Lựu pháo cỡ 155mm nã hỏa lực trong cuộc xung đột Ả Rập - Israel năm 1973.
222 chiến đấu cơ MiG và Sukhoi của Ai Cập gầm rú trên bầu trời và oanh tạc các sở chỉ huy, các khẩu đội đất đối không, căn cứ không quân, kho đạn và căn cứ radar của Israel. Các cứ điểm phòng ngự được Israel xây đắp trong nhiều năm ở Sinai bị san phẳng.
Cùng lúc đó, cách vài trăm km về phía bắc, cao nguyên Golan rung chuyển bởi hàng loạt vụ nổ lớn khi Syria mở mặt trận tấn công với 100 chiến đấu cơ MiG, 900 xe tăng và 40.000 quân.
Người khởi xướng chiến dịch tấn công Israel năm 1973 là Tổng thống Ai Cập Anwar el-Sadat. Sau các nỗ lực đàm phán với Israel thất bại, ông el-Sadat quyết sử dụng vũ lực để đòi lại lãnh thổ mà Israel kiểm soát.
Ông el-Sadat nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Syria Hafez el-Assad, do Syria khi đó cũng muốn đòi lại cao nguyên Golan từ tay Israel.
Israel kiểm soát bán đảo Sinai và cao nguyên Golan sau cuộc chiến tranh 6 ngày với liên quân Ả Rập vào năm 1967. Ai Cập và Syria thuộc lực lượng Ả Rập tham chiến năm đó, cùng với Jordan, Iraq, Kuwait và Ả Rập Saudi.
Tổng thống Ai Cập tin rằng, chiến dịch phải diễn ra chớp nhoáng bởi chắc chắn Mỹ và Liên Xô sẽ tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Mỹ sẽ bảo vệ Israel còn Nga sẽ hỗ trợ Syria và Ai Cập.
Điều quan trọng với Ai Cập là phải nhanh chóng tái chiếm càng nhiều vùng lãnh thổ càng tốt để tạo lợi thế trên bàn đàm phán. Ông el-Sadat tin rằng, bên nào giành chiến thắng trong 24 giờ đụng độ đầu tiên thì chắc chắn sẽ chiến thắng trong cả cuộc chiến.
Xe tăng Israel trấn giữ vị trí ở cao nguyên Golan.
Chiến tranh nổ ra khi Israel đang kỷ niệm ngày lễ Yom Kippur của người Do Thái nên sự phòng bị lơi lỏng. Boaz Atzili, giáo sư tại Đại học Mỹ giải thích, Israel tin rằng một cuộc tấn công từ lực lượng Ả Rập trong tháng Ramadan là điều khó xảy ra.
Israel khi đó chỉ có một lực lượng phòng thủ đóng vai trò trấn giữ biên giới. Việc thiếu phương tiện truyền thông và liên lạc trong lễ Yom Kippur khiến Israel gặp khó khăn trong việc phối hợp, đưa quân chủ lực ra tiền tuyến.
Cuộc tấn công cũng gây bất ngờ cho thế giới. Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon, nói: "Mới chỉ ngày hôm qua, CIA còn báo cáo rằng chiến tranh ở Trung Đông khó có thể xảy ra".
Cuộc tấn công của quân đội Ai Cập ở bán đảo Sinai mở màn bằng những cú đòn dữ dội với độ chính xác cao. Trong vài phút đầu tiên, pháo binh Ai Cập nã hơn 10.000 quả đạn vào các cứ điểm của Israel dọc kênh đào Suez. Trong vòng 20 phút, các máy bay MiG thực hiện tới 300 lần xuất kích. Các đội xuồng cao su chở binh sĩ ồ ạt vượt kênh. Lực lượng công binh Ai Cập với máy ủi và thuốc nổ đã khoét được 60 lối vào xuyên qua các thành lũy Israel xây dựng.
Đến 5 giờ chiều, khoảng 32.000 lính bộ binh đã đổ bộ và trong vòng 24 tiếng đồng hồ, hơn 1.000 xe tăng, 13.500 phương tiện và 100.000 binh sĩ đã vượt qua kênh đào an toàn. Trong ngày giao tranh đầu tiên, Ai Cập chỉ tổn thất 208 người.
Ở cao nguyên Golan, Syria chia lực lượng làm hai mũi tiến công, một từ phía bắc và một từ phía nam, nhằm tạo ra gọng gìm đẩy lùi lực lượng Israel.
Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Henry Kissinger đứng cạnh nữ Thủ tướng Israel Golda Meir.
Cuộc tiến công của quân đội Syria ở phía bắc cao nguyên Golan gặp khó khăn khi không có lực lượng công binh giúp xe tăng vượt hào chống tăng. Kết quả là hàng trăm xe tăng Syria bị kẹt lại ở các tuyến phòng thủ của Israel, không thể yểm trợ bộ binh. Trong 3 ngày giao tranh, lực lượng phòng thủ với quân số ít ỏi của Israel đã kiên cường chiến đấu, bắn cháy hàng chục xe tăng Syria.
