"Cử tri cho rằng bảo hiểm xe máy vẫn là giấy tờ bắt buộc cần có người dân tham gia giao thông bằng xe máy nhưng hiện nay nhiều người mua chỉ để đổi phỏ lực lượng cảnh sát giao thông thay vì quan tâm đến quyền lợi; cử tri kiến nghị điều chỉnh quy định về mua bảo hiểm xe máy nên là hình thức tự nguyện, không nên bắt buộc người dân", nội dung kiến nghị của cử tri Tp.HCM.
Về nội dung trên, Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 quy định bảo hiểm bắt buộc bao gồm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc.
Ngày 6/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong đó có bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, theo đó trên Giấy chứng nhận bảo hiểm phải bao gồm nội dung tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
Nghị định 67/2023/NĐ-CP đã có các quy định về trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, cụ thể như sau:
- Phải thiết lập, duy trì hoạt động 24/7 đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, hướng dẫn, giải đáp cho chủ xe. Thực hiện ghi âm cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của chủ xe.
- Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ phải hướng dẫn chủ xe hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường, trong vòng 24 giờ tổ chức giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
- Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của chủ xe về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng kể cả trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại.
- Thu thập các tài liệu hồ sơ bồi thường bảo hiểm gồm tài liệu liên quan của cơ quan Công an, biên bản giám định.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm đối với xe máy.
Ngoài ra, Nghị định 67/2023/NĐ-CP đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới so với các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trước đây nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Cụ thể, việc giám định bồi thường là do doanh nghiệp bảo hiểm, chỉ trường hợp tử vong mới yêu cầu hồ sơ công an.
Chủ xe có thể cung cấp tài liệu về bồi thường dưới hình thức điện từ hoặc có thể cung cấp bằng chứng chứng minh việc sửa chữa thay mới tài sản bị thiệt hại.
Trong vòng 3 ngày làm việc, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Đảm bảo quyền lợi của chủ xe như tăng, giảm phí bảo hiểm tối đa 15%. Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm với trường hợp lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của Bộ Y tế. Mở rộng phạm vi chỉ hỗ trợ nhân đạo cho các trường hợp không thuộc phạm vi bảo hiểm, tăng mức hỗ trợ cho các trường hợp thương tật toàn bộ.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định này để đảm bảo mục tiêu của chế độ bảo hiểm bắt buộc, đồng thời Bộ Tài chính sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách trong trường hợp cần thiết.
T.M