Thưa ông, có nhiều ý kiến băn khoăn về tính pháp lý và cơ hội thật sự để giao dịch trong “Ngày hội mua nhà giá gốc”. Ông có suy nghĩ gì đối với “Ngày hội mua nhà giá gốc” sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào hai ngày 24 - 25/9 sắp tới?
Ảnh mang tính minh họa
Thực ra đưa ra khái niệm “giá gốc” hay “giá không gốc” thì người mua cũng không quan tâm. Đơn giản trong thị trường tồn tại 3 quy luật chính, đó là thị trường, giá cả và cạnh tranh. Quy luật giá cả dựa trên nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Thế nên, theo quy tắc thị trường, có thể anh bán lỗ cũng được, bán lãi cũng chẳng sao, miễn là hai bên thỏa thuận với nhau rồi mua là được.
Ngay cả với người mua, có những lúc họ vẫn mua được những căn hộ giá gốc trong khi nhà đầu tư không hề “xướng” lên cụm từ này. Thực ra, mục đích của “Ngày hội mua nhà giá gốc” lần này nhằm thông báo tới người dân rằng họ không phải mua nhà qua trung gian nên sẽ rẻ hơn rất nhiều (?)
Trong bối cảnh thị trường Hà Nội dường như đóng băng, theo ông “Ngày hội mua nhà giá gốc” có phải là mượn cớ để tìm kiếm cơ hội “xả hàng"?
Hiện nay, trong lúc ế ẩm, quan hệ cung cầu đang chi phối giá cả, tức là cung nhiều, cầu ít.Vì thế, nhà đầu tư phải có chiêu tiếp thị để thu hút khách hàng. Đây cũng là một phương pháp tốt, những người kinh doanh phải biết tiếp thị sản phẩm của mình. Đó cũng là chuyện thường tình.
Theo tôi, sự kiện này là một chiêu tiếp thị bình thường trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng. Quan trọng là người mua, khi đi mua một sản phẩm thì có mặc cả, ngã giá thuận mua, vừa bán. Trong tình hình hiện nay, cung nhiều cầu ít, ngay cả giá gốc như các nhà đầu tư định ra cũng vẫn có thể hạ giá. Tức là tỷ suất lợi nhuận phải giảm đi thậm chí ngang bằng với giá thành hoặc dưới giá thành thì cũng phải bán. Nhà đầu tư còn vay nợ ngân hàng và phải trả lãi, thà bán nhanh chịu lỗ một ít còn hơn phá sản.
Thực ra tại thời điểm này, nên gọi là bán hạ giá chứ không phải là bán giá gốc. Giá gốc do nhà đầu tư định ra, thường bao gồm tỷ suất lợi nhuận lên đến 40 – 50%. Thậm chí phân khúc nhà giá cao tỷ suất lợi nhuận còn cao hơn.
Theo tính toán của tôi, giá thành nhà hiện nay đã bao gồm chi phí xây dựng đầu tư hạ tầng và chi phí quản lý. Vì thế giá vốn của một căn hộ chung cư nhiều lắm cũng chỉ lên tới 15 – 20 triệu/m2. Nếu bán ra 40 -50 triệu/ m2 thì giá đã tăng gấp mấy lần. Như vậy, giá nhà đầu tư định bán ra là 50 triệu rồi nói là giá gốc thì không được. Bây giờ quan hệ cung cầu ngược với thời điểm nhà đầu tư định giá.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đang đi xuống. Quan hệ cung cầu đảo ngược, cầu ít, cung nhiều, nhà đầu tư phải hạ giá xuống, không thể giữ nguyên giá ban đầu rồi nói là giá gốc.
Có ý kiến cho rằng, “giá gốc” là giá do chủ đầu tư công bố và bán trực tiếp đến tay khách hàng mà không phải qua các khâu trung gian, ông thấy sao?
Nên hiểu giá gốc ở đây là giá nhà đầu tư định ra ngay từ trong dự án đầu tư cộng thêm tỷ suất lợi nhuận. Chữ “gốc” dễ làm cho người mua ngộ nhân đó là giá thành. Họ không có chủ ý lừa, nhưng người mua dễ ngộ nhận.
Với bất động sản, người mua ít thông tin hơn người bán. Vì vậy, người mua nên tìm nhà tư vấn cho mình, mặc dù mất một ít chi phí. Tôi nghĩ rằng không nên đặt hoàn toàn niềm tin vào người bán vì có thể họ luôn nói rằng đó là giá bán lỗ hoặc giá bán gốc. Thực ra, đó là họ nói vậy thôi chứ có ai kiểm chứng thực hư thế nào đâu.
Thực chất, bán giá gốc hay bán qua sàn thì nhà đầu tư vẫn bán theo giá mà họ đã định ra.
Xin cảm ơn ông!
Thế Toàn