừa nhận các vũ khí của Ukraine thời điểm đó chưa đủ phạm vi hoạt động để tấn công cây cầu dài nhất châu Âu.
Olga Kovitidi, một nghị sĩ ở Crimea, từng nói với hãng Sputnik hồi tháng 4 rằng, cầu Crimea là cây cầu được “bảo vệ nghiêm ngặt nhất” trên thế giới, với nhiều lớp phòng thủ ngày đêm hoạt động.
Hai trung đoàn tên lửa S-400 có nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn đòn tấn công từ xa nhằm vào cây cầu. Tầm bắn của các tên lửa S-400 lên tới 400km.
Để bổ sung năng lực phòng thủ tầm gần, Nga sử dụng các hệ thống phòng không Pantsir-S1, bà Kovitidi nói. Theo nghị sĩ Nga, hải quân Nga cũng tham gia hoạt động bảo vệ cầu, lắp đặt các hệ thống cảm biến phát hiện mục tiêu di chuyển dưới biển, ví dụ như tàu ngầm.
Nguyễn Thái - RT, TASS, Guardian