Ở phía nam cao nguyên Golan, lực lượng Syria đã thu được thành công ban đầu, thậm chí còn tiến sát đến Nafekh, trung tâm chỉ huy của Israel. Đến ngày giao tranh thứ hai, lực lượng Syria tỏ ra bế tắc khi lực lượng tiếp viện của Israel được triển khai. Quân đội Israel thậm chí còn tiến sát đến thủ đô Damascus, buộc Syria chuyển từ thế tấn công sang phòng thủ.
Thành công của Israel tại cao nguyên Golan không phải là ngẫu nhiên. Israel trương huy động lực lượng chủ lực tiếp viện cho lực lượng ở phía bắc để chặn đứng bước tiến của quân đội Syria trước, bởi khu vực này gần lãnh thổ trung tâm của Israel.
Ở bán đảo Sinai, quân Ai Cập dù không tạo ra đột phá như ngày giao tranh đầu tiên, nhưng cũng liên tục giành thêm lãnh thổ. "Trong hàng chục năm giao tranh với thế giới Ả Rập, chúng tôi chưa từng biết đến thất bại. Nay lại bị Ai Cập giáng đòn mạnh", thiếu tướng Israel Ariel Sharon khi đó cho biết.
Trong 4 ngày đầu tiên giao tranh với Ai Cập, Israel tổn thất 49 máy bay và gần 500 xe tăng. Chính phủ Israel thể hiện rõ sự lo lắng. Trong cuộc gặp Thủ tướng Golda Meir vào ngày 9/10/1973, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Dayan đã đề xuất sử dụng vũ khí hạt nhân.
Pháo binh Israel nã hỏa lực ở cao nguyên Golan.
Khi Israel lâm nguy, chính quyền Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã mở chiến dịch Chiến dịch Nickel Grass, sử dụng cầu hàng không để vận chuyển 20.000 tấn vũ khí, xe tăng, đạn dược đến Israel. 33.000 tấn vật liệu được vận chuyển bằng đường biển.
Sự hỗ trợ to lớn và kịp thời của Mỹ giúp Israel từng bước chặn đứng cuộc tiến công của Ai Cập ở bán đảo Sinai. Ngày 14/10/1973, Ai Cập huy động 1.000 xe tăng tấn công quân Israel ở bán đảo Sinai. Israel đã đáp trả mạnh mẽ với hàng trăm chiến đấu cơ và 800 xe tăng. Trong trận đánh ngày hôm đó, Ai Cập tổn thất 265 xe tăng và 200 phương tiện khác. Ngược lại, chỉ có 40 xe tăng Israel bị hư hại.
Nhận thấy cán cân quân sự đã thay đổi khi Mỹ can thiệp, Tổng thống Ai Cập Sadat rốt cuộc quay sang tìm cách chấm dứt cuộc chiến. "Tôi biết các khả năng của mình. Tôi không định gây chiến với toàn bộ nước Mỹ", ông nói, ám chỉ sự hỗ trợ to lớn của Mỹ với Israel.
Ở thời điểm đó, Mỹ và Liên Xô đã tích cực thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết kêu gọi các bên ngừng bắn. Israel muốn tận dụng đà tiến công để đẩy lùi hoàn toàn Ai Cập khỏi bán đảo Sinai nhưng đành chấp nhận ngừng giao tranh vào ngày 25/10/1973 trước những tác động từ Mỹ. Đây cũng là lần hiếm hoi Israel chấp nhận nhượng bộ, chấm dứt xung đột với các quốc gia Ả Rập.
Chiến tranh nổ ra khi Ai Cập muốn đòi lại bán đảo Sinai còn Syria muốn giành lại cao nguyên Golan từ tay Israel.
Tổng cộng có 2.500 người Israel thiệt mạng trong giao tranh, gấp 2 lần so với cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Ở phía bên kia, Ai Cập tổn thất 7.700 người còn Syria tổn thất 3.500.
Sau cuộc chiến tranh Yom Kippur, quân đội Israel không còn được coi là lực lượng bất khả chiến bại, dẫn đến những sự thay đổi lớn trong nội bộ đất nước.
Syria không giành được bất cứ mục tiêu nào trong cuộc chiến mà còn để Israel kiểm soát hoàn toàn cao nguyên Golan. Trong khi đó, Ai Cập thắng lợi về mặt chiến lược khi giành lại một phần bán đảo Sinai từ tay Israel.
5 năm sau khi xung đột kết thúc, Ai Cập và Syria ký Hiệp định Trại David ở Mỹ vào ngày 17/9/1978. Hiệp định mở đường cho một hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel. Năm 1982, Israel trả lại phần cuối cùng của Bán đảo Sinai cho Ai Cập, chính thức khôi phục quan hệ giữa hai nước.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